Năng Lượng Mới - Không phải ngẫu nhiên mà một số tỉnh, thành phố có quyết định cấm công chức, viên chức sử dụng rượu bia buổi trưa ở nhà hàng, quán xá. Đã có lần chúng tôi bất ngờ vì định nhâm nhi ly rượu, cốc bia với anh em cơ sở nhưng đành “tự rót tự uống” vì các vị chủ nhà không… dám uống cùng.
. Không ít lần “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” (bạn quý gặp nhau, nghìn chén cũng ít) chủ nhà phải xin nghỉ việc buổi chiều để về nhà bù khú vô tư. Chuyện “trẻ hóa” bợm nhậu được quan tâm của cả xã hội khi có thống kê về số vụ loạn đả gây thương tích, tai nạn giao thông nghiêm trọng có yếu tố rượu bia.
Có một thống kê cho biết, hiện trên địa bàn TP HCM có không dưới 50.000 quán nhậu các loại. Quán xá mọc lên khắp nơi từ những vị trí đẹp ở mặt tiền cho đến những con hẻm bẩn thỉu, nhếch nhác. Quán nhậu phục vụ mọi loại khách sang hèn, già trẻ. Có quán chứa được cả ngàn thực khách. Nhưng có quán chỉ đủ chỗ cho dăm ba người ngay bên lề đường...
Theo các bác sĩ chuyên ngành thì đa phần các quán nhậu thường không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.Tại TP HCM, có rất nhiều quán nhậu ở khu vực tập trung nhiều cơ quan Nhà nước, công ty. Đây chính là nơi gặp gỡ của công chức, các nhân viên văn phòng. Thời gian nhậu bắt đầu từ tầm trưa cho đến khoảng đầu giờ chiều, nhiều lúc phá lệ nhậu lai rai đến chập tối. Có lẽ do thành phố không có lệnh cấm nhậu trưa thì phải...
Học sinh, sinh viên cũng không chịu thua kém các đàn anh về nhậu bình dân. Vào quán bình dân dễ dàng bắt gặp những tửu khách rất trẻ đang gật gù bên bàn ngập tràn rượu, bia. Thời nay, không chỉ có đàn ông “chén tạc chén thù” mà phụ nữ cũng nhậu rất sành điệu.
Đúng là, “cúng giỗ phải có thịt gà, đi nhậu phải có đàn bà mới vui” mà!Hệ lụy của nhậu thật khó lường. Không ít lái xe taxi thề cạch đến già không chở mấy bợm nhậu về khuya. Họ không biết gì hết, kể cả nhà ở đâu và sẵn sàng quỵt tiền xe và nôn thốc nôn tháo ra sàn xe, rửa mấy lần không hết mùi.
Tuy nhiên, gần đây dư luận lại quan tâm đến khía cạnh “hậu nhậu” là chuyện đưa các bợm nhậu trở về nhà sao cho an toàn. Báo đài đưa tin, có tới 400 gã xỉn ở Đà Nẵng được nhà hàng giữ giùm xe máy miễn phí qua đêm, gọi taxi đưa về nhà miễn phí. Hà Nội cũng đã có kế hoạch tương tự.
Thậm chí, có hãng taxi tuyên bố sẽ nhập cuộc cứu dân nhậu. TP Long Xuyên, tỉnh An Giang cũng sớm có dịch vụ chở người say về nhà từ lâu. Nhậu say, gọi tổng đài là có ngay 2 người chở nhau bằng xe ôm đến. Xe máy dịch vụ có gắn công-tơ-mét như taxi. Một người sẽ chở người say về nhà, người kia chạy giùm xe máy của người say. Đến nhà, khách phải trả tiền như đi taxi và trả thêm phần trăm cho “dịch vụ” chạy giùm xe về nhà.
Dịch vụ này rôm rả hẳn kể từ khi Cảnh sát giao thông ở TP Long Xuyên làm căng việc kiểm tra nồng độ cồn và kiên quyết xử lý người say xỉn điều khiển phương tiện giao thông chứ không cả nể, không nhận tiền đút lót để du di.Cách làm của TP Long Xuyên, Đà Nẵng quả là đơn giản mà góp phần giảm tai nạn giao thông do say rượu.
Lên mạng mới thấy chuyện đưa dân xỉn về nhà không lạ ở nước ngoài. Khách say quá thì quán gọi taxi chở về, quán sẵn sàng trả tiền nhưng sẽ tính vào tiền nhậu chứ chẳng cho không.
Cũng là vì ở xứ người, điều khiển phương tiện lưu thông khi say xỉn, gặp cảnh sát thì mất cả tháng lương để nộp phạt hay bị tịch thu bằng lái là nhẹ, lắm anh còn bị cấm vĩnh viễn không được lái xe. Bên Tây người ta phạt theo thu nhập, càng giàu phạt càng nặng.
Cho nên, chuyện nhậu say có người đưa về chẳng phải là phát kiến mới mẻ. Cũng dễ hiểu vì sao dân tình lại bàn tán xung quanh chương trình Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với một hãng taxi triển khai thí điểm ở Hà Nội và TP HCM với việc hãng này sẽ trang bị 30 ki-ốt kiểm soát nồng độ cồn trong máu, đặt trước các quán nhậu, nhà hàng rồi đưa khách say về nhà miễn phí.
Một số nhà hàng sẽ được hãng xe cấp tài khoản 5 triệu đồng/tháng để gọi taxi, rồi các nhà hàng sẽ được vận động hỗ trợ kinh phí đưa khách say về nhà. Các quán nhậu nhỏ ở TP HCM mừng húm vì các ki-ốt đo nồng độ cồn mà gắn hết ở các nhà hàng lớn thì khách từ đấy “chuyển phỏm” về quán nhỏ của mình.
Dân nhậu từng có nhiều lý sự cùn tỉ như phản đối cấm bán rượu bia từ sau 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau, rồi chỉ bán bia trong môi trường nhiệt độ mát mẻ, không bán hàng cho con nít mua thêm cho bố nhậu.
Nhưng chuyện nhậu say có người lo đưa về nhà thì đúng là nhậu lên đời, phen này thoải mái buông thả “dzô trăm phần trăm”. Họ đâu biết rằng, vì sự an toàn của họ mà xã hội lại phải tốn kém thêm không ít kinh phí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét