VNN - Cuối tuần này ông Abe và ông Trump gặp lại nhau tại Washington và Florida. Đây là cơ hội vàng để ông Trump thể hiện cho ông Abe thấy về sự thân hữu của nước Mỹ với Nhật Bản, một đối tác chiến lược không thể thiếu nếu nước Mỹ muốn vĩ đại trở lại. Vì bản chất của các mối quan hệ giữa các nước lớn là hợp tác với nhau.
Tuần trước, tướng James Mattis đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Trong 4 ngày ở Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Mattis đã khéo léo trấn an giới chức hai đồng minh này về các cam kết của Washington.
Hiện ở khu vực Đông Á đang nổi lên nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại với chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời của Tổng thống Trump. Những quan ngại này là có cơ sở bởi hồi tranh cử, ông Trump đã tuyên bố Nhật Bản và Hàn Quốc phải trả tiền để được sự hỗ trợ về quân sự của Mỹ, thậm chí ông còn gợi ý Tokyo và Seoul nên tự phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên trong cuộc hội đàm hồi tháng 11/2016 giữa ông Trump và ông Shinzo Abe, cũng như các cuộc điện đàm của ông Trump với giới chức Hàn Quốc, và những tín hiệu trong chuyến công du của Bộ trưởng Mattis vừa qua đều cho thấy chính quyền mới của nước Mỹ đang nỗ lực trấn an các đồng minh chiến lược ở khu vực châu Á.
Chỉ xét riêng thời điểm tướng Mattis tới thăm hai đồng minh là đủ thấy. Chuyến đi được diễn ra vào đúng lúc có những xôn xao ám chỉ việc chính quyền Trump từ bỏ chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á. Trong chuyến công du tới Nhật Bản và Hàn Quốc, tướng Mattis không hề gây sức ép với các đồng minh về việc chia sẻ gánh nặng, mà thay vào đó ông ấy đã trấn an và lắng nghe.
Có một sự thực không thể chối cãi rằng, Washington sẽ cần các đồng minh Đông Á trong vài tháng tới, khi căng thẳng sẽ nổi lên quanh nhiều điểm nóng trong khu vực, như bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông và Biển Đông.
Do vậy, ngày hôm nay, cuộc gặp với ông Abe, ông Trump được kỳ vọng là dịp để ông Trump khẳng định rõ hơn thái độ và các cam kết của nước Mỹ với đồng minh.
Những lo ngại của Nhật Bản về quan điểm của ông Trump đối với chiến lược của Mỹ tại châu Á có hai cơ sở. Tokyo đã bị cảnh báo bởi những tuyên bố của ông Trump, rằng Nhật Bản đang hưởng lợi từ cam kết đồng minh của Washington mà không phải đáp lại cái gì. Trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 8/2016, ông Trump từng đùa rằng: “Chúng ta có một hiệp ước với Nhật Bản rằng nếu nước Nhật bị tấn công, chúng ta sẽ phải sử dụng toàn bộ sức mạnh và khả năng của Mỹ. Nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản sẽ không phải làm gì, họ có thể ngồi ở nhà và xem tivi Sony”.
Từ khi đắc cử cuối năm 2012, ông Abe luôn tìm cách cải cách cấu trúc an ninh và quốc phòng theo gợi ý của người Mỹ. Chính phủ của ông Abe đã thành lập một Hội đồng An ninh Quốc gia, phát triển Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của Nhật Bản, và thúc đẩy một cuộc cải cách an ninh có hiệu lực từ năm 2016, tăng tính mềm dẻo và mở rộng phạm vi triển khai lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF).
Tokyo đã thực hiện nhiều trong số những thay đổi này trong một bản sửa đổi Hướng dẫn quốc phòng song phương, ký kết năm 2015, nhằm thắt chặt quan hệ an ninh song phương.
Trong một cuộc gặp với ông Abe, Bộ trưởng Mattis đã nhấn mạnh rằng 100% là Washington không từ bỏ các cam kết an ninh của mình. Đồng thời ông Mattis cũng đảm bảo rằng Mỹ vẫn coi quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư) là nằm trong độ bao phủ của Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật, tức là Mỹ sẽ trợ giúp Nhật Bản nếu quần đảo này bị tấn công.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Nhật vẫn chưa thể yên tâm. Họ cho rằng, việc ông Trump rút khỏi Hiệp ước đối tác xuyên Đại Tây Dương (TPP) sẽ tác động không nhỏ tới kế hoạch hồi sinh nền kinh tế Nhật của Thủ tướng Abe.
Chính sách kinh tế mang tên Abenomics phụ thuộc vào sự kết hợp giữa những gói kích thích tài chính, chính sách nới lỏng tiền tệ và các cải cách về cấu trúc. TPP được xem là lực đẩy quan trọng nhằm giúp hiện đại hóa nền kinh tế Nhật và đảm bảo sự tiếp cận vào thị trường mới cho các công ty của Nhật.
Vì vậy việc TPP “chết yểu” chẳng khác nào tước đi của Tokyo một vũ khí mạnh, cũng như xóa bỏ động cơ nhằm buộc Trung Quốc - nước vốn không tham gia TPP - phải tôn trọng các chuẩn mực kinh tế khu vực. Khi không còn TPP, ông Abe đang phải tìm đến các thỏa thuận thương mại thay thế, với những quy định quản lý yếu hơn và ít lợi ích kinh tế hơn, như thỏa thuận Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Trung Quốc đứng đầu.
Cũng như Nhật Bản, ông Trump và các cố vấn của ông đang từng bước rút lại một số tuyên bố của mình về an ninh song phương nhằm trấn an Seoul.
Trước chuyến thăm của ông Mattis, Washington đã nhất trí bán tên lửa trị giá 140 triệu USD cho Seoul nhằm tăng cường năng lực răn đe của Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Trong chuyến công du vừa rồi, người đứng đầu Lầu 5 góc, tướng Mattis đã nhất trí với người đồng cấp Hàn Quốc về việc thúc đẩy bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc trong năm nay, nhằm chống lại hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung từ Triều Tiên. Ông cũng tìm cách xoa dịu các lo ngại của Hàn Quốc bằng cách nhấn mạnh rằng một vụ tấn công của Triều Tiên sẽ bị đáp trả “mạnh tay”.
Suy cho cùng, quan hệ Mỹ – Nhật – Hàn đã tiến bộ trong nhiều năm gần đây, với việc cải thiện chia sẻ thông tin, tăng cường các cuộc tập trận ba bên, và thường xuyên trao đổi và đối thoại chính trị cấp cao.
Chuyến công du vừa rồi của ông Mattis tới Đông Á đã khẳng định cách tiếp cận chung không thể thiếu nhau. Ông Mattis không đi chơi cho vui.
Vì lẽ đó, trong cuộc gặp với ông Abe cuối tuần này, được xem là cơ hội vàng để Tổng thống Donald Trump tái khẳng định mối quan hệ đồng minh quan trọng, một trong những chìa khóa để “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét