Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Việt Nam kí nhập 20 triệu tấn than/năm: Lời nguyền ứng nghiệm

Thái An

Đất Việt - Nhập khẩu than để bù đắp cho sự mất cân đối lớn giữa năng lực sản xuất với nhu cầu là điều không thể tránh khỏi.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, đến nay, Vinacomin đã ký 10 Biên bản ghi nhớ, 1 Hợp đồng nguyên tắc với một số công ty than của Indonesia, Australia; Công ty Sojitz, Marubeni, Sumitomo của Nhật Bản và 1 Thoả thuận cung cấp than dài hạn với Công ty ASPECT Resources của Australia với tổng khối lượng than đã ký kết khoảng trên 20 triệu tấn/năm.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đã ký được 4 Hợp đồng khung về cung cấp than với các đối tác Ensham Coal Sales và Peabody của Australia, Tuah Turangga Agung của Inđônêxia, Sojitz Corporation của Nhật Bản và 1 Biên bản ghi nhớ với Noble Group của Indonesia với tổng khối lượng than đã ký khoảng 10 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện của PVN.

Theo Quy hoạch điện VII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030), nguồn nhiệt điện than chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn điện của Việt Nam, vì vậy trong thời gian tới, nhu cầu than cho phát điện ngày càng cao trong khi đó sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.

Như vậy, nhập khẩu than để bù đắp cho sự mất cân đối lớn giữa năng lực sản xuất với nhu cầu là điều không thể tránh khỏi.

Bộ Công Thương dự báo từ năm 2016, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than phục vụ các hộ tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện với khối lượng dự kiến như sau: năm 2016 khoảng 3-4 triệu tấn; năm 2020 khoảng 35 triệu tấn; năm 2025 khoảng 80 triệu tấn, năm 2030 khoảng 135 triệu tấn.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu than dài hạn với khối lượng lớn là vô cùng khó khăn. Theo nhiều chuyên gia, nguồn nhập khẩu than là chưa đảm bảo.

Hiện có 4 nguồn mà Việt Nam có thể nhập khẩu than gồm: Indonesia, Australia, Nga, Nam Phi. Hai đối tác Australia và Indonesia có tính khả thi cao hơn, đây cũng là hai nhà cung cấp than chủ chốt cho các nền kinh tế lớn ở châu Á.

Trước đó, 41.500 tấn than vừa cập cảng Hòn Nét (Quảng Ninh). Đây là mẻ than đầu tiên Vinacomin nhập khẩu thí điểm từ Liên bang Nga và sẽ là bước đệm cho kế hoạch nhập than phục vụ nhu cầu trong nước thời gian tới.

Đáng nói, mặc dù nhu cầu than vẫn đang gia tăng, dự kiến đến năm 2020, sẽ phải nhập khẩu cả triệu tấn, nhưng song hành với việc nhập khẩu, ngành than vẫn đang làm một điều nghịch lý: Xuất khẩu than với số lượng không hề nhỏ.

Ồ ạt xuất khẩu

Việt Nam được coi là "mỏ vàng đen” của châu Á và Đông Nam Á, với trữ lượng hiện nay còn khoảng tương đương 3,5 tỷ tấn. Dù có thế mạnh về tài nguyên than, nhưng nhiều thập kỷ qua, Việt Nam chỉ chú trọng khai thác để xuất khẩu. Có thời điểm (giai đoạn 2006-2011) Việt Nam xuất khẩu tới 21 triệu tấn than.

Nguy cơ thiếu than cho nhu cầu trong nước đã từng được giới chuyên gia cảnh báo. Và trên thực tế, Chính phủ cũng đã nêu vấn đề, nhu cầu than trong nước đang ngày càng tăng cao: Năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145,5 triệu tấn, và cho đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải tiêu thụ tới 220,3 triệu tấn.

Như vậy, so với mức tiêu thụ năm 2013 (28 triệu tấn) đến năm 2015 (chỉ sau 2 năm) nhu cầu than trong nước sẽ tăng gấp hơn 2 lần, đến năm 2020 tăng gấp 4 lần và đến năm 2030 tăng gấp 8 lần.

Trong khi đó, sản lượng than hiện tại mới chỉ đạt 40 triệu tấn và trong tương lai cũng khó có thể tăng sản lượng lên. Thế nhưng lãnh đạo tập đoàn TKV, ông Nguyễn Văn Biên, vẫn cho biết "trong kế hoạch sản xuất và kinh doanh của ngành, vẫn sẽ xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn than/ năm".

Năm 2011, VN cũng là nước nằm trong top 5 nước xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới.

Lời nguyền ứng nghiệm

Chính sách đào tài nguyên bán giá rẻ vì sao nó tồn tại được lâu nay khi mà theo nhiều dự báo, Việt Nam đã đứng trước "lời nguyền khoáng sản".

Cho rằng, nỗ lực tận khai, ra sức "đào" và "chặt" khiến nhiều tài nguyên bị cạn kiện. PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, đến nay Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi phương thức tồn tại dựa chủ yếu vào khai thác tự nhiên. Đây là giai đoạn zero trong các giai đoạn tiến lên công nghiệp hóa.

“Trong hơn 20 năm qua, các thành phần kinh tế, mọi ngành, mọi nhà đều ra sức “đào” và “chặt”, ra sức xuất khẩu tài nguyên, bán cho nước ngoài tất cả nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia có thể. Và trong thời gian qua, nỗ lực tận khai đó vẫn còn duy trì sự đóng góp mạnh mẽ vào thành tích tăng trưởng kinh tế. Đến bây giờ năng lực đó hầu như đã đạt mức tối đa, nhiều loại tài nguyên gần như cạn kiệt, môi trường đã bị suy thoái nghiêm trọng” - ông Thiên chua chát nói.

Sở dĩ có tình trạng này là một phần công nghệ của chúng ta lạc hậu, mặt khác do bị áp lực bởi các chỉ tiêu về ngân sách nên một số tỉnh, thành cho phép xuất khoáng sản thô. Ông Thiên cho rằng, đó chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng hỗn loạn trong hoạt động khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô mà nhà nước không thể kiểm soát được.

Đặc biệt với những ngành khai thác khoáng sản như than, bauxite, titan… đều xuất khẩu với mức giá rất thấp, chưa kể lại xin đủ thứ ưu đãi về thuế, phí.

Trong khi đó, tình trạng xuất lậu khoáng sản vẫn chưa được kiểm soát, đó chính là cửa kiếm "ăn" của những kẻ cơ hội, trục lợi. TS Lê Đăng Doanh, cho hay theo báo cáo của Trung Quốc thì xuất khẩu của ta sang nước láng giềng này nhiều hơn con số thống kê chính thức những gần 4 tỉ USD, một con số không phải nhỏ. Đây chính là số hàng hóa xuất lậu qua nước ngoài, trong đó có tài nguyên khoáng sản.

Theo TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng, trong 6 tháng đầu năm 2013 có hơn 2 triệu tấn than bị xuất lậu sang TQ, số liệu này Vinacomin cũng nắm được.

Theo ông Sơn, giá thành khai thác than hiện nay là khoảng 1,2 triệu đồng/tấn, còn giá bán than trong nước hiện nay bình quân là gần 1,3 triệu đồng/tấn, còn xuất khẩu thì phải cao hơn, chưa kể số tiền thuế xuất khẩu hiện nay là 13%, từ đấy tính ra số tiền thất thoát là rất lớn, nhà nước không thu được một đồng nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét