Đất Việt - Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, VN cần kìm hãm xu hướng chuyển từ xe máy sang ô tô bằng các chính sách tăng chi phí sử dụng.
Thực trạng giao thông
Tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn có đưa những tóm lược của chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du trước nghiên cứu của Ngân hàng thế giới về giao thông đô thị VN. Đặc biệt, những gì được chỉ ra trong nghiên cứu này trùng khớp với những kết quả nghiên cứu của tác giả và thực tế đang xảy ra.
Thứ nhất, hiện nay, mức độ sử dụng ô tô tại các đô thị đang gia tăng nhanh chóng. Cơ sở hạ tầng hậu cần tại các đô thị lớn nhất như Hà Nội và TPHCM không đủ năng lực để duy trì việc sử dụng ô tô làm phương tiện giao thông chính.
Trong khi, một chiếc xe máy đỗ trên đường chiếm 1,8 mét vuông nhưng một chiếc xe hơi chiếm nhiều gấp 8 lần (14 mét vuông). Do vậy, việc tăng mức độ sử dụng ô tô sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.
Hơn nữa, việc di chuyển giao thông hiện nay khá tốt là bởi vì người dân sử dụng xe máy làm phương tiện giao thông chính; các vùng lân cận đô thị có đặc điểm tiêu biểu là mô hình sử dụng đất hỗn hợp; sự hiện diện phổ biến của các hộ bán hàng ở mặt tiền.
Thứ hai, diện tích đất dành cho giao thông ở Hà Nội chỉ là 9% tổng diện tích (con số này ở TPHCM chỉ khoảng 7%), nhỉnh hơn Bangkok nhưng lại thấp hơn nhiều so với Seoul và Manhattan.
Hơn nữa, với mật độ bình quân của Hà Nội (188 người/héc ta), tỷ lệ sở hữu xe hơi 250/1.000 người thì sẽ cần một diện tích đường ô tô chiếm 19% tổng diện tích xây dựng, nghĩa là toàn bộ diện tích đường phố hiện nay của Hà Nội, chỉ để cho một nửa số xe ô tô cá nhân lưu thông với tốc độ 30km/h.
Chính vì vậy, kết luận về chính sách được đưa ra từ phân tích của Ngân hàng Thế giới là phải hạn chế sử dụng xe hơi ở các đô thị của Việt Nam, có thể bằng cách quy định lệ phí sử dụng diện tích mặt đường của các xe tham gia lưu thông, thông qua các loại phí ùn tắc giao thông và/hoặc tăng phí đỗ, gửi xe.
Về xe máy tuy chiếm ít diện tích hơn nhưng vẫn phải kiểm soát mức sử dụng để góp phần quản lý giao thông và chỗ đỗ xe.
Ngoài ra, các hệ thống trung chuyển hành khách ở đô thị của phương tiện giao thông công cộng cũng phải chú ý đến các mô hình sử dụng đất đang thay đổi và biến chuyển theo thị trường tại các đô thị.
HN, TPHCM đều đưa ra đề xuất tăng thu phí với ô tô
Trước đó, việc đề xuất tăng thu phí đối với phương tiện cá nhân, trong đó có ô tô, của một số tỉnh, thành phố đã được đưa ra.
Mới đây, đầu tháng 1/2015, Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất UBND TP các giải pháp hạn chế sở hữu xe cá nhân.
Cụ thể Sở GTVT đề xuất quản lý phương tiện đăng ký mới bằng cách cấp hạn ngạch, trong đó chỉ cho cấp đăng ký phương tiện ở mức giới hạn/năm. Cùng với việc phải bỏ tiền mua phương tiện, chủ sở hữu phương tiện còn phải đóng tiền bảo hiểm, các loại thuế, phí..., đặc biệt phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe.
Tại khu vực nội đô các TP lớn, điều kiện để sở hữu phương tiện xe ô tô con là phải chứng minh được có chỗ đỗ xe. TP.HCM sẽ xem xét đưa ra hệ thống hạn ngạch để hạn chế số lượng ô tô bán ra và đi đăng ký.
Bên cạnh các giải pháp trên, Sở còn đề xuất dùng các chế tài về kinh tế như thuế xăng dầu, lệ phí đường và phí đỗ xe để giảm bớt việc đi lại bằng xe riêng vì càng đi nhiều càng phải trả tiền. Như đánh thuế nhiên liệu, thu phí ra vào khu vực trung tâm TP. Tăng phí dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực nội đô đối với ô tô, xe gắn máy. Mức thu này được tính lũy tiến theo giờ và theo khu vực trong nội đô.
Trước đó, ngày 27/3, trong cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc hiệu quả thực hiện các giải pháp tăng cường nhằm lập lại trật tự giao thông trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng: Thu phí vào nội đô để hạn chế phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm là mong muốn của Thành phố với mục đích cơ bản là giảm thiểu phương tiện cá nhận, đặc biệt là ôtô vào trung tâm trong giờ cao điểm vì hiện nay mật độ tham gia giao thông quá lớn.
"Thu hai loại phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm là chủ trương đúng đắn. Việc xây dựng phương án thu phí thế nào vào giờ cao điểm ở mức cao hơn Thành phố đã có suy nghĩ ý tưởng” ông Thảo cho biết.
Đặc biệt, về vấn đề hạn chế xe ô tô, cuối năm 2013, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, bày tỏ quan điểm: “Tôi đồng tình với nhận định ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP HCM đã ở mức báo động rồi nhưng các ngành chức năng phải nghĩ dài hơi hơn trong một quy hoạch tổng thể chứ không thể đơn giản cho rằng dùng các biện pháp hành chính để hạn chế như thế”.
Cũng theo ông Thanh, ô tô con mới là “thủ phạm” chính gây ùn tắc, phải tính tới giải pháp hạn chế vào giờ cao điểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét