Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

Hàn Quốc có Samsung, Nhật có Sony... còn Việt Nam có gì?

NGUYỄN HUY VIỆN

(GDVN) - Nền kinh tế Việt Nam dẫu còn những thách thức nhưng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, GDP cả nước tăng 6,81%, mức cao nhất kể từ năm 2011. 

Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng hơn 220 tỷ USD.

GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.

Thành tựu kinh tế - xã hội trên đây rất đáng khích lệ, là cơ sở để có thể tin tưởng, rằng nền kinh tế Việt Nam dẫu còn những thách thức nhưng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, để nền kinh tế vận hành trơn tru, phát triển bền vững cần phải thấy và khắc phục được những hạn chế còn ẩn khuất trong những thành tựu đó.

Thứ nhất: Tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chủ yếu theo chiều rộng, chưa tận dụng được chuyển giao công nghệ trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Cũng như mấy chục năm qua, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn theo chiều rộng (tăng trưởng nhờ mở rộng quy mô sản xuất - đầu tư mới).

Các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nhà nước như các ngành điện lực, sản xuất vật liệu xây dựng, mía đường… công nghệ còn lạc hậu, chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Ngay cả các doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp của nước ngoài), ngoại trừ một số lĩnh vực như điện tử, công nghiệp phần mềm, bưu chính viễn thông… có công nghệ tương đối hiện đại nhưng chủ yếu dừng ở khâu gia công, lắp ráp.

Vì vậy, cho tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp nội vẫn không tiếp thu được công nghệ của họ, chưa thể liên doanh liên kết trong sản xuất.

Đối với các lĩnh vực còn lại, phần nhiều là công nghệ lạc hậu, nhiều nhà đầu tư (chủ yếu là Trung Quốc), công nghệ đưa vào Việt Nam đều lạc hậu so với thế giới.

Cho nên sau 30 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (1988 - 2018), nhằm mục đích tận dụng nguồn vốn phát triển kinh tế và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì đến nay Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ là nước gia công lắp ráp cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi các nước như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… chỉ mất 20 năm mời gọi đầu tư nước ngoài, họ đã trở thành những nước có trình độ công nghệ hiện đại hoặc tương đối hiện đại.

Thứ hai: Năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc loại thấp nhất trong khu vực và thế giới.

Theo Tổng cục Thống kê: "Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% Singapore; 17,6% Malaysia; 36,5% Thái Lan; 42,3% Indonesia; 56,7% Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào" (1).

Theo nghiên cứu của World Bank (Ngân hàng Thế giới), chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng:

Chênh lệch năng suất lao động tính theo PPP (sức mua tương đương) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD (năm 2006) lên 131.333 USD (năm 2016);

Tương tự, của Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philippines từ 6.691 USD lên 7.561 USD; Lào từ 220 USD lên 1.422 USD (2). 

Năng suất lao động thấp là nguyên nhân cơ bản làm cho sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam luôn thấp kém so với hàng hóa của các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Thứ ba: Thành phần kinh tế có vốn đầu tư từ nước ngoài chiếm tỷ trọng áp đảo trong GDP và xuất nhập khẩu.

Theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương: “Trong 4 động cơ tăng trưởng của Việt Nam bao gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và khu vực doanh nghiệp FDI thì chỉ có khu vực FDI ăn nên làm ra nhờ tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế, ít bị trói buộc bởi các thể chế, chính sách trong nước”. (3)

“Không chỉ năm 2017, trong các năm về trước (2015, 2016) tỷ lệ xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI luôn chiếm tỷ lệ 65%  - 70% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước”. (4)

Cũng theo ông Trần Đình Thiên: “Tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI (trong tổng kim ngạch xuất khẩu - tác giả chú thích), tăng nhanh từ 57% của năm 2005 lên 72% năm 2016, áp đảo khu vực nội địa”. (5)

Năm 2016, các doanh nghiệp FDI tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ các doanh nghiệp trong cả nước. (6)

Điều này chứng tỏ một thực tế, tăng trưởng GDP và xuất khẩu của Việt Nam gia tăng lệ thuộc vào khu vực FDI.

Sản xuất của khối doanh nghiệp nội địa vẫn đang gặp nhiều khó khăn, không gắn được vào chuỗi sản xuất của FDI.

Khối các doanh nghiệp trong nước (kể cả doanh nghiệp kinh tế nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) chưa phải là trụ cột của nền kinh tế.

Thực lực của nền kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp FDI cho nên chưa có nền tảng đảm bảo cho sự phát triển ổn định lâu dài.

Thứ tư: Thành phần kinh tế nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; trình độ quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Mặc dù các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ một khối lượng vốn khổng lồ, được hưởng cơ chế ưu đãi đặc biệt nhưng tỷ trọng đóng góp của thành phần kinh tế này trong nền kinh tế thấp hơn so với các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác.

Cụ thể, các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ doanh thu chi phối và có cơ cấu đóng góp ngày càng tăng trong toàn bộ doanh nghiệp.

Năm 2016 tổng doanh thu do các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 9,76 triệu tỷ đồng (chiếm 56% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp), bình quân giai đoạn 2010 - 2016 mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 15,7%. (7)

Năm 2016, các doanh nghiệp FDI tạo ra 4,8 triệu tỷ đồng doanh thu; bình quân giai đoạn 2010 - 2016 mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp FDI tăng 23,0%. (8)

Trong khi đó các doanh nghiệp nhà nước có mức doanh thu tăng chậm. Cụ thể hơn, trong năm 2016, các doanh nghiệp nhà nước tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu, bình quân giai đoạn 2010 - 2016 mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước chỉ tăng 6,0% (thấp hơn 2,5 lần so với tốc độ tăng trưởng các doanh nghiệp ngoài nhà nước - tác giả ghi chú) (9).

Mặt khác tiếp nối các năm trước đây, nhiều doanh nghiệp nhà nước xảy ra các đại án tham nhũng, làm ăn thua lỗ nghìn tỷ, một số doanh nghiệp bên bờ vực phá sản làm thất thoát một khối lượng lớn vốn của nhà nước.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên đây là do trình độ quản trị quốc gia cũng như quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Chưa tiếp thu được kiến thức và kinh nghiệm quản trị của các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển.  

Thứ năm: Chưa thực sự phát huy được vai trò động lực của thành phần kinh tế tư nhân trong xây dựng nền kinh tế thị trường.

Nếu như tất cả các nước có nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, ngay từ đầu đều xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế, thì ở Việt Nam đến tháng 6/2017 (sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới), tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII mới ban hành Nghị quyết “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Nhật Bản chỉ sau 20 năm đứng lên từ đống tro tàn chiến tranh (1945 - 1965), Hàn Quốc cũng chỉ sau 20 năm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1960 - 1980) và nhiều nước trong nhóm các nước công nghiệp mới, nhờ quan điểm lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển mà họ có hàng loạt tập đoàn kinh tế tư nhân nổi tiếng thế giới như Toyota, Sony, Toshiba… (Nhật Bản); Samsung, Hyundai, Dawu… (Hàn Quốc)...

Nhưng Việt Nam sau 30 năm đổi mới và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chưa có một tập đoàn công nghiệp tư nhân nào xứng tầm khu vực, không những vậy hầu hết chỉ dừng lại ở doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (chiếm đến 98%) tổng số doanh nghiệp cả nước.

Hiện tại, Việt Nam có rất ít tập đoàn kinh tế tư nhân lớn và hầu hết trong số rất ít đó đều có liên quan đến bất động sản, còn lại rất hiếm có các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn về sản xuất công nghiệp hay công nghệ riêng làm đòn bẩy cho nền kinh tế.

Không những thế, khi thoái vốn của các tập đoàn kinh tế nhà nước, phần sở hữu lại rơi vào hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài.

Từ thực trạng đó, không thể không lo ngại khi nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế không thuộc sở hữu trong nước, cùng với việc hội nhập sâu rộng các hiệp định thương mại tự do thì khả năng bị động trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới là rất cao.

Ví dụ mới đây nhất là các nhà đầu tư Thái Lan đã là cổ đông lớn của một số doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam.

Nguyên nhân làm cho kinh tế tư nhân Việt Nam chưa phát triển được là do hạn chế của tầm tư duy vĩ mô, trong một thời gian dài, chưa có sự nhìn nhận đúng về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc gia, dẫn đến tình trạng “con đẻ”, “con nuôi” trong một nền kinh tế, bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, làm méo mó các quy luật kinh tế thị trường.

Thành phần kinh tế nhà nước được xác định “đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế”; thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được “rải thảm đỏ mời gọi”.

Nhờ vậy, cả hai thành phần kinh tế này được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt về cơ chế, thuê đất, thuế…

Trong khi đó, thành phần kinh tế tư nhân không những không có một chính sách ưu đãi gì mà còn bị bó buộc bởi hàng mấy nghìn “giấy phép con” do nhiều bộ - ngành ban hành.

Đây chính là cái cớ để các cấp, các ngành “hành” các doanh nghiệp tư nhân, làm cho thành phần kinh tế này không thể lớn nổi.

Để khắc những hạn chế còn ẩn khuất trong những thành tựu kinh tế đạt được trong năm 2017; và để 5 năm, 10 năm sau không phải nhắc lại những hạn chế trên đây, ở tầm vĩ mô cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, gắn liền phát triển kinh tế với cải cách thể chế và cơ chế là yêu cầu sống còn.

Theo triết học Mác - Lê-nin, sự tác động của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng diễn ra theo hai chiều.

Nếu kiến trúc thượng tầng tác động phù hợp với các quy luật kinh tế khách quan thì nó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế phát triển; nếu tác động ngược lại nó sẽ kìm hãm phát triển kinh tế, phát triển xã hội.

Vì vậy, tiền đề mang tính quyết định cho nền kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước phát triển ổn định, bền vững là phải gắn liền phát triển kinh tế thị trường với đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách cơ chế.

Đây là một yêu cầu khách quan và cấp bách.

Thứ hai, trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, cần phải có những chủ trương cụ thể để cởi trói cho kinh tế tư nhân phát triển.

Trước hết cần phải mạnh mẽ, quyết liệt trong việc phá bỏ những rào cản đối với sự phát triển kinh tế tư nhân.

Đó là những cơ chế, chính sách không phù hợp, bất bình đẳng; là hàng nghìn giấy phép con đang là điểm nghẽn nghiêm trọng nhất đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Thứ ba, doanh nghiệp kinh tế nhà nước chỉ nên tham gia những lĩnh vực kinh tế phi lợi nhuận và những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng.

Trên cơ sở đó đẩy mạnh thoái vốn trong các doanh nghiệp nhà nước.

Trong thoái vốn cần có cơ chế tạo điều kiện cho những doanh nghiệp trong nước có tiềm lực và có năng lực nắm giữ cổ phần chi phối, để doanh nghiệp trong nước nắm vai trò chủ đạo nền kinh tế.

Thứ tư, có chủ trương nghiêm ngặt trong việc gắn thu hút đầu tư vốn nước ngoài phải với chuyển giao công nghệ;

Mạnh dạn tiếp thu kiến thức quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp của những quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển.

Đây là một trong những yếu tố quyết định giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng công nghệ lạc hậu về công nghệ và thấp kém về năng suất lao động so với thế giới; nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất kinh doanh.

Tài liệu tham khảo:

(1), (2), “Tổng cục Thống kê: Năng suất lao động người Việt thua Lào, bằng 7% Singapore” (VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam).

(3), (4), (5). “Lệch pha khu vực kinh tế” (Báo Đại đoàn kết: 05/12/2017

(6), (7), (8), (9). “Doanh nghiệp FDI có lợi nhuận lớn nhất trong khu vực doanh nghiệp” (Báo Hải Quan: 06/02/2018).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét