Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Nếu ba tỉ đô la Mỹ rót vào chứng khoán...

Hải Lý

(TBKTSG) - Mua bán nhà ở các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Canada, Úc... đều phải đóng thuế. Hàng năm chủ sở hữu ngôi nhà cũng phải đóng thuế nhà từ vài trăm đến vài ngàn đô la Mỹ/căn tùy thành phố và tùy vị trí ở cùng một đô thị. Sửa nhà tất nhiên phải xin giấy phép.

Ở Paris, bây giờ mùa hè nóng nực hơn nhiều so với khoảng chục năm trước, có ngày lên tới 35-37 độ. Nhiều gia đình ở Paris muốn lắp máy điều hòa nhiệt độ, nhưng xin thành phố cho phép không dễ. Cái cục nóng máy lạnh đặt ra ngoài, cho dù trên ban công, có thể ảnh hưởng đến cấu trúc bề mặt của toàn tòa nhà, nên Tòa thị chính Paris lắc đầu. Dân cư chịu thôi. Họ đi sắm quạt máy thay vì máy lạnh!

Tôi đã hỏi chuyện cả chục người mua nhà đất hay căn hộ ở Pháp. Có người tự đứng tên, có người nhờ thân nhân đứng tên. Họ bảo quan trọng nhất là khi đã mua xong, căn nhà hoặc căn hộ thuộc sở hữu vĩnh viễn của họ, không có chuyện sở hữu trong 50 hay 70 năm. Ở các tỉnh, nếu mua đất, đất ấy cũng vĩnh viễn của người mua, tức là sở hữu tư nhân. Nếu Nhà nước cần sử dụng mảnh đất ấy cho việc công như làm đường sá cầu cống, xây trường học, bệnh viện... chính quyền địa phương thay mặt Nhà nước thỏa thuận với chủ đất theo giá thị trường. Không có chuyện Nhà nước thu hồi, đền bù theo khung giá nào cả.

Tôi mang mấy chi tiết lặt vặt ấy kể cho một số nhân viên kinh doanh ngoại tệ của một số tổ chức tín dụng. Họ cho biết việc chuyển tiền đi nước ngoài bây giờ không còn quá khó khăn như trước và người chuyển không chú trọng lắm đến chi phí. “Nhiều người trong số họ là ông chủ, bà chủ các công ty tư nhân. Họ chuyển cả triệu đô la Mỹ. Một khi đã xác định mua nhà ở nước ngoài, họ hướng đến định cư hoặc cho con cháu đang du học hoặc sẽ du học nay mai, nên chi phí có 5-7% tổng số tiền chuyển họ cũng không ngại. Ưu tiên là chuyển được an toàn, mua được bất động sản”, một nhân viên nói.

Thử tính 3 tỉ đô la Mỹ mà người Việt chi ra để mua nhà ở Mỹ từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017 mới đây được báo chí đăng tải, mua được bao nhiêu căn nhà? Giả sử giá bình quân 300.000 đô la Mỹ/căn, thì người Việt đã mua 10.000 căn nhà. Còn nếu giá bình quân 500.000 đô la Mỹ/căn, người Việt đã sở hữu 6.000 căn nhà. 3 tỉ đô la ấy nếu đầu tư mua nhà ở trong nước, hẳn số lượng bất động sản tồn đọng ở hai thành phố Hà Nội và TPHCM đã giảm nhiều.

Nếu 3 tỉ đô la đó được giải ngân vào thị trường chứng khoán, tham gia các đợt IPO các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, biết đâu VN-Index giờ đây đã chạm ngưỡng 1.000 điểm và không ít ông lớn quốc doanh đã giảm được tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, chứ không phải Nhà nước vẫn nắm giữ 80-90%, thậm chí 95% cổ phần. Giới đầu tư nước ngoài tiếp tục nhìn nhận thị trường chứng khoán Việt nhiều tiềm năng, và họ chỉ cần rót vào vài trăm triệu đô la Mỹ là VN-Index khởi sắc tưng bừng. Đằng này, nếu mà có tới 3 tỉ đô la Mỹ...

Giờ hãy nhìn sang một góc khác: tiền giao dịch ký quỹ trên thị trường. Một công ty chứng khoán đang trở lại đường đua là AGR (Công ty Chứng khoán Agribank) báo lãi ròng 86 tỉ đồng sáu tháng đầu năm nay so với mức lỗ 424 tỉ đồng cùng kỳ. Các khoản phải thu dài hạn của AGR giảm mạnh từ 428 tỉ đồng đầu năm xuống 37 tỉ đồng vào ngày 30-6-2017. Công ty đã xử lý được tổng cộng 856,7 tỉ đồng nợ khó đòi (theo báo cáo tài chính quí 2-2017) và lỗ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn từ 167,4 tỉ đồng về còn 0 đồng. Một trong những nguồn thu của AGR thời gian qua là dịch vụ ký quỹ với doanh số khoảng 2.000 tỉ đồng.

Không chỉ AGR cho vay margin. Tổng doanh số margin của các nhà môi giới cung ứng cho thị trường hiện khoảng 20.000-25.000 tỉ đồng tùy thời điểm theo ước tính của chúng tôi từ tổng hợp báo cáo tài chính các công ty chứng khoán, tương đương 1-1,1 tỉ đô la Mỹ, bằng một phần ba số tiền người Việt mua nhà ở Mỹ. Để ngăn ngừa rủi ro, cứ lên đến một ngưỡng nhất định nào đó, các công ty chứng khoán lại rút bớt margin. Mỗi đợt rút như thế, VN-Index đổ đèo, rớt tầm 10-15%. Margin được rút về ngưỡng an toàn, công ty chứng khoán lại mở van margin, tiền ký quỹ lại chảy vào thị trường, VN-Index lại đi lên.

Sự thiếu hụt dòng tiền để VN-Index tăng trưởng ổn định và bền vững đã hiện diện từ lâu. Làm sao thu hút tiền vào chứng khoán vẫn là bài toán hóc búa. Nhìn sang 3 tỉ đô la Mỹ kia, mới thấy giá trị của nó đối với chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung lớn đến nhường nào. Giá như 3 tỉ đô la ấy trở thành vốn mồi, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ chảy vào Việt Nam không phải tính bằng triệu, mà bằng tỉ đô la Mỹ.

Chúng ta đang có cả ngàn công ty niêm yết trên ba sàn đáng giá để đầu tư. Liệu có cách gì, liệu có chính sách nào biến mỗi doanh nghiệp niêm yết thành một hoặc nhiều căn nhà để cho người dân lựa chọn bỏ tiền vào thay vì mua nhà ở nước ngoài? Câu trả lời đang nằm ở khâu hoạch định chính sách để tạo một môi trường cho tiền ở lại quê nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét