(TBKTSG) - Cuối tháng 6 vừa rồi, trong một động thái được cho là bất ngờ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có công văn yêu cầu Công ty TNHH Grab Taxi không được tiếp tục triển khai dịch vụ đi xe chung Grabshare do dịch vụ này vi phạm quy định của pháp luật. Grabshare là dịch vụ cho phép kết hợp nhiều khách đi cùng một chuyến xe trên một tuyến đường.
Quy định pháp luật mà Bộ GTVT viện dẫn cho việc cấm Grabshare là khoản 2, điều 45, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT do chính bộ này ban hành quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ vận tải hỗ trợ đường bộ (Thông tư 63).
Quy định này được viết ngắn gọn như sau: “Đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 01 hợp đồng vận chuyển khách”. Vì cho phép ít nhất hai khách đi chung trên cùng tuyến đường nên Grabshare bị cho là có hai hợp đồng vận chuyển khách cho cùng một chuyến và do đó bị cho là vi phạm trực tiếp quy định đã dẫn ở trên.
Rất khó lý giải tại sao Thông tư 63 lại có quy định kỳ lạ như tại khoản 2, điều 45. Nói kỳ lạ là bởi theo lẽ thông thường, việc quyết định chỉ có một, hai hay cùng lúc nhiều hợp đồng đơn thuần là thỏa thuận của đơn vị kinh doanh vận tải và hành khách, can cớ gì mà cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào câu chuyện dân sự này.
Có thể cơ quan quản lý nhà nước muốn có quy định này để bảo vệ quyền lợi hành khách, tránh cho họ các phiền toái khi chủ xe có thể đón, trả thêm khách trong cùng một chuyến. Nhưng ai cũng có thể thấy cách giải thích này hoàn toàn không thuyết phục bởi lẽ việc đón, trả thêm khách nếu được sự đồng ý của tất cả hành khách (ví dụ để tiết kiệm chi phí) thì tại sao lại bị cấm.
Nói thế để thấy, bằng quy định tại khoản 2, điều 45, Thông tư 63, luật pháp đã tùy tiện tước đi phần nào quyền vô cùng quan trọng của các chủ thể tham gia vào quan hệ vận tải hành khách: quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hay ngắn gọn hơn là quyền tự do hợp đồng (freedom of contract).
Như tên gọi của nó, quyền tự do hợp đồng đơn giản là quyền của các bên được tự do lựa chọn đối tác, tự do thỏa thuận các điều khoản của hợp đồng. Với tư cách là một quyền cơ bản và nền tảng, tự do hợp đồng nhìn chung chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp quyền này xung đột với các lợi ích công quan trọng, như để bảo vệ sức khỏe, an toàn cộng đồng, hay các giá trị đạo đức xã hội hoặc trong một số trường hợp là để bảo vệ bên yếu thế (người tiêu dùng, người lao động). Tự do hợp đồng thường được ưu tiên và không thể bị đánh đổi dễ dàng là bởi tầm quan trọng của nó trong việc đảm bảo một nền kinh tế thị trường tự do, tăng tính hiệu quả của các hoạt động kinh doanh và tối ưu hóa các nguồn lực xã hội.
Giống với bất kỳ hệ thống pháp luật nào khác, pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận và bảo vệ quyền tự do hợp đồng. Cụ thể, một trong những nguyên tắc cơ bản mà Bộ luật Dân sự ghi nhận là các bên có quyền tự do, tự nguyện, cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của mình. Nếu một thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì có hiệu lực thực hiện và các bên phải tôn trọng thỏa thuận đó. Luật Thương mại cũng có quy định tương tự về nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại.
Nhưng những quy định như tại Thông tư 63 đã góp phần vô hiệu hóa quyền tự do hợp đồng mà luật pháp đã ghi nhận và bảo hộ cho các bên dân sự.
Mà các quy định kiểu như Thông tư 63 không phải là ngoại lệ. Một ví dụ nổi tiếng khác về hạn chế quyền tự do hợp đồng là quy định tạm gọi là hạn mức khuyến mãi tối đa 50% trong Nghị định 37/2006/NĐ-CP (Nghị định 37) về hoạt động xúc tiến thương mại. Theo đó, giá trị vật phẩm dùng để khuyến mãi không được vượt quá 50% giá của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi (điều 5). Tương tự, không được khuyến mãi giảm giá hơn 50% đối với hàng hóa, dịch vụ (điều 6). Tại sao và vì lợi ích gì mà Nhà nước can thiệp vào mức khuyến mãi tối đa được phép của thương nhân, doanh nghiệp? Sao không để các doanh nghiệp, thương nhân tự quyết định vì họ là người hiểu rõ nhất mức khuyến mãi nào là hợp lý và được thị trường chấp nhận?
Nghị định 37 hiện đang được sửa đổi và hẳn là cơ quan soạn thảo sẽ rất khó trả lời cho các câu hỏi trên nếu muốn giữ lại quy định về hạn mức khuyến mãi.
Chắc hẳn sẽ còn rất nhiều quy định nằm rải rác ở đâu đó tương tự như các quy định nói trên trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồ sộ của Việt Nam. Những quy định kiểu này đang can thiệp có phần tùy tiện và thô bạo vào quyền tự do hợp đồng được Bộ luật Dân sự đảm bảo.
Mấy năm vừa qua, người ta nói nhiều đến việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu vào việc loại trừ, hạn chế và minh bạch hóa các điều kiện kinh doanh. Để hạn chế “giấy phép con”, luật pháp có quy định cấm các bộ, ủy ban nhân dân các cấp ban hành quy định về điều kiện kinh doanh. Có lẽ, cũng cần một quy định tương tự đối với quyền tự do hợp đồng. Theo đó, những văn bản cấp thông tư hay tương đương hoặc thậm chí cấp nghị định không được hạn chế quyền tự do này. Quan trọng hơn, tất cả các quy định nhằm giới hạn quyền tự do hợp đồng, dù nằm ở cấp độ hiệu lực pháp lý nào, đều phải được xây dựng và thẩm định một cách hết sức cẩn trọng để đảm bảo chỉ khi cần bảo vệ những lợi ích công quan trọng, quyền tự do hợp đồng mới có thể bị đánh đổi.
Có như thế mới có thể phần nào tránh được tình trạng can thiệp tùy tiện của Nhà nước vào tự do hợp đồng, nâng cao vai trò “kiến tạo” cho Nhà nước và trả lại một trong những quyền tự do đích thực và quan trọng cho các bên dân sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét