Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

EU chuẩn bị ra tuyên bố lên án Trung Quốc ở Biển Đông

Minh Vũ

Người Đưa Tin - Khi tòa án quốc tế tuyên bố phán quyết vào 12/7 tới đây, Biển Đông sẽ không còn là một vấn đề của Châu Á Thái Bình Dương và EU sẽ cần phải hành động.

Châu Âu cuối cùng cũng đã lên tiếng về quan điểm của mình đối với tình hình căng thẳng ở Biển Đông trước ngày đưa ra phán quyết của PCA vào hôm 12/7 tới đây.

Vào ngày 23 và 24 tháng 6, trong khi toàn thế giới theo dõi diễn biến cuộc bỏ phiếu Anh rời khỏi EU (Brexit), khoảng 20 chuyên gia về châu Á từ Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu và Úc đã tập trung tại Đại học Tự do Berlin để thảo luận một vấn đề riêng biệt.

Mặc dù Nhật Bản mới là đề tài chính thức, nhưng Trung Quốc lại trở thành tiêu điểm xuyên suốt cuộc hội thảo. Điều này phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của châu Âu với cường quốc mới nổi ở châu Á, quốc gia được cho là có thể thay đổi tình hình an ninh toàn cầu.

Trái ngược với Mỹ và Nhật Bản, các quốc gia châu Âu trong những năm gần đây ưu tiên các hoạt động thương mại với Trung Quốc hơn các vấn đề khác. Nhưng với các hành động leo thang gây căng thẳng của Bắc Kinh ở Biển Đông, mối quan tâm của EU đang chuyển dịch sang vấn đề lãnh thổ, chính trị.

Tòa Trọng tài Thường trực ở Hague năm 2013 đã thụ lý vụ kiện Philippines chống lại yêu sách chủ quyền đường chín đoạn phi lý Trung Quốc trên Biển Đông. Phán quyết sẽ là lần đầu tiên vấn đề Biển Đông được giải quyết theo luật pháp quốc tế và được dự đoán sẽ đi theo hướng có lợi cho Philippines.

Tờ Nikkei của Nhật Bản dẫn lời một quan chức EU cho biết, các quốc gia hàng đầu ở châu lục này đang soạn thảo một tuyên bố sẽ được công khai đầu tuần sau kêu gọi Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết.

Đức và Pháp là hai nước dẫn đầu nỗ lực kêu gọi sự đồng nhất quan điểm của các nước EU. Trong khi đó một số quốc gia Trung và Đông Âu lại đang có những thỏa thuận lợi ích từ phía Trung Quốc.

Liên minh châu Âu từng bày tỏ sự không hài lòng về tình hình Biển Đông hồi tháng 3, tuy nhiên đã không nêu đích danh Trung Quốc. Tổ chức này cũng nhiều lần bày tỏ kỳ vọng thời gian tới khu vực sẽ đi đến một thỏa thuận tốt hơn.

Volker Stanzel, cựu đại sứ Đức tại Trung Quốc và Nhật Bản cho rằng việc trao quyền phán quyết về Biển Đông cho một tòa án quốc tế vào ngày 12/7 tới đây cũng đồng nghĩa với việc châu Âu cũng sẽ phải hành động.

"Khi một tòa án quốc tế tuyên bố phán quyết, Biển Đông không còn là một vấn đề của Châu Á-Thái Bình Dương. Nó sẽ trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu trong việc duy trì các chuẩn mực và quy tắc của pháp luật quốc tế", ông Stanzel cho hay.

Ngoài ra với việc Trung Quốc từng tuyên bố sẽ không chấp nhận kết quả từ phán quyết của tòa án quốc tế, phản ứng này được cho là sẽ có tác động rất lớn đối với châu Âu.

Một quan chức an ninh châu Âu cho rằng việc, "để Bắc Kinh chà đạp lên các phán quyết có thể khiến cho các nước ở Trung Đông, châu Phi và các nơi khác cũng sẽ làm như vậy".

Theo Nikkei, Đức với vai trò trụ cột của EU sẽ là nhân tố rất quan trọng trong việc hình thành phản ứng của châu lục này.

Trong quá khứ, Thủ tướng Angela Merkel đã đã đạt được một thỏa thuận tốt trong vấn đề thương mại với Trung Quốc và đã đến thăm quốc gia này 9 lần kể từ năm 2005. Vấn đề Biển Đông thường được bà giao Bộ Ngoại giao chuyên trách nêu quan điểm với Bắc Kinh trong các cuộc hội đàm cấp cao.

Tuy nhiên, lập trường đó đã thay đổi trong chuyến thăm của bà Merkel hồi giữa tháng 6 vừa qua. Mối quan tâm của Thủ tướng Đức về hoạt động của Trung Quốc đã rõ ràng hơn trước và thúc giục nước này kiềm chế leo thang căng thẳng trong khu vực.

Đức cũng gửi khoảng 30 thành viên tham gia cuộc tập trận hải quân Thái Bình Dương RIMPAC do Mỹ dẫn đầu được mở màn vào cuối tháng 6. Đây là sự tham gia lần đầu tiên của các quốc gia châu Âu trong cuộc diễn tập ở châu Á. Điều này biểu hiện cho sự lo ngại ngày càng tăng về sự phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian từng đề xuất các thành viên EU cùng tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông. Mặc dù là một kịch bản không thể thành sự thật, bởi Pháp là quốc gia châu Âu duy nhất có đủ sức mạnh của một hạm đội Thái Bình Dương, tuy vậy động thái này phản ánh rõ ràng những lo ngại ngày một lớn của Pháp đối với vấn đề Biển Đông.

Viễn cảnh về một EU không còn Anh đã tạo ra sự không chắc chắn đối với chính sách ngoại giao và an ninh của Liên minh này trong tương lai.

Tuy nhiên, học giả Alessio Patalano đến từ Viện nghiên cứu Chiến tranh thuộc đại học King, Anh quốc cho rằng: "Việc Anh rời EU sẽ không làm thay đổi cam kết của nước này với NATO. Trong ngắn hạn, có thể có một số điều chỉnh thực tế, nhưng về lâu dài các cam kết của Anh với NATO về Châu Á-Thái Bình Dương và các thoả thuận khác sẽ không suy giảm. Trong thực tế, các cam kết có thể trở nên tập trung và sâu sát hơn ".

Liên kết chặt chẽ hơn giữa châu Âu, Nhật Bản và Mỹ được kỳ vọng có thể gây áp lực nhiều hơn với Trung Quốc và phần nào đó giúp cải thiện sự ổn định trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Phán quyết vào ngày 12/7 tới đây có thể có một tác động tương tự, tùy thuộc vào những gì mà tòa án quyết định, Nikkei nhận định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét