Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Con ruồi có tội không?

FB Hoàng Hữu Hồ

1. Tóm tắt câu chuyện:

Ông Võ Văn Minh phát hiện có con ruồi trong một sản phẩm thức uống của Công ty Tân Hiệp Phát (THP). Với niềm tin nội tâm và hết sức giản đơn, theo ông đây là cơ hội để thay đổi cuộc đời, thế là ông Minh liên lạc THP để yêu cầu bồi thường 1 tỷ đổi lấy sự im lặng của ông. Hai bên thoả thuận thống nhứt giá của im lặng là 500 triệu đồng, THP hẹn ông Minh ký biên bản, giao tiền, nhưng đồng thời mật báo cho công an Tiền Giang bắt ông Minh tại trận về hành vi cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp. Vậy thì hành vi của ông Minh là có tội không? THP làm vậy là đúng hay sai? Hay chỉ mỗi con ruồi có tội????

2. Quan điểm kết tội ông Minh:

Trên rất nhiều báo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, cùng nhiều thẩm phán khác cho rằng hành vi của ông Minh là phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo điều 135 của Bộ luật Hình sự. Họ lập luận như vầy:

“ Theo quy định tại Điều 4 Bộ luật dân sự thì chỉ đối với những nếu cam kết, thoả thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào, mới được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Ở trong hai tình huống nêu trên, cho dù thấy có sự thỏa thuận giữa các bên nhưng những nội dung thỏa thuận đó là những nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, đồng thời một bên trong thỏa thuận bị đe dọa nên không phải là những thỏa thuận hợp pháp. Thêm vào đó, hành vi của ông Minh đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự mà cụ thể là tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 135, Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo đó, “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.” Vì ông Minh và đã uy hiếp tinh thần của người đại diện theo pháp luật của THP, làm cho người này sợ việc sản phẩm của họ có khuyết tật và có nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng thì THP sẽ bị cơ quan nhà nước phát hiện, sẽ có thể bị xử phạt hay sợ bị người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm của Công ty họ, làm cho Công ty họ mất uy tín trên thị trường Do đó, họ đã phải đưa tiền cho ông Minh trong các trường hợp trên. Như vậy, có thể hiểu cho dù đại diện THP chấp nhận những điều kiện hay thỏa thuận với ông Minh về những điều kiện nêu trên thì cũng hoàn toàn không phải là do họ tự nguyện, do đó, trách nhiệm đối với hành vi cưỡng đoạt tài sản của ông Minh không được miễn trừ. Hay nói một cách khác là hành vi của ông Minh đã có dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 BLHS như đã phân tích ở trên. (trích từ Petrotimes)

* Đây chính là quan điểm cơ bản nhất mà những người muốn buộc tội ông Minh, kể cả cơ quan công an Tiền Giang áp dụng để bắt ông Minh.

3. Phản biện lại sự kết tội ông Minh:

a) Trước hết, cũng theo khoản 1 Điều 135, thì chỉ những người có hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị truy tố, khởi tố với tội danh “cưỡng đoạt tài sản”. Rõ ràng, chủ thể bị xâm hại phải là cá nhân chứ không phải tổ chức (dẫn luật: người khác). Theo luật sư Hậu, thì ông Minh đã có hành vi đe doạ đến người đại diện pháp luật của THP, và việc công bố thông tin sẽ làm người đại diện THP lo sợ sản phẩm công ty bị tẩy chay, bị cơ quan nhà nước phát hiện và xử phạt.

Lập luận này là sai logic, sai luật hoàn toàn, bởi theo Luật doanh nghiệp năm 2005 và Điều 91, 93 và khoản 2 Điều 139 Bộ luật Dân sự năm 2005, thì các giao dịch của Pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân, và pháp nhân hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm về các giao dịch của người đại diện. Mặt khác, theo Luật doanh nghiệp 2005, người đại diện của doanh nghiệp không nhất thiết là cổ đông, thành viên góp vốn, Công ty có thể thuê hoặc uỷ quyền người khác làm đại diện pháp luật. Do đó, không thể nói rằng hành vi của ông Minh đe doạ trực tiếp đến lợi ích của người đại diện pháp luật công ty.

Thứ hai, việc thoả thuận của ông Minh với THP có trái với điều 4 của BLDS hay không? Xin thưa là không, bởi giả sử rằng ông Minh công bố công khai chuyện sản phẩm có con ruồi (nếu đúng thật như vậy), thì đó cũng là quyền của người tiêu dùng, nó là quyền cung cấp thông tin, và công dân được quyền thực hiện điều đó. Nó hoàn toàn không trái với đạo đức, không vi phạm điều cấm của luật. Việc thoả thuận giữa 02 bên cũng là hoàn toàn tự nguyện, bởi nếu như THP tự tin về sản phẩm của họ, thì ngay từ lúc ban đầu họ có quyền từ chối thoả thuận, cây ngay ko sợ chết đứng, nếu ông Minh nguỵ tạo sản phẩm thì họ có quyền đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật truy tố, khởi tố về hành vi làm hàng giả và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy tại sao họ không làm vậy???

b) Ông Minh có quyền thoả thuận, thương lượng với THP về chuyện đền bù hay không?

Theo Điều 8, 30, 31 và 32 Luật Bảo vệ người tiêu dùng, thì khi phát hiện hàng hoá, dịch vụ được cung cấp kém chất lượng, không đạt yêu cầu, người tiêu dùng có thể yêu cầu bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ bồi thường thiệt hại thông qua các phương thức như sau:

- Tự thương lượng
- Khởi kiện ra toà án hoặc đề nghị cơ quan trọng tài phân xử
- Hoà giải thông qua Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng.

*Như vậy, ông Minh và THP đã chọn giải pháp tự thương lượng, thoả thuận với nhau. Vậy thì lời yêu cầu của ông Minh đối với THP:” nếu không bồi thường thì sẽ công bố ra công chúng” có phải là hành vi đe doạ, dùng thủ đoạn để uy hiếp người đại diện THP như luật sư Hậu hay cơ quan công an viện dẫn hay không? Rõ ràng là không. Bởi vì, nếu ông Minh chọn con đường yêu cầu bồi thường thông qua toà án, thì hành vi công bố đó ra công chúng đã được thực hiện một cách hợp pháp, đặc biệt một khi báo giới quan tâm, đưa tin, thì thông tin đó càng rộng rãi ra dư luận. Vậy thì lúc này cơ quan công an có còn viện dẫn luận cứ trên để bắt ông Minh vì cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản????

c) Ông Minh chỉ phạm tội cưỡng đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi nào?

Khi và chỉ khi cơ quan công an giám định và cho kết quả rằng sản phẩm thức uống của THP có con ruồi bên trong là do ông Minh nguỵ tạo. Và chỉ khi đó, thì mới cấu thành tội phạm đối với hành vi của ông Minh.

3. Người tiêu dùng phải làm gì để bảo vệ mình?

Trong giai đoạn hiện nay, việc nhập nhằng giữa dân sự và hình sự, để tránh bị hình sự hoá các quan hệ dân sự, khi xảy ra sự việc cần phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, người tiêu dùng tốt hơn hết không nên tự thoả thuận với doanh nghiệp, hãy chọn một giải pháp công khai: nhờ luật sư tiến hành khởi kiện ra toà án để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đây cũng là một giải pháp vừa công khai hợp pháp sự gian dối, cung cấp hàng hoá kém chất lượng của doanh nghiệp, nhà sản xuất, đồng thời đảm bảo thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường chính đáng của mình. Trong trường hợp, luận chứng đưa ra hợp lý, hợp luật, toà án có thể công nhận yêu cầu bồi thường của người tiêu dùng.

Mặt khác, qua những sự việc nói trên, thiết nghĩ những định chế bảo vệ người tiêu dùng như hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan quản lý chất lượng hàng hoá cần phải nghiêm túc hơn, quan tâm hơn đến việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ đối với các doanh nghiệp, nhà sản xuất đang có vấn đề.
Ngoài ra, báo giới cần công tâm hơn, không vì những hợp đồng PR mà đánh mất việc khách quan trong việc đưa tin. Và cuối cùng, hơn ai hết, chính người tiêu dùng, công luận cần phải có tiếng nói, phản ứng mạnh mẽ hơn để bảo vệ chính mình-những người tiêu dùng trong xã hội, tránh những trường hợp bị bắt oan, tù oan chỉ vì việc tự thương lượng với bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ.

4. Kết luận

Vụ này, công bằng mà nói, thủ phạm và kẻ cần bị kết tội, đó chính là CON RUỒI. Tại sao mày dám chui vô chai nước của THP????
Tại sao?????

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét