BBC - Tội phạm mạng đã giả làm Ngân hàng Tiền Phong nhằm chuyển 1,2 triệu euro ra nước ngoài nhưng bất thành, theo hãng tin Reuters.
Hãng tin Anh nói họ nhận được thông tin này hôm 15/5 nhưng vụ tấn công dùng lệnh chuyển tiền giả qua hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT xảy ra từ tháng 12 năm ngoái.
Tội phạm đã đột nhập được vào hệ thống của một công ty mà Ngân hàng Tiền Phong dùng để kết nối với SWIFT, theo Ngân hàng Tiền phong.
Công ty này hiện không còn được Ngân hàng Tiền Phong sử dụng.
Báo Tuổi Trẻ dẫn thông báo của Ngân hàng Tiền Phong:
"Thông qua hệ thống giám sát và cảnh báo nguy cơ cùng một quá trình kiểm soát nội bộ chặt chẽ, TPBank đã xác định được khoản giao dịch khả nghi trị giá hơn một triệu euro do các tin nhắn giao dịch SWIFT không phải do chính ngân hàng thực hiện.
"Vụ tấn công này đã không gây ra bất cứ tổn thất nào, cũng không ảnh hưởng tới hệ thống SWIFT nói riêng cũng như hệ thống giao dịch giữa ngân hàng Tiên Phong và các khách hàng nói chung".
Trong khi đó ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin của Ngân hàng Nhà nước được Reuters dẫn lời nói ngoài Ngân hàng Tiền Phong không ngân hàng nào khác bị ảnh hưởng.
Tội phạm mới đây cũng dùng lệnh chuyển tiền giả qua SWIFT nhằm chuyển 950 triệu đôla của Ngân hàng Trung ương Bangladesh lưu ở New York tới các tài khoản ở Philippines và Sri Lanka tuy nhiên chỉ hơn 80 triệu được chuyển trót lọt.
Reuters nói SWIFT được 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính dùng để giao dịch.
Ông Hùng cũng nói thêm Việt Nam đã thông báo cho đại diện của Interpol ở Việt Nam biết sau khi phát hiện ra lệnh chuyển tiền giả.
Hôm 15/5 SWIFT cũng thúc giục khách hàng "khẩn trương xem xét lại việc kiểm soát hệ thống thanh toán của họ và nói thêm:
"Điều này bao gồm tất cả mọi thứ từ kiểm tra nhân viên tới bảo vệ mật mã và phòng ngừa [tấn công qua] mạng."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét