(TBKTSG) - “Người giàu sợ nhất tài sản bị giảm và ghét nhất là đóng thuế”.
Một chuyên gia từng làm nghề quản lý tài sản cho giới nhà giàu ở nước ngoài chia sẻ: “Người giàu có những nỗi sợ giống mọi người và những nỗi sợ của riêng họ. Họ sợ sức khỏe sa sút, sợ tiền không vào nữa, sợ không được chú ý và thừa nhận... Và tất nhiên người giàu khi nhìn vào khoản tiền đóng thuế khá nhiều của mình thì thường thấy xót xa...”.
Một người khác thì cho rằng một số đại gia ở Việt Nam sợ sự minh bạch, sợ pháp luật vì không loại trừ có những thương vụ họ có được là nhờ nguồn thông tin riêng hay khai thác từ sự mập mờ, khe hở của chính sách. Vị này nói: “Có nhiều người giàu sợ báo chí. Nỗi sợ đó thể hiện ở việc họ bỏ tiền ra để báo đăng hoặc không đăng những gì theo ý họ muốn. Tuy không phải ai cũng làm như thế và không phải tờ báo nào cũng bị họ tác động, nhưng đó là một phần thực tế không thể phủ nhận”. Ông nói thêm: “Giới kinh doanh, đầu tư tài chính chúng tôi có tâm lý cảnh giác đối với những đại gia bỗng dưng lên báo. Ông đó hoặc đang khó khăn trong kinh doanh, cần được lăng xê quảng cáo; hoặc đang cần ngân hàng đáo hạn nợ; hoặc đang tiến hành một số thương vụ, đàm phán mà việc tăng cường thanh danh sẽ có tác động đến đối phương trong thương thảo. Cũng có thể là lâu lâu ông muốn được nhắc đến, sợ rằng thiên hạ quên mình”. Vị này cũng cho rằng thường những người thích được chú ý rình rang lại không phải ở “level” ghê gớm. Cá lớn thường ở nước sâu.
Tuy nhiên, cả hai vị trên cùng có chung cách nhìn về người giàu là họ đều mong muốn tài sản được bảo vệ, tiếp tục sinh lời, tối đa hóa thu nhập và tối thiểu hóa chi phí, trong đó có chi phí thuế và các chi phí vận hành tài sản.
Ham tiền có gì sai?
Trong một vài lần trà dư tửu hậu về tiền bạc, với câu hỏi: “Không ham tiền có phải là một khiếm khuyết?”, rất nhiều quan điểm được đưa ra từ những cái đầu đã tạo ra tiền tỉ. Có một quan điểm cho rằng trong sâu thẳm mỗi con người thời nay, câu trả lời là có, nhưng đại đa số chúng ta ngần ngại, không muốn lớn tiếng tuyên bố như vậy.
Có một khía cạnh về tiền bạc và của cải, đó là khía cạnh tâm lý, tinh thần. Khía cạnh này, theo một người, thì người giàu ý thức và nhạy cảm hơn những nhóm người khác, và nhà nghèo thì không thể hiểu được bởi họ chưa được trải nghiệm và biết đến.
Từ gốc rễ, khái niệm tiền bạc và tài sản gắn mật thiết với sự sở hữu. Sở hữu thể hiện sức mạnh, vai trò của con người trong xã hội, kiểu như cái gì thuộc sở hữu của tôi thì tôi toàn quyền định đoạt nó, người khác không được xen vào. Sở hữu còn có khía cạnh tâm lý. Nói như Georg Simmel, nhà tâm lý học người Đức cuối thế kỷ 19, đó là sự mở rộng của “cái tôi”, kiểu bộ quần áo này làm tôi đẹp hơn, dù là trong mắt người khác hay chỉ với bản thân tôi.
Đây mới là khía cạnh quan trọng mang tính quyết định trong quan điểm về tiêu dùng và tích lũy của cải. Con người ở một cấp bậc nào đó sẽ “hiện hữu” thông qua các đồ vật chiếm hữu được. Sự “hiện hữu” này lại quan trọng hơn cả sự sở hữu theo nghĩa quyền định đoạt, và nó vô cùng phức tạp. Cho đến nay, các doanh nghiệp vẫn nghiên cứu để khai thác tâm trạng khấp khởi khi con người mua sắm và tính năng động (cả sự bồng bột, theo người viết) của cảm xúc gắn liền với quá trình ấy. Phần đông người có tiền thích “cái tôi lớn”, một số sẵn sàng trả giá. Nhiều người đã rất giàu có rồi nhưng vẫn đam mê kiếm tiền dù họ không tiêu tiền là bởi vì việc kiếm tiền giúp họ thỏa mãn cái tôi lớn ấy. Khi đó, tiền chỉ là hệ quả của cái lớn hơn là đam mê làm việc và làm giàu, thậm chí để ganh đua. Giới chủ sống trong bầu không khí đó. Vì thế mới có chuyện như chuyện của tỉ phú người Mỹ Warren Buffett, ông “làm việc như điên”, sống tiết kiệm và cũng không có ý định cho con cái tiền của mình. Ông tin rằng mình có khả năng kiếm tiền giỏi hơn người khác và vì thế ông làm việc.
Dĩ nhiên, sự bành trướng của “cái tôi” không chỉ thông qua sở hữu của cải. Nhưng mấy ai dám phủ nhận đồng tiền có sức cám dỗ khủng khiếp, nó tạo ra hy vọng về hạnh phúc hay tiêu dùng và hưởng thụ cuộc sống - những thứ có sức cám dỗ hơn nhiều. Nhất là với những người giàu do được thừa kế hoặc sau khi đã trở nên giàu có, họ không nhất thiết phải tìm cách làm ra tiền nữa, họ chỉ việc đi du lịch, nằm trên bãi biển và ngắm hoàng hôn.
Phía sau đồng tiền
Báo cáo khảo sát của một ngân hàng nước ngoài dựa trên sự trả lời của hơn 12.000 người ở 12 quốc gia và vùng lãnh thổ từng cho biết những thay đổi gây tổn thất tài chính lớn nhất cho con người lần lượt là: mất việc, bị thương tật, mắc bệnh, ly hôn, khoảng thời gian tạm dừng làm việc, mất người thân, về hưu, có con, mua tài sản lớn. Các khúc ngoặt trong cuộc đời khiến con người có tâm lý bất ổn, thấy thiếu an toàn cho tương lai, họ chịu nhiều áp lực hơn về tài chính, lo lắng hơn, kém tự tin và ít tự do hơn.
Người giàu, vì có nhiều tài sản nên có tâm lý lo lắng hơn người nghèo. Họ chú ý đến việc thuê chuyên gia lập kế hoạch cụ thể cho những sự kiện tương lai như thừa kế, tranh chấp, kể cả kế hoạch chống đỡ những điều ngoài dự đoán. Họ xây dựng chiến lược tài chính toàn diện liên quan đến bảo hiểm, chi tiêu, tiết kiệm và trả nợ, thậm chí là cả những thay đổi đối với người thân, công ty sau khi họ chết.
Hầu hết người giàu còn có sự lo sợ sâu thẳm bên trong bởi họ hiểu rõ sự giàu có là tương đối và mong manh. Sự giàu có nhìn thấy “hoành tráng” đấy nhưng đôi khi bị lệ thuộc vào nhiều khoản vay mượn - sự vay mượn để có những thứ ngoài khả năng trong hiện tại nhưng theo kế hoạch sẽ tạo ra trong tương lai. Vì thế, giới làm ngân hàng có một câu nổi tiếng đại ý là khi bạn gửi vào ngân hàng một tỉ đồng, bạn sợ ngân hàng, nhưng nếu bạn vay của ngân hàng hàng chục tỉ đồng thì ngân hàng sẽ sợ bạn.
Thực tế là tài sản của nhiều “đại gia” ngày nay có phần không nhỏ là tín dụng, phần tiền đó thậm chí không có cả tài sản thế chấp. Do đó, nếu có một ngày, một ngòi nổ nào đó bị kích thích khởi động chu kỳ hạ giá trị tài sản thì đó chính là “ngày ác mộng” đối với họ. Tài sản giảm, thu nhập giảm, nợ phải trả gia tăng, họ phải bán tài sản để trả nợ ngân hàng, tài sản lại hạ giá tiếp... Nợ đẹp bỗng chuyển thành nợ xấu, khi đó, họ thấy mình không có đủ “tiền tươi” và cảm thấy tuyệt vọng.
Do vậy, tổng giám đốc một ngân hàng bày tỏ suy nghĩ: “Hãy canh giữ lòng tham”, đừng vay quá nhiều và đừng để nợ xấu đè bẹp. Hậu quả xấu nhất là “đại gia” phá sản trên nợ nần của mình, trở thành nghèo khó và khám phá ra đằng sau đồng tiền chưa chắc là sự thịnh vượng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét