(TBKTSG) - Một mặt đường lối kinh tế luôn được khẳng định là xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mặt khác trong thực tế, các hình thức của một nền kinh tế đậm chất chủ nghĩa thân hữu lại bị phơi bày qua các vụ án tham nhũng, doanh nghiệp sân sau... gây không ít cản ngại cho quá trình xây dựng một nền kinh tế nội địa vững mạnh, không phụ thuộc quá nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài như hiện nay. Vì sao có nghịch lý này?
Vấn đề nằm ở chỗ cách hiểu hay đúng hơn, cách cố tình lý giải cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” theo cách khác nhau. Nếu ai cũng hiểu đó là “một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” với sự nhấn mạnh ở vế sau có các cụm từ “công bằng, dân chủ, văn minh” thì ắt mọi việc đã khác, đã tốt hơn bội lần.
Lúc đó doanh nghiệp sẽ vận hành theo đúng các quy luật của thị trường và nhà nước sẽ lo chuyện “định hướng” sao cho các vấn đề an sinh xã hội, cạnh tranh bình đẳng, cơ hội việc làm được một nhà nước pháp quyền chịu trách nhiệm bảo đảm.
Thế nhưng không ít người cố tình hiểu chuyện định hướng theo cách ưu ái hết cỡ cho doanh nghiệp nhà nước bởi đó là cánh tay nối dài của Nhà nước, sẽ giúp nhanh chóng hoàn thiện các mục tiêu nhà nước đặt ra. Cho dù đó là cách hiểu tích cực nhất, nó cũng đã triệt tiêu môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các khu vực kinh tế và để lại nhiều hệ lụy xấu cho doanh nghiệp nhà nước như chúng ta đã thấy trong thập niên qua.
Đáng nói hơn là cách hiểu, thôi thì nay không còn doanh nghiệp nhà nước tốt để ưu ái, vậy ta hãy ưu ái cho các doanh nghiệp thân quen, các doanh nghiệp luôn “đồng hành, hỗ trợ”, các doanh nghiệp dễ bảo, các doanh nghiệp khi cần “xã hội hóa” đều có mặt. Từ đó đến chỗ ưu ái cho doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp của chồng, của vợ chỉ là một bước ngắn.
Và đây cũng là quá trình sa vào con đường tham nhũng quyền lực của không ít quan chức. Cấp đất cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện một dự án nằm trong kế hoạch phát triển tổng thể của địa phương là chuyện quá dễ dàng. Rồi khi doanh nghiệp nhà nước thất bại, có ưu ái mấy cũng không làm nổi bất kỳ dự án nào, bỗng xuất hiện các doanh nghiệp tư nhân nhanh nhẹn, hiệu quả, biết chiều lòng thì việc cấp đất, giảm thuế cũng sẽ dễ dàng chẳng kém. Đó là con đường đi vào chủ nghĩa tư bản thân hữu của không ít quan chức đã hay chưa bị pháp luật sờ đến.
Thiết nghĩ để giải quyết đến gốc rễ vấn nạn chủ nghĩa thân hữu, nên minh định thật rõ câu chuyện định hướng. Trước hết định hướng là chuyện nhà nước, chuyện của người vạch chính sách. Doanh nghiệp chỉ cần biết đến các quy luật thị trường, còn lại các mối quan hệ, giữa doanh nghiệp với nhau hay giữa chủ doanh nghiệp với người lao động, hãy để hệ thống luật pháp chi phối, điều chỉnh.
Thứ hai, định hướng xã hội chủ nghĩa phải được diễn dịch thành những mục tiêu xã hội và dân sinh thật cụ thể theo từng giai đoạn, từng thời kỳ. Một khi đã có những mục tiêu xã hội và dân sinh như thế, ví dụ giải quyết việc làm để kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới một mức nào đó hay trợ cấp chăm sóc y tế cho những người ở một độ tuổi nào đó, chúng ta sẽ dễ đánh giá một địa phương, một vùng có đạt định hướng hay chưa bằng con đường định lượng rõ ràng, minh bạch.
Thật ra cũng có những lúc chính sách vĩ mô của nước ta cũng đã đề ra các mục tiêu xã hội rõ ràng như thế và trở thành điểm son cho cộng đồng thế giới khi nhanh chóng xóa đói giảm nghèo cho hàng triệu người dân. Nay cũng cần các mục tiêu cụ thể không kém và chọn mục tiêu nào sẽ là nền tảng của một nhà nước của dân, do dân, vì dân. Và có làm như thế, mới không còn chỗ cho các cách hiểu dẫn tới chủ nghĩa thân hữu nấp bóng dưới các cụm từ mỹ miều, mà thực chất là bảo vệ các nhóm lợi ích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét