(Dân Việt) Khoai lang giống Nhật Beniazuma trồng ở ta thậm chí được xuất khẩu ngược sang nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...được người tiêu dùng ưa chuộng nên không thể nói khoai lang của ta thua kém các nước được.
Thay vì ăn hủ tiếu, xôi, ngô, bánh mì pate,... gần đây, nhiều người mua khoai lang ăn sáng... Nghe loáng thoáng thông tin đó, mới đầu tôi mừng rơn vì tưởng chừng như sản vật “dân dã” của quê hương đã “lên ngôi”.
Nhưng tìm hiểu qua báo chí thì nào phải, món khoai mà bán tới trên 500.000 đồng/kg hay 500.000 đồng/củ bự là khoai lang giống Nhật thái lát mỏng đã được luộc sẵn, nhập khẩu từ xứ sở hoa anh đào về.
Người dùng khoai lang nhập khẩu này cho rằng khoai lang này cực kỳ thơm ngon. Mỗi buổi sáng chỉ ăn đúng một vài lát khoai mỏng thì “đủ dưỡng chất” cho cả ngày?
Quanh câu chuyện này, một người bạn tôi chuyên kinh doanh nông sản và sống lâu năm tại Nhật cho hay: Về cơ bản, khoai lang Nhật trồng tại một số vùng tại Việt Nam như Đà Lạt chẳng hạn với khoai lang Nhật được xuất khẩu sang Việt Nam chất lượng không thua kém gì nhau. Có chăng cái khác ở đây là “niềm tin” của người tiêu dùng cứ mặc định hàng đắt là xịn, bổ, ngon.
Chưa tin lời người bạn sống tại Nhật này, tôi quyết định tìm mua bằng được loại khoai lang Nhật nhập khẩu này. Với nửa cân mua và dùng, ngoài vị ngọt hơn (chắc do quá trình chế biến) thì khoai lang Nhật hoàn toàn giống với các giống khoai lang Nhật khác trồng tại Việt Nam.
Vừa ăn tôi vừa nghĩ, việc khoai lang Nhật mang sang Việt Nam được bán với giá cao ngất ngưởng và câu chuyện nông dân cũng trồng khoai lang của xứ ta phải vật lộn trong cơn bão mất giá thật chua xót.
Tôi tự hỏi liệu rằng có phải một bộ phận người Việt đã từ lâu “đua đòi” và đang có tâm lý quá “sính ngoại”, phần đông cứ mặc định thứ gì càng “đắt tiền” thì càng đẳng cấp, chất lượng và đang vô tình đẩy nông dân tới chỗ khốn khó.
Đơn cử, có thời điểm, giá khoai lang Nhật trồng tại huyện Krông Ana (Đắk Lắk) giảm từ 6.000 - 7.000 đồng/kg xuống chỉ 3.200 đồng/kg (khoai loại 1 theo tiêu chuẩn của thương lái thu mua xuất khẩu).
Khoai lang bình thường có chứa 77% là nước, 20,1% là carbohydrate, 1,6% là protein, 3% là chất xơ và hầu như không có chất béo...
Hiện nay, trên thế giới có 7007 mẫu giống khoai lang khác nhau, trong đó Việt Nam có 528 mẫu giống. Giống khoai lang Nhật Bản đã được đưa vào trồng ở Việt Nam từ lâu, như: Giống HL518 vỏ củ màu đỏ đậm, thịt củ màu cam đậm; Giống Kokey 14 vỏ củ màu đỏ, thịt củ màu vàng cam; Giống Murasa Kimasari vỏ củ màu tím sẫm, thịt củ màu tím đậm, HL491 (Nhật tím), HL497 (Nhật cam)... Riêng giống khoai lang Beniazuma (Nhật Bản) được trồng nhiều ở Lâm Đồng, Đắc Nông và một số tỉnh phía Nam cho năng suất khá cao (15-16 tấn/ha), một số điển hình đạt trên 20 tấn/ha, chất lượng tốt.
Củ khoai lang Beniazuma thậm chí được xuất khẩu ngược sang nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... được người tiêu dùng nhiều nước ưa chuộng nên không thể nói khoai lang của ta thua kém các nước được.
“Đua đòi, kệch cỡm” đâu phải là đạo lý của người Việt ta. Đạo lý của người Việt là uống nước nhớ nguồn, tương trợ, nâng đỡ lẫn nhau... Câu chuyện “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” không phải đâu xa xôi mà phải bắt đầu từ những chuyện cụ thể như thế này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét