Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

"Bán độ ư? Sao ác khẩu thế!"

Vũ Hùng

LĐO - Nhà báo Vũ Hùng đã có 20 năm gắn bó với thể thao Việt Nam - và cho đến hôm nay, sau một chặng đường dài, anh vẫn gửi gắm vào những bước chạy của cầu thủ rất nhiều cảm xúc. Lá thư dưới đây của anh Vũ Hùng, gửi cho những người đang bị sự nghi ngờ dày vò, có thể là những xét đoán và cảm xúc cá nhân anh, nhưng có thể cũng là suy nghĩ chung của nhiều CĐV vẫn còn nuôi niềm tin nơi đội tuyển, và rộng hơn, là nền thể thao nước nhà.

Trận thua tan nát 2-4 trong trận bán kết lượt về giữa tuyển Việt Nam và Malaysia đã tước mất quyền vào chung kết tưởng đã nằm chắc trong tay đội tuyển Việt Nam. Thật đáng tiếc.

Sau trận thua đau này, đã không ít dư luận cho rằng các cầu thủ Việt Nam bán độ! Nói thế không sợ ác ư? Tôi đã có 20 năm gắn bó với thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng. Và bằng linh cảm cũng như kinh nghiệm của bản thân, tôi không tin là các cầu thủ bán độ. Tôi tin đây chỉ là tai nạn nghề nghiệp. Trong hoàn cảnh này, chẳng ai dại, dù có tham tiền cũng không dám bán.

Chưa ra ngô ra khoai mà ngay chính ông chủ tịch VFF cũng tuyên bố mời cơ quan chức năng vào điều tra thì xem ra đấy là một sự xúc phạm đến danh dự của từng cầu thủ. Một sự xúc phạm không đáng có.

Tôi lại nghĩ tuyển Việt Nam thua là có phần nguyên nhân không nhỏ của báo chí khi tâng bốc quá nhiều sau mỗi trận thắng, cho các tuyển thủ đi dây bằng những lời ca sáo rỗng rồi một khi thua là dìm xuống bằng những lời ta thán, suy diễn này nọ. Khi thắng thì ca lên mây làm các tuyển thủ trẻ cứ ngỡ mình ở trên mây thật. Tôi cảm thấy chán nản trước cái "kịch bản" mà năm nào các đồng nghiệp của mình cũng tạo ra.

Tôi rất đồng tình với những nhận định của ông HLV Lê Thụy Hải khi nhận xét về trận thua này. Bản thân ông cũng không tin là các cầu thủ bán độ. Ông nói, tôi tin vì HLV lão làng này từng có thời gian trong BHL đội tuyển và từng xuất thân là cầu thủ nên ông không thể nói theo cảm tính mà bằng cái nhìn chuyên môn và cũng xem trận thua này là tai nạn nghề nghiệp hơn là những toan tính nào khác ngoài sân cỏ.

Nếu so sánh về thu nhập, chuyện nếu có bán độ thì tiền cũng không thể sánh bằng tiền thưởng từ VFF. Điều này cầu thủ nào cũng biết và dại gì bán độ để đánh mất cả tiền tài, danh dự. Thế mà cũng có người không biết khi cho rằng cầu thủ bán độ, ác khẩu quá.

Nếu tuyển Brazil sau trận thua 1-7 trước Đức cũng lấy theo tư duy của bóng đá Việt Nam rồi cho rằng cầu thủ Brazil bán độ thì sẽ có không ít , dù không có chuyên môn cũng bịt miệng cười vì sự suy diễn ngô nghê này. Thậm chí, ngay cả Liên đoàn bóng đá châu Á, với những dữ liệu từ các công ty phân tích "độ" hàng đầu cũng khẳng định rằng chẳng có "độ" nào đáng để bán trong trận này. Nhưng cứ đội tuyển nước nhà thua, thì cái câu hỏi ấy lại dấy lên. Một lần bất tín, vạn lần bất tin - quả là có thế. Nhưng họ, những chàng trai đá bóng ở nước ta sẽ còn phải sống cùng cái "tiếng nhơ" do một vài đồng nghiệp tạo ra đến khi nào nữa?

Tôi cũng như không ít người cùng hỏi câu hỏi, tại sao sao tuyển Việt Nam thua?

Các cầu thủ quá tự tin khi vào trận. Với trận thắng lượt đi thì trận lượt về có tới 3 cửa vào chung kết để tự tin thái quá rồi cả 3 cửa đều đóng lại ngay trên sân nhà không còn chỗ trống. Bóng đá là môn chơi tập thể và ở vị trí nào trục trặc là ảnh hưởng ngay đến khâu khác. Và một khi tuyến phòng thủ lỏng lẻo là tuyến trên bị chi phối theo ngay. 

Trong trận Việt Nam-Malaysia là như thế. Dù Công Vinh hay Văn Quyết có có gắng mấy cũng không thể lấp được những sai sót của Nguyên Mạnh, Xuân Thành, Văn Biển ở hàng thủ khi cả đội tuyển đều nghĩ trước giờ bóng lăn khi vé vào chung kết đã thuộc về Việt Nam và trận này chỉ như trận thủ tục. Chính thái độ tự tin quá mức này mà tuyển Việt Nam phải trả giá.

Trận thua đau này càng làm tôi thêm yêu ông HLV T.Miura khi không hề trách móc cầu thủ mà nhận hết trách nhiệm về mình. Có lẽ chính thái độ này cũng làm những người nghi ngờ cầu thủ bán độ phải nghĩ lại. Đặc biệt là những lãnh đạo VFF, những người không đủ can đảm để tự nhận trách nhiệm như ông Miura mà tìm cách đổ lỗi cho những cầu thủ.

Tôi rất thông cảm cho những giọt nước mắt của Văn Quyết, Công Vinh. Và không chỉ 2 cầu thủ này, cả đội đều khóc với trận thua không đáng thua ấy. Liệu những giọt nước mắt có làm các tuyển thủ trẻ lớn hơn để làm lại khi phía trước với họ đường còn dài, còn nhiều cơ hội làm lại. Và trận thua này chỉ là tai nạn nghề nghiệp khi chính các em chịu quá nhiều áp lực trước trận đấu và bây giờ chịu tiếp những chỉ trích thái quá từ người hâm mộ và cả chính từ… báo chí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét