Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Ông Phan Huy Khang: Bê bết tại Phương Nam, mờ nhạt ở Sacombank

Mai Trinh

(NTD) - Sacombank vừa công bố thông tin thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Sacombank đã thông qua việc từ nhiệm chức Tổng Giám đốc của ông Phan Huy Khang kể từ ngày 3/7/2017. Đây có lẽ là thông tin không mấy bất ngờ với thị trường bởi ông Khang từng có nhiều sai phạm khi là Tổng Giám đốc của Ngân hàng Phương Nam và với chức Tổng Giám đốc của Sacombank ông cũng không có được thành tích đáng nói nào.

Quá khứ bết bát từ Ngân hàng Phương Nam

Vào ngày 30/6 vừa qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên sau nhiều lần trì hoãn. Ngay sau khi đắc cử, ông Dương Công Minh, tân Chủ tịch HĐQT, đã đưa ra 4 phương án tiên quyết để tái cơ cấu thành nhà băng này. Theo đó, ông Minh cùng HĐQT mới sẽ bố trí lại nhân sự quản trị ngân hàng, thúc đẩy kinh doanh, xử lý tốt, nhanh nợ xấu (đa số là bất động sản, có tài sản đảm bảo, nếu xử lý nhanh sẽ hoàn thành tái cơ cấu) và quản trị tốt chi phí vì hiện chi phí hoạt động đang lên rất cao.

Như vậy, việc thay thế chức danh Tổng Giám đốc Phan Huy Khang có lẽ là một trong những động thái đầu tiên của HĐQT mới. Việc ông Phan Huy Khang rời Tổng Giám đốc của Sacombank không gây bất ngờ bởi trước đây nhân vật này cũng có nhiều “dấu ấn” tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) trước khi sát nhập vào Sacombank. Và ngay khi tại vị ở Sacombank thì kết quả kinh doanh của ngân hàng này cũng không mấy khả quan.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ phiên họp thường niên 2011, ông Khang được bầu bổ sung làm thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2011-2015. Đến ngày 3/7/2012, ông Khang chính thức giữ chức TGĐ và là người đại diện pháp luật của Sacombank theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Điều đáng chú ý, ông đã từng gắn bó với SouthernBank 18 năm sau khi nhận nhiệm vụ mới tại Sacombank. Ông Phan Huy Khang bắt đầu làm tại ngân hàng này từ năm 1994 đến năm 2010-2012 ông Khang đảm nhiệm chức vụ TGĐ kiêm bí thư đảng bộ tại SouthernBank.

Như vậy, trong quá trình SouthernBank rơi vào bết bát đều có sự đồng hành của ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang trước khi về Sacombank. Biết rằng, trong năm 2014, Southernbank lãi vỏn vẹn 17 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng; nợ xấu chiếm gần 6% trong tổng số hơn 43.000 tỷ đồng dư nợ. Lợi nhuận thấp nên sau khi trích lập các quỹ còn lại 1,2 tỷ đồng nên SouthernBank không thể chia cổ tức.

Thế nhưng, từ những lãnh đạo một ngân hàng làm ăn bết bát, ông Phan Huy Khang lại trở thành người đại diện pháp luật cho một ngân hàng có tầm cỡ là Sacombank một cách khó hiểu!.

Có liên quan đến nhóm Phạm Công Danh?

Trong năm 2016, ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) đã bị tuyên án 30 năm tù vì tội gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng.

Khi còn là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Xây Dựng, ông Phạm Công Danh đã đươc một số ngân hàng hậu thuẫn trong việc vay vốn. Trong đó, có Ngân hàng Phương Nam dưới thời của ông Phan Huy Khang.

Cụ thể, vào năm 2010, Ngân hàng Phương Nam có cho cá nhân ông Danh vay có liên quan đến Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, gồm có 6 công ty liên quan, dư nợ 1.366 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, dư nợ 130 tỷ đồng, nợ nhóm 5 (ngày 30/7/2012 tất toán nợ 80 tỷ đồng qua công ty AMC- PNB (Phương Nam Bank), ngày 6/8/2012 tất toán nợ 50 tỷ đồng.

Công ty TNHH TM – DV – DL Thiên Thanh Long Hải, dư nợ 471 tỷ đồng, nợ nhóm 2. Công ty TNHH SX TM XD DV Việt Trung ( Công ty Việt Trung) dư nợ 385 tỷ đồng, nợ nhóm 5. Vào ngày 18/7/2010 đã thu nợ số tiền 249,58 tỷ đồng, dư nợ còn lại 135, 42 tỷ đồng). Công ty TNHH MTV – DV Toàn tâm, dư nợ 340 tỷ đồng, nợ nhóm 2.

Xác định sai phạm qua thanh tra, khách hàng Phạm Công Danh vay và người có liên quan tổng dư nợ 1.036 tỷ đồng chiếm 30,6% vốn tự có của Ngân hàng Phương Nam, vi phạm khoản 1, Điều 128 luật các TCTD năm 2010: Ông Phạm Công Danh dư nợ 50 tỷ đồng, Công ty Thiên Thanh Long Hải 471 tỷ đồng (ông Danh sở hữu 80% vốn điều lệ); Công ty Tập đoàn Thiên Thanh dư nợ 130 tỷ đồng (ông Danh sở hữu 80% vốn điều lệ), công ty Việt Trung dư nợ 385 tỷ đồng (do ông Phạm Công Trung làm Giám đốc em ruột ông Phạm Công Danh) .

Nếu kể cả đến khoản nợ có liên quan đến ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh được Ngân hàng Phương Nam bán có kỳ hạn cho Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) thì tổng dư nợ tín dụng đến ngày 30/6/2012 là 1.628 tỷ đồng chiếm 48,11% vốn tự có của Ngân hàng Phương Nam.

Theo kết luận của thanh tra, Ngân hàng Phương Nam xét duyệt cho vay một số khách hàng trên chưa đủ điều kiện vay vốn, thiếu chứng từ chứng minh mục đích vay vốn, nhận tiền vay chuyển khoản vào tài khoản của khách hàng, sau đó rút bằng tiền mặt, thiếu chứng từ chứng minh mục đích, sử dụng vốn vay. Ngân hàng Phương Nam không thể kiểm soát được tiền vay sử dụng vào việc gì, không kiểm tra chặt chẽ quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng. Biên bản kiểm tra sử dụng vốn vay, kết luận khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích nêu tại hợp đồng tín dụng, nhưng thiếu tài liệu chứng minh sử dụng vốn vay, vốn góp….

Liên quan đến việc xét cho vay vốn cá nhân và nhóm công ty có liên quan đến ông Phạm Công Danh kể trên chỉ là một góc nhỏ trong quá trình xét và vay vốn của Ngân hàng Phương Nam dưới thời ông Phan Huy Khang.

Đến ngày 1/10/2015, Ngân hàng Phương Nam đã được sáp nhập vào Sacombank và sau đó ông Phan Huy Khang tiếp tục được ngồi vào chiếc ghế đầy quyền lực Tổng Giám đốc của Sacombank bất chấp nhiều việc "bê bết" khi ông còn ở Phương Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét