Cuộc chiến giữa giới taxi truyền thống ở Việt Nam với Uber và Grab khốc liệt nhưng không phải là cá biệt. Khắp nơi trên thế giới, Uber đang làm mưa làm gió, gây nên những cú sốc.
Ngành taxi ở London có một lịch sử lâu đời, và cánh tài xế taxi ở đây thu nhập không đến nỗi nào. Để trở thành tài xế taxi, một người, ngoài việc sắm xe, phải trải qua một kỳ thi khốc liệt, thường kéo dài đến ba năm. Kỳ thi này có thể gọi là khó nhất thế giới, vì một tài xế phải học nhớ đến 25.000 con đường, 100.000 địa điểm. Chẳng thế mà có đến 70% thí sinh phải bỏ cuộc.
Vậy mà, mọi thứ thay đổi khi Uber đến London vào năm 2012. Chừng đó con đường, chừng đó địa điểm được hãng công nghệ đến từ Mỹ “nhét” cả vào trong chỉ một ứng dụng điện thoại: Uber. Tài xế cứ lên xe, bật bản đồ là Ok.
Một cuộc chiến giữa người trẻ lái Uber với người già lái taxi, vốn dĩ là một cuộc cạnh tranh giữa cái mới và cái cũ. Báo New York Times dẫn câu chuyện của một ông tài xế da trắng người gốc Ireland có được tấm bằng chạy taxi, sắm chiếc xe taxi 58.000 đôla, ngày ngày chạy chừng 11 – 12 cuốc. Số lượng nay chỉ còn năm cuốc vì sự cạnh tranh của Uber. Số tài xế taxi ở London chỉ chừng 21.000 người, chỉ bằng một nửa so với Uber. Điều quan trọng là giá của Uber rẻ hơn 30% so với taxi truyền thống.
London chưa phải là chiến trường đẫm máu nhất trong cuộc chiến taxi với Uber. Thành phố New York ở Mỹ còn là một chiến trường khốc liệt hơn. Những chiếc taxi vàng – yellow cab – vốn một thời có thể coi là biểu tượng của New York, nay đang thất thế trước đội quân Uber.
Toàn thành phố New York có 13.587 xe taxi, đại đa số là taxi vàng, một số taxi xanh mới xuất hiện, khá hạn chế về điểm đón, nhưng đội quân Uber lại hết sức đông đảo, lên đến hơn 51.000 chiếc.
Để chạy taxi ở New York, bạn phải có bằng lái taxi. Tuy không khắc nghiệt như kỳ Knowledge ở London, nhưng số lượng xe lại quá ít ỏi so với nhu cầu đi lại. Từ rất lâu, New York khống chế số lượng taxi, giữ mãi ở con số hơn 13.000 chiếc trong mấy chục năm liền. Vài năm gần đây mới nới thêm, cho xuất hiện một loại taxi xanh, hạn chế điểm đón điểm đỗ hơn. Và trong mấy năm qua, con số chính xác là 13.587 chiếc.
Điều quan trọng là để có thể hành nghề taxi ở New York, ngoài một chiếc xe, bạn phải có một chiếc phù hiệu taxi, gọi là medallion. Và đó mới là vấn đề.
Chừng bốn năm về trước, giá của một chiếc phù hiệu này lên tới 1,3 triệu USD, theo tỷ giá hiện hành là gần 30 tỉ đồng. Có được một medallion ở New York thì bạn phải là một triệu phú. Nhưng cũng rất đáng đồng tiền bát gạo, vì hành nghề taxi ở New York cũng kiếm được khối tiền. Người đông mà xe taxi thì ít, nên giới tài xế khá bận rộn.
Vậy mà, sự xuất hiện của Uber phá tan mọi thứ. Những tài xế thô lỗ, cộc cằn trên những chiếc taxi vàng chẳng thèm thối tiền lại cho khách, đâm hoảng. Giới lái xe Uber xe đẹp, lịch sự, thái độ tốt, khách xài thẻ tín dụng chẳng lo tiền lẻ... đã lấy đi lượng khách rất lớn của taxi. Tháng 3 năm nay, theo trang cbsnews, mức thấp nhất của giá một chiếc phù hiệu taxi vàng đã được lập: 241.000 USD. Giá hiện tại nhiều tài xế đang rao dao động mức 320.000 – 420.000 USD. Giới tài xế taxi New York đã hoảng, những ông chủ các hãng taxi còn sợ hơn vì phá sản. Chưa kể, một ứng dụng tương tự Uber là Lyft cũng khá được ưa chuộng, New York đã có khoảng 1.500 chiếc xe chạy cho Lyft.
Các thành phố khác của Mỹ cũng chẳng khá khẩm gì hơn đối với giới taxi truyền thống. Giới tài xế đổ nợ. Ở San Francisco, công ty taxi lớn nhất là Yellow Cab Cooperative đã nộp đơn phá sản. Một công ty khác là Barwood Car Co. ở thành phố Kensington, Maryland, cũng lâm vào cảnh tương tự.
Uber quả thật đã làm mưa làm gió khắp mọi nơi trên thế giới. Ngay tại Trung Quốc, Uber tỏ ra lép vế trước Didi, ứng dụng đối thủ từ nội địa nước này. Giải pháp của Uber: liên doanh, nắm một lượng cổ phần kha khá và “rút” lui để cho Didi tung hoành.
Chưa đầy một năm về trước, theo đại diện Uber tại Việt Nam, trên thế giới, Uber đạt mức 2 tỉ chuyến đi. Vậy mà, chỉ trong vòng 11 tháng đã có thêm 3 tỉ chuyến đi nữa được thực hiện trong các chuyến xe sử dụng ứng dụng Uber. Vậy là 5 tỉ chuyến tất cả. Một sự phát triển ngoạn mục.
Hơn 500 thành phố trên thế giới đang chứng kiến những thay đổi rất lớn từ những công ty công nghệ như Uber, và giới taxi truyền thống đang chống chọi gần như vô vọng. Việt Nam chẳng là ngoại lệ khi cuộc đại chiến giữa taxi truyền thống với những Uber và Grab đang căng như dây đàn. Các ông lớn như Vinasun hay Mai Linh có vẻ như không xoay trở kịp và đang bị mắc kẹt vào trong cú sốc công nghệ. Nhưng trên thị trường, khách hàng mới là người quyết định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét