Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Để 500 tấn vàng “chui ra khỏi hũ”

LÊ THANH PHONG

LĐO - Quốc gia thiếu vốn, dân lại găm giữ khoảng 500 tấn vàng tương đương hàng chục tỉ USD. Vàng là nguồn vốn, tiền bạc là huyết mạch của cơ thể quốc gia, bị ứ đọng chẳng khác gì bị tắc mạch máu. Chứng “đông máu nguồn vàng” trong dân tồn tại xưa nay, nhưng chưa có cách khai thông.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đưa ra cách trị liệu chứng bệnh trên, đó là kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia, huy động vàng trong dân để đầu tư phát triển kinh tế. Kiến nghị đưa ra vào thời điểm Việt Nam “nóng” về khát vốn, sau khi được một số quốc gia thông báo ngừng cấp hoặc cắt giảm vốn ODA cho Việt Nam từ năm 2016. Điều này cho thấy Việt Nam chủ động xoay xở nguồn vốn mà không cậy đến sự hỗ trợ trung bình mỗi năm 3,5 tỉ USD từ ODA như trước đây.

Trong khi vàng được trữ trong dân hàng trăm tấn, nhưng mỗi năm các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức phải nhập vài chục tấn vàng từ nước ngoài để làm nguyên liệu, chỉ tính riêng khoản này thôi đã thấy bất hợp lý, mỗi ngành chảy một ít ngoại tệ, cộng lại làm suy yếu cả nền kinh tế.

Người dân giữ vàng như một thói quen, và tin rằng dù có chuyện gì xảy ra thì của cải vẫn nắm trong tay. Cho nên ngay cả khi gửi vàng vào ngân hàng có lãi suất, không phải ai cũng muốn gửi hoặc gửi hết số vàng mình có.

Liệu dân có vượt qua được tập quán giữ vàng như xưa nay, và để thuyết phục người dân lấy vàng trong hũ chôn ở chân giường cho Nhà nước và doanh nghiệp vay là điều không phải dễ. Ở đây cần phải có sự xác lập niềm tin, dân thấy được tài sản của mình được bảo đảm an toàn. Lịch sử có những sai lầm khiến cho người giàu sợ hãi, không dám công khai hết tài sản, vàng bạc của mình, mà cất giấu kỹ lưỡng cho an tâm về của cải và yên thân. Không chỉ đối với người lớn tuổi, ngay cả người trẻ vẫn mua vàng để trữ, vàng cứ thế mà “ngủ” trong hũ dưới gầm giường.

Huy động vàng trong dân để làm vốn đầu tư có nghĩa phải trả lại vàng cho dân hoặc tiền tương đương với giá trị vàng vào thời điểm trả. Những biến động về giá vàng dẫn đến nhiều rủi ro cho phía vay, khả năng cân đối vay - trả vàng liệu có được đảm bảo. Nếu để mất khả năng cân đối có nghĩa là làm mất tài sản của dân.

Cách thuyết phục duy nhất để dân gửi vàng là đưa ra mức lãi suất phù hợp, có cam kết đảm bảo an toàn tài sản. Để dân mất niềm tin về an toàn tài sản thì không thể có cơ hội để thuyết phục thêm lần nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét