Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Vừa tăng giá điện lại dồn giá xăng: Nghe mà run

Phạm Huyền

VNN - Sau cú bứt phá tới 7,5% của giá điện, giá xăng dầu cũng "muốn" tăng tốc khi hai ngày nữa sẽ đến kỳ điều chỉnh giá.  Các chuyên gia kinh tế dự báo, đây có thể là cú hích lớn chấm dứt 4 tháng lạm phát âm. CPI tới đây sẽ dương trở lại.

Tới tấp doạ tăng giá

Hôm 9/3, đại diện của Công ty SaigonPetro lo lắng: "Tình hình giá bán vẫn đang âm, do giá xăng dầu thành phẩm tăng cao quá. Chúng tôi không chắc chắn khả năng tới đây, giá bán lẻ có tiếp tục đứng yên như 2 kỳ trước hay không?".

Theo cập nhật của doanh nghiệp này, dầu thô trên thế giới có giảm chút ít trong tuần qua. Ngày 8/3, giá dầu ngọt nhẹ WTI đã từ đỉnh cao 51,53 USD/thùng hôm 4/3 giảm chỉ còn 50,5 USD/thùng. Mặc dù vậy, giá các mặt hàng thành phẩm vẫn tăng đều và đã tiến tới ngưỡng 73-74 USD/thùng, cao hơn hẳn ngưỡng 67-68 USD/thùng của 15 ngày trước đó.

Do đó, giá bán lẻ hiện nay đã âm nặng so với giá cơ sở. Cụ thể, giá xăng A92 hiện nay đã bán âm hơn 3.020 đồng/lít, dầu diezen âm 1.465 đồng/lít, dầu hoả âm 1.407 đồng/lít và madut âm 1.983 đồng/kg.

Kể từ 24/2, Bộ Công Thương cho phép xả Quỹ bình ổn với các mức từ 1.350 - 2.448 đồng/kg, tuỳ loại thì giá bán xăng dầu hiện nay vẫn "lỗ".

Chẳng hạn như mặt hàng xăng vẫn "lỗ" 572 đồng/lít, dầu diezen "lỗ" 115 đồng/lít. Riêng hai mặt hàng dầu hoả và madut nhờ xả Quỹ lớn nên đang "lãi" lần lượt 286 đồng/lít và" 32 đồng/kg.

Đại diện SaigonPetro lo ngại, dự kiến 2 ngày tới sẽ tới kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo, phương án cụ thể sẽ phụ thuộc vào điều hành của Liên Bộ Công Thương-Tài chính. Nếu giá thế giới, chúng tôi cho rằng, hợp lý nhất là vừa xả Quỹ một phần, vừa tăng giá một phần để cân đối.  

Cũng ngay thời điểm này, giá điện đã được chính thức công bố sẽ tăng 7,5% từ ngày 16/3. Trong đó, dự kiến, giá điện bán lẻ cho sinh hoạt có thể tăng thấp hơn 7,5 ở 2 bậc thang đầu, nhưng với các bậc thang sau đó, mức giá cao nhất dự kiến sẽ lên tới hơn 2.579 đồng/kWh.

Sau thông tin này, hàng loạt doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp đã lên tiếng than rằng, mức tăng quá cao.

Đại diện của Công ty Thép Việt đã khẳng định, tiền điện sản xuất thép trong 1 năm tại công ty ước sẽ lên tới 795 tỷ đồng, tức tăng thêm 55 tỷ đồng. Các doanh nghiệp ngành xi măng, ngành nhựa đều lo lắng về khoản chi phí tăng thêm khổng lồ do mức tiêu thụ điện ở các ngành này đều rất cao, trên dưới 100 kWh/tấn, chiếm 5% trong giá thành sản xuất. Nếu trước đây, sản xuất 1 tấn thép mất hơn 143 nghìn đồng thì tới đây, sẽ mất khoảng 160 nghìn đồng.

Trước viễn cảnh giá điện, giá xăng sẽ leo thang, nhiều doanh nghiệp đã khẳng định sẽ phải tăng giá sản phẩm trong thời gian tới.

Tác động mạnh tới lạm phát

Liên quan câu chuyện này, TS Lê Đăng Doanh bày tỏ, việc tăng giá như vậy sẽ là một đòn rất mạnh cho các doanh nghiệp. Năm nay là năm hội nhập, nếu doanh nghiệp bất thình lình bị một khoản chi phí to lớn phát sinh so với kế hoạch kinh doanh ban đầu thì họ sẽ khó chống đỡ.

TS Doanh băn khoăn: "Tôi đã có đề nghị chỉ nên tăng giá điện khoảng 3% mỗi lần tăng. Việc tăng giá cần có lộ trình tăng dần dần, có khung và có tính dự báo để các doanh nghiệp còn chuẩn bị chủ động".

Cũng theo TS Doanh, lần tăng giá điện này vẫn trong bối cảnh chưa có cơ chế thị trường hoàn chỉnh, vẫn là độc quyền. Thủ tướng đã có chỉ thị phải giảm chi phí đường dây, hao hụt đường dây, nâng cao năng suất lao động, giảm biên chế cồng kềnh của nhân viên thu tiền điện. Do vậy, các báo cáo đề xuất tăng giá điện cần phải làm rõ việc này đã được thực hiện ra sao, không thể lờ đi được.

Với TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, giá điện và giá xăng dầu hiện nay đều có vấn đề ở trật tự thị trường. Thị trường điện hiện nay chưa được kiểm soát độc quyền và vẫn còn cạnh trạnh không lành mạnh. Các đợt thanh tra, kiểm tra giá cước vận tải dưới tác động giá xăng dầu, để từ đó yêu cầu doanh nghiệp phải giảm cước vẫn chỉ là can thiệp hành chính. Cơ quan xử lý những việc này phải là Cục Quản lý cạnh tranh, với vị trí cần độc lập chứ không phải trực thuộc Bộ Công Thương như hiện nay.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, Bộ KHĐT cho hay, khi giá điện tăng 7,5%, CPI vòng sẽ tăng 0,26%. Nhưng đó là vòng chịu tác động trực tiếp, giá điện tăng sẽ còn tác động mạnh hơn tới vòng 2, là vòng gián tiếp ảnh hưởng tới giá cả hàng hoá sản phẩm dịch vụ. Mức tác động này sẽ lớn hơn 0,26%.

"Chúng tôi đã dự kiến, tổng mức ảnh hưởng cả năm của giá điện vào CPI sẽ là khoảng 0,46%. Đây là mức tác động khá mạnh", ông Lâm nói.

 Ông Lâm cho biết, giá điện có độ trễ tác động trong 1 tháng, vì tính trên sản lượng tiêu dùng điện tháng tới. Với giá xăng, hiện đã ngừng tăng, giá vận tải không giảm nữa. CPI đã âm trong suốt 4 tháng qua có lý do chủ yếu từ giá xăng. Do vậy, chúng tôi dự kiến tháng tới, CPI sẽ con số dương.

Nói thêm về giá xăng dầu, ông Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận, hiện chưa rõ khả năng giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh như thế nào trong thời gian tới. Nhưng để đánh giá mức tác động thế nào tới lạm phát, còn phải so mức tăng nếu có tới đây với giá  gốc tuyệt đối là thấp hay cao.

Theo cách phân tích của ông Lâm, giả dụ giá xăng tăng 1.000 đồng/lít thì phải so với giá gốc hiện nay là chỉ hơn 15.670 đồng/lít, tỷ lệ phần trăm sẽ cao hơn so với lúc giá xăng hơn 23.000 đồng/lít, tỷ lệ phần trăm tăng thấp hơn.

Tuy nhiên, ông Lâm lưu ý: "Chính phủ sẽ có chính sách hợp lý để kiểm soát lạm phát 5%. Do đó, sẽ tuỳ kịch bản để có các quyết định về giá hợp lý".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét