(TBKTSG) - Sau hơn 10 năm gắn bó, mới đây, giám đốc điều hành (CEO) một công ty đại chúng quyết định bán hết cổ phần và từ nhiệm. Người ta thường nói “mỗi kết thúc là một sự khởi đầu mới”, biết đâu điều này đúng với vị CEO nói trên.
Nội tình thế nào chưa ai rõ nhưng một người trong cuộc tiết lộ đây là “cuộc chia tay êm đẹp” vào lúc vị CEO hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, sự việc này khiến nhiều người tò mò, muốn biết nguyên do. Và cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc chia tay giữa CEO với công ty là chuyện bình thường với nhiều cách lý giải, dưới đây là ghi nhận của TBKTSG.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM:
Khi HĐQT hoặc CEO muốn thay đổi
Chiến lược của một số doanh nghiệp, khi họ muốn có sự bứt phá hay muốn có sự thay đổi rõ rệt sau nhiều năm, điều mà hội đồng quản trị (HĐQT) công ty thường làm chính là thay đổi CEO, thay vào người phù hợp với chiến lược mới.
Ở Việt Nam, loại hình doanh nghiệp gia đình - tình thân khá đông và dạng doanh nghiệp này ít chấp nhận sự thay đổi về nhân sự, đặc biệt là nhân sự quản lý cấp cao. Nhưng ở nhiều nước trên thế giới, khi doanh nghiệp muốn thay đổi, người ta sẽ không vị tình.
Chỉ khi HĐQT hoặc CEO dám chấp nhận thay đổi thì mới có thể kỳ vọng tạo được sức sống mới cho doanh nghiệp, cho cá nhân. Theo phương pháp quản trị doanh nghiệp hiện đại, CEO là một nghề, việc thuê mướn CEO là bình thường và bản thân người CEO hành nghề chuyên nghiệp đã có sự lường trước cũng như chuẩn bị tâm lý cho ngày ra đi.
Chưa kể đối với nhiều CEO bám trụ lâu năm ở một doanh nghiệp có khi nảy sinh tâm lý chán nản, đặc biệt khi họ thấy lĩnh vực họ đang theo không còn hướng phát triển nữa. Lúc này, họ thường muốn khám phá, chinh phục một đỉnh cao khác. Chuyện một CEO bán cổ phần và từ nhiệm không quá bất thường. Nó cũng giống như một đội bóng mới đăng quang nhưng chỉ sau vài tháng, người ta tính chuyện thay đổi huấn luyện viên vậy.
Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sơn Việt:
Doanh nhân, sự trường tồn và tâm thế kiếm tiền ngắn hạn
Dù còn nhiều yếu tố tác động đến niềm tin nhưng Việt Nam vẫn là một thị trường mới, tiềm năng trong giai đoạn hội nhập mà bất cứ CEO hay doanh nhân nào cũng thấy mở ra những cơ hội vô cùng lớn. Có thể tại một thời điểm nào đó, người CEO không thấy hài lòng với vị trí, công việc hiện tại nhưng máu lửa và nhiệt huyết lãnh đạo doanh nghiệp trong anh vẫn còn đầy và anh muốn vào một cuộc chơi mới thử thách hơn, trừ khi anh muốn dừng lại nghỉ ngơi.
Có điều lạ là dạo gần đây, tâm lý “muốn nghỉ ngơi” bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở một số doanh nhân từng trải - những người đã kiếm được tiền nhưng chưa phải đã lên tới đỉnh thành công. Trong khi đó, dòng chảy doanh nhân trẻ ở nước ngoài lại đang ồ ạt đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp, chấp nhận thử thách.
Cần nhớ triết lý sống còn của doanh nhân chính là “sự trường tồn” chứ không phải chỉ mang tư tưởng “kiếm tiền” là đủ. Tâm thế xây dựng doanh nghiệp để trường tồn với đường hướng phát triển rõ ràng là rất quan trọng. Điều này rất khác với tâm thế kiếm tiền ngắn hạn.
Nhìn rộng hơn, dù trong môi trường kinh doanh nào, ở xã hội nào cũng rất cần những doanh nhân dám xả thân, theo cuộc chơi tới cùng với tâm thế đi đến cuối con đường nhằm tạo dựng hương hiệu, tên tuổi và có đủ sức mạnh theo đuổi sự trường tồn, cho dù khái niệm “trường tồn” thường đi đôi với “trả giá”.
Còn nếu chỉ mang tâm lý kiếm tiền mà khởi nghiệp, rồi đến lúc nào đó thấy đủ và dừng lại cho an toàn, hay thậm chí vì một lý do nào đó không nhận ra doanh nghiệp mình nắm là đứa con “chậm lớn” so với thị trường thì sớm muộn doanh nghiệp cũng sẽ bị bóp chết, nền kinh tế cũng sẽ bị “vạ lây”.
Cần nói thêm là có nhiều người có khả năng kinh doanh lâu dài nhưng lại không đủ dũng cảm đi đến cuối đường. Có chuyên gia kinh tế từng đúc kết: nếu anh nghỉ ngơi tức là anh đang chết!
Ông Lê Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gỗ An Cường:
Quyết định có thể bị chi phối bởi tuổi tác
Trước đây, khi tôi bán cổ phần hàng chục triệu đô la Mỹ cho một quỹ đầu tư nước ngoài, rất nhiều bạn bè hỏi sao tôi không “thủ” lại một ít. Việc tôi bán cổ phần là nhằm lấy vốn tái đầu tư, phát triển doanh nghiệp lên tầm cao mới chứ chưa an phận với quy mô hiện tại.
Tuy nhiên, nếu khi bước vào giai đoạn tuổi 50-60, có lẽ con người ta thường có tâm lý thận trọng hơn với mọi quyết định, và với rất nhiều người, đây là giai đoạn ngại va chạm và họ thấy cần được nghỉ ngơi.
Bà Trần Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty Đầu tư và Đào tạo Doanh chủ:
CEO “đuối” vì áp lực chỉ tiêu
Trong thời buổi hiện nay, nghề CEO cũng lắm gian nan. Một số lĩnh vực bị ép chỉ tiêu tăng trưởng cao hoặc do sức ép cạnh tranh quá khốc liệt khiến người CEO dễ bị căng thẳng. Tôi biết có người đang làm CEO ở một ngân hàng nhưng vì áp lực quá lớn, người đó đành nghỉ việc, sau đó lại làm CEO tại một doanh nghiệp khác ít áp lực chỉ tiêu hơn. Dù thu nhập thấp hơn nhưng người đó thấy nhẹ nhàng hơn, đã có thể chơi thể thao, ngủ ngon hơn.
Xu hướng xã hội hiện nay, nhiều người trẻ thích mạo hiểm, phiêu lưu trên thương trường, còn nhiều doanh nhân lớn tuổi với thu nhập ổn định, tuy giàu kinh nghiệm để dấn thân cho những dự án lớn nhưng lại rụt rè, an phận.
Cũng có trường hợp CEO bị giao chỉ tiêu quá cao, tự biết sức mình không kham nổi đành phải rút lui. Hoặc chủ tịch HĐQT cảm thấy CEO hiện tại không còn phù hợp với môi trường kinh doanh mới, muốn thay đổi, nên cố tình giao chỉ tiêu cao để CEO cảm thấy đuối mà tự động buông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét