Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Dân vất vả lắm, trách nhiệm của cán bộ thế nào?

NGỌC QUANG

(GDVN) - Số vụ việc khiếu nại tố cáo vượt cấp tăng lên nhanh chóng, con số ấy nói lên điều gì về tinh thần trách nhiệm của cán bộ trước dân, trước Đảng, trước Quốc hội?

Báo cáo về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2014 chiều nay tại Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ - ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo (KNTC) giảm 1,8% so với năm 2013 nhưng số đoàn đông người tăng 12,1%, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt.

Báo cáo của ông Tranh còn khiến nhiều người lo lắng khi tỷ lệ KNTC ở địa phương giảm, nhưng Trung ương lại tăng cao. Điều đó phản ánh hai vấn đề: Thứ nhất, người dân không đồng tình với cách giải quyết của địa phương; Thứ hai là nhiều người dân không tin chính quyền địa phương. Trong khi đó bên tòa án lại còn tồn đọng tới 5.000 vụ việc.

Trước tình hình trên, không thể không đề cập tới trách nhiệm của cán bộ trực tiếp giải quyết khiếu nại tố cáo?

Ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị: “Ngoài kiến thức, năng lực thì tinh thần trách nhiệm thế nào? Đó là còn chưa kể tới đạo đức. Tôi đề nghị phải đánh giá chỗ này, phải làm rõ tinh thần trách nhiệm với nhân dân như thế nào? Trước nhà nước, trước Quốc hội thế nào? Báo cáo nêu chung chung quá, chưa rõ”, ông KSor Phước nói.

Điểm đáng chú ý tại báo cáo lần này là khiếu tại tố cáo giảm tại địa phương, nhưng lại tăng ở Trung ương. Điều đó phản ánh, nhiều vụ việc người dân không còn tin ở chính quyền địa phương mà chỉ muốn phản ánh trực tiếp lên các cấp Trung ương.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - ông Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi: "Tại sao cứ để khiếu nại tố cáo tăng lên? Đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu, công chức giải quyết khiếu nại tố cáo như thế nào trong khi báo cáo chưa đề cập tý nào đến trách nhiệm? Dân vất vả lắm. Nắng mưa, bà con đi lên đi xuống, vậy trách nhiệm của cán bộ thế nào?".

Một ý kiến khác cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của những người giải quyết khiếu nại tố cáo là Đại biểu Đỗ Văn Đương - Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Ông Đương chỉ rõ:"5.000 đơn giám đốc thẩm còn tồn đọng mà không phân loại biết bao nhiêu đơn đúng, bao nhiêu đơn sai. Vậy công lý nằm ở đâu"? Bây giờ ngoài trách nhiệm thì phải xử lý cụ thể người giải quyết khiếu nại tố cáo sai khiến người dân tiếp tục khiếu kiện. Vụ ông Chấn chẳng hạn, nếu giải quyết oan sai ngay từ đầu thì không có ngày hôm nay. Đây là do người thực hiện chứ không phải do cơ chế pháp luật. Do đó, Quốc hội cần có Nghị quyết về giải quyết khiếu nại tố cáo".

Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thì cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa phản ảnh đầy đủ thực trạng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo như tỷ lệ giải quyết đúng, sai là bao nhiêu, việc giải quyết có bảo đảm thời hạn theo luật định không và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền; khiếu kiện vượt cấp tăng ở những địa phương nào, về những lĩnh vực gì?

Chưa nêu rõ kết quả thực hiện các kiến nghị trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, như các vụ việc chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự đã được giải quyết như thế nào; việc thu hồi đất đai, tiền bạc cho Nhà nước và cá nhân đã được thực hiện ra sao?

Trước thực trạng trên, Tổng Thanh tra Chính phủ - ông Huỳnh Phong Tranh cũng đề cập tới  5 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng khiếu nại, tố cáo hiện nay:

Thứ nhất, cơ chế, chính sách, pháp luật tuy đã từng bước hoàn thiện nhưng còn có những điểm bất cập, nhất là các quy định về đất đai, KNTC (cơ chế bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, chính sách xử lý đất đai do lịch sử để lại; việc chuyển khiếu nại hành chính sang tố tụng còn nhiều vướng mắc…).

Thứ hai, công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực ở một số địa phương còn yếu kém, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

Thứ ba, trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Thứ tư, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế, tình trạng đùn đẩy, né tránh, chuyển đơn lòng vòng, giải quyết chưa hết thẩm quyền; chất lượng giải quyết còn nhiều sai sót. Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước ở một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Đội ngũ cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ở địa phương còn thiếu, không tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ năm, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người khiếu nại còn hạn chế, tỉ lệ KNTC sai còn khá nhiều. Có những vụ việc đã được giải quyết nhiều lần, đúng chính sách, pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp khiếu, thậm chí có phản ứng tiêu cực, gây rối hoặc bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, kích động khiếu kiện đông người.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét