Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

WB: "Việt Nam sẽ đối mặt với quan ngại nghiêm trọng về tài khóa"

Tư Hoàng

(TBKTSG Online) - Vấn đề đáng lo ngại là Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua) dù tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng. Nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa.

Đây là một trong những cảnh báo của chuyên đề “Hướng tới củng cố tài khóa với chất lượng cao” trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 13-7.

Chuyên đề này cho biết, chi tiêu của Chính phủ so với GDP vẫn duy trì ở mức cao. Cơ cấu chi thay đổi theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.

Tổng chi NSNN – bao gồm cả chi từ nguồn trái phiếu – bình quân chiếm 29,2% GDP trong giai đoạn 2011-2015, so với 28,9% trong giai đoạn trước, ở mức cao so với khu vực và các quốc gia có mức phát triển tương đương.

Tỷ lệ so sánh giữa chi thường xuyên và đầu tư là khoảng 70:30 trong thời kỳ 2011-2015 so với 63:37 của thời kỳ 2006-2010. Chi thường xuyên tăng lên và cao hơn mức tăng thu, chủ yếu là do tăng chi để thực hiện các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương và phụ cấp, chi trả lãi các khoản vay.

Chuyên đề này ghi nhận, bội chi NSNN tăng và kéo dài đã làm nợ công so với GDP tăng đáng kể, từ 51,7% năm 2010 lên đến khoảng 62,2% năm 201512, trong đó, nợ Chính phủ chiếm 50,3%, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11%, còn nợ của chính quyền địa phương khoảng 0,9%.

Không tính nợ bảo lãnh và vay nợ trong nội bộ, nợ trực tiếp của Chính phủ được ước tính ở mức 43,3% GDP (năm 2015) gần sát với mức bình quân của các quốc gia trong khu vực và tương đương về thu nhập.

Dư nợ tăng cao đi kèm với thay đổi về cơ cấu nợ công trong thời gian qua.

Do nhu cầu huy động ngày càng lớn, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nước ngoài đang dần hạn chế, Chính phủ đã phải dựa chủ yếu vào nguồn vay trong nước. Tỷ trọng nợ trong nước trên tổng nợ công tăng từ 45% năm 2010 lên 55,4% năm 2015.

Nợ trong nước làm giảm rủi ro tỷ giá và góp phần phát triển các thị trường vốn trong nước, nhưng cũng làm giảm đáng kể kỳ hạn danh mục nợ, dẫn đến tăng rủi ro tái cấp vốn. Thị trường trái phiếu trong nước đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, theo hướng tỷ trọng trái phiếu do các ngân hàng thương mại nắm giữ giảm dần (còn khoảng 77% vào cuối năm 2015), tỷ trọng do các nhà đầu tư dài hạn như công ty bảo hiểm tăng dần (khoảng 8,42% năm 2015) và các tổ chức khác nắm khoảng 14%.

Tuy nhiên, do vẫn còn ít các nhà đầu tư dài hạn tham gia thị trường này, nhu cầu mua nợ trong nước có kỳ hạn dài hơn còn hạn chế.

Chính phủ đã có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm kéo dài kỳ hạn trái phiếu trong nước. Kỳ hạn bình quân của trái phiếu chính phủ đã tăng lên 4,44 năm vào cuối năm 2015, so với 2,93 năm vào năm 2013, tuy nhiên vẫn khá thấp so với kỳ hạn bình quân ở các quốc gia có thu nhập trung bình và các quốc gia khác trong khu vực. Bên cạnh những cải thiện trên, áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn, với khoảng 50% nợ trong nước của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới.

Đây sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu chính phủ còn hạn chế như hiện nay.

Dư địa ngân sách đang ngày càng mỏng, khiến nợ công có thể mất bền vững ngay cả khi có những cú sốc nhẹ. Nghĩa vụ nợ dự phòng – bao gồm những rủi ro tiềm ẩn từ các doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng – nếu hiện thực hóa, có thể làm cho Việt Nam càng thêm dễ tổn thương.

Với nợ công đang ở mức cao, Việt Nam còn ít dư địa để có thể vận dụng chính sách tài khóa nhằm đối phó với biến động chu kỳ. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc phải củng cố tình hình tài khóa và đẩy mạnh cải cách cơ cấu.
***

Tăng trưởng cần dựa trên động lực thị trường

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ tăng nhẹ ở mức 6,3% trong năm 2017, trong khi triển vọng kinh tế trung hạn được đánh giá là tích cực, theo Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tăng trưởng này nhờ sức cầu trong nước, sản suất nông nghiệp phục hồi, và ngành chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu tiếp tục cải thiện nhờ sức cầu bên ngoài trên đà khôi phục. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát ở mức vừa phải, tài khoản vãng lai dự kiến vẫn thặng dư nhưng ở mức thấp hơn khi tăng trưởng nhập khẩu gia tăng nhanh chóng.

Ngành dịch vụ - hiện chiếm hơn 40% GDP - tiếp tục tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm nay nhờ vào những kết quả khả quan trong thương mại bán lẻ do tốc độ tăng tiêu dùng trong nước được duy trì và sự sôi động của ngành du lịch.

Sản xuất công nghiệp nói chung tiếp tục cải thiện mặc dù sản lượng khai thác dầu thô đang sụt giảm. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp từng bước được phục hồi, tuy chưa thực sự vững chắc.

Trong trung hạn, tốc độ tăng trưởng dự kiến được cải thiện lên mức 6,4% trong các năm 2018-2019, cùng với sự ổn định chung về kinh tế vĩ mô.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Sebastian Eckardt nhận xét dù có nhiều lời khuyên Việt Nam nên tiếp tục kích cầu và mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, song cần thận trọng. “Về lâu dài, điều này sẽ bất lợi do tăng trưởng năng suất lao động và hiệu quả mô hình kinh tế đang giảm xuống”, ông cảnh báo. "Điều quan trọng là Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng chất lượng, bền vững dựa trên động lực thị trường”.

Ông nhận xét, thay vì tập trung yếu tố kích cầu để tăng trưởng trong ngắn hạn, Việt Nam nên tập trung giải quyết các hạn chế cố hữu của nền kinh tế để có tiềm năng tăng trưởng dài hạn tốt hơn.

Quan điểm chính sách tiền tệ vẫn phải cân đối giữa hai mục tiêu ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng, với lãi suất thực khá thấp và tăng trưởng tín dụng ở mức cao, ước khoảng 20% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo WB, tăng trưởng kinh tế với hàm lượng và tăng trưởng tín dụng cao kéo dài có thể làm dấy lên mối quan ngại về chất lượng tài sản, nhất là trong điều kiện nợ xấu trước đây vẫn chưa được chưa xử lý triệt để.

Báo cáo nhận xét, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện công tác đánh giá rủi ro và thanh tra, giám sát về an toàn vốn nhằm giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong bối cảnh mở rộng tín dụng.

Báo cáo ghi nhận cân đối tài khoản vãng lai của Việt Nam đã giảm dần trong những tháng đầu năm 2017 do tăng trưởng nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu. Tỷ giá hối đoái danh nghĩa vẫn tương đối ổn định, nhưng tỷ giá thực (REER) tiếp tục tăng. Tỷ giá thực tăng nhờ khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thặng dư kinh tế đối ngoại lớn, nhưng điều đó lại có thể là mối quan ngại cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước khi họ vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn về năng lực cạnh tranh.

WB khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục cẩn trọng hơn nữa trong điều hành kinh tế vĩ mô. Trên cơ sở đà tăng trưởng được duy trì, ưu tiên hàng đầu vẫn là củng cố sự ổn định kinh tế vĩ mô và tái lập các lớp đệm chính sách.

Giảm bội chi ngân sách là hết sức cần thiết để kiềm chế những rủi ro ngày càng tăng về bền vững ngân sách và tạo dư địa tài khóa nhằm đối phó với các cú sốc tiềm năng trong tương lai.

Thách thức về lâu dài của Việt Nam vẫn là duy trì bền vững tốc độ tăng trưởng cao và giảm nghèo bền vững. Những rào cản đối với tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ được loại bỏ theo tiến trình của cải cách cơ cấu bao gồm tái cơ cấu DNNN, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố và hoàn thiện thị trường các yếu tố sản xuất bao gồm vốn và đất đai.

T.G

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét