Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

"Thủ tướng đã lường trước được sự nhạy cảm trong công tác cán bộ"

QUỐC TOẢN

(GDVN) - Nếu quyền lực tập trung trong tay những người có quan hệ dòng họ, rất dễ dẫn đến việc lũng đoạn chính trị, chính sách, kinh tế để phục vụ nhóm lợi ích.

Cả xã có đến gần chục người làm "quan" thì không ổn

Không ít vụ bổ nhiệm “người nhà làm quan” gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Thực tế, luật không cấm chuyện anh em họ hàng cùng làm cán bộ tại một cơ quan công quyền (trừ trường hợp cán bộ, lãnh đạo không được bố trí vợ, con, hoặc chồng làm thủ kho, thủ quỹ, kế toán nơi mình làm quản lý).

Tuy nhiên, dư luận có cái lý của họ khi đưa ra đề nghị kiểm tra, xem xét lại những trường hợp bổ nhiệm người nhà mang tính "thần tốc", bất thường tại các cơ quan công quyền.

Bởi, nếu coi cơ quan công quyền là một dạng "tài sản công" đặc biệt, vô giá thì tài sản đó phải là sở hữu chung của mọi người chứ không kể là con của "quan" hay con của nông dân như cách nói của PGS Bùi Thị An.

Thậm chí, người đứng đầu Chính phủ từng đưa ra cảnh báo những hệ lụy (có thể xảy ra) về "chủ nghĩa vị thân" trong công tác cán bộ:

"Tôi báo cáo trước Quốc hội phải đổi mới công tác cán bộ, tôi đề nghị các đồng chí phải lưu ý điều này, việc này cần phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà.

Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”, Thủ tướng nói tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Nhưng có điều rất lạ! Cứ mỗi khi dư luận phát hiện việc bổ nhiệm cán bộ có vấn đề thì cụm từ "đúng quy trình" lại được sử dụng theo cách rất... đúng quy trình.

Thậm chí cụm từ này lặp đi, lặp lại nhiều tới mức mà người ta có cảm giác phát... ngấy.

Có Đại biểu Quốc hội từng thẳng thắn cho rằng, việc bổ nhiệm “đúng quy trình” là “bà đỡ", cho việc chọn người nhà thay người tài, đồng thời lên án những trường hợp bổ nhiệm cán bộ (người nhà) không đúng quy định.

Bình luận về "chủ nghĩa vị thân" trong tuyển dụng, bổ nhiệm ở khối hành chính công, hôm 28/3, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, điều này xuất phát từ tư tưởng làng xã, dòng họ...  

"Chuyện đề bạt, bổ nhiệm người nhà trong trường hợp họ đủ năng lực, điều kiện thì không có gì phải bàn cãi.

Thậm chí, nếu những người thuộc dòng dõi, con ông cháu cha mà họ quá trình phấn đấu, rèn luyện tốt, được cơ sở giới thiệu, tín nhiệm cao thì xã hội nên thừa nhận.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, một địa phương có đến cả chục người cùng công tác, giữ chức vụ trong Đảng, chính quyền thì nghe không ổn.

Nếu công tác cán bộ cứ theo kiểu "dìu dắt" nhau như vậy thì có vấn đề.

Hoặc có thể xem đây là hình thức tham nhũng quyền lực.

Điều này xuất phát từ tư tưởng làng xã, dòng họ mang tính cục bộ. Đó còn là sự tham lam, đặc quyền, đặc lợi do chức vụ mang lại.

Do đó, nếu hiện tượng "cả họ làm quan" có vấn đề và trở nên phổ biến trong xã hội, rất dễ xảy ra sự lũng đoạn chính trị, chính sách, kinh tế nhằm phục vụ ý đồ cá nhân, nhóm lợi ích", ông Dĩnh nêu quan điểm.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh thêm, việc thủ Tướng chỉ đạo yêu cầu tìm người tài, không tìm người nhà, cho thấy, người đứng đầu Chính phủ đã lường trước được sự "nhạy cảm" trong công tác cán bộ và những hệ lụy của nó có thể xảy ra trong quá trình quản lý, vận hành bộ máy công quyền.

"Nếu rà soát tất cả các địa phương trên cả nước tôi nghĩ chỗ nào cũng có chuyện anh em người nhà cùng làm trong cơ quan công quyền chứ không phải như báo cáo của Bộ Nội vụ", ông Dĩnh nhận định.

Tính gương mẫu của người đứng đầu là yếu tố then chốt

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh đề cao vai trò, sự gương mẫu của người đứng đầu trong việc đảm bảo tính công bằng, khách quan trong việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ.

"Ví dụ, nếu bố làm Bí thư thì việc đề bạt bổ nhiệm, bỏ phiếu cho người thân sẽ thuận lợi hơn so với những người khác. 

Ông Bí thư ngồi đó, không lẽ anh lại không bỏ phiếu cho người thân ông ấy?

Hay nói cách khác, việc đề bạt, bổ nhiệm này mang tính nể nang hơn là kiểm tra năng lực cán bộ. Đây chính là việc tập thể hợp thức hóa cho ý đồ cá nhân.

Đối với những trường hợp bổ nhiệm người nhà không đúng quy định, người ta thường coi trọng vị trí của mình và người thân chứ không coi trọng nhân cách, lòng tự trọng bản thân

Do đó, tính gương mẫu của người đứng đầu là thuộc tính của liêm sỉ cần được đề cao trong công tác cán bộ.

Nếu anh là người tử tế, có lòng tự trọng sẽ không đưa người thân của mình vào các cơ quan công quyền khi họ không đủ điều kiện, năng lực.

Hay nói cụ thể hơn, nếu là Bí thư gương mẫu thì anh phải có ý kiến với tập thể về trường hợp đề bạt người người thân của mình chưa đủ năng lực, điều kiện. 

Làm được như vậy thì không ai dám bỏ phiếu hoặc làm trái lời anh.

Suy cho cùng công tác cán bộ khách quan hay không đều do con người. Còn quy trình thì không có tội", ông Dĩnh nêu quan điểm. 

Bên cạnh đó, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị cần thiết phải xây dựng chế tài xử lý nghiêm việc bổ nhiệm cán bộ trái quy định, đặc biệt là đối với những người có quan hệ họ hàng, không đủ năng lực.

"Trước đây chúng ta từng thí điểm mô hình bố trí lãnh đạo ngoài địa phương để hạn chế quan hệ họ hàng. Tuy nhiên, việc này chưa trở thành chủ trương có tính sâu rộng. Nếu làm tốt việc này, đây cũng là giải pháp tốt để hạn chế tính dòng họ trong cơ quan công quyền.

Bên cạnh đó, cần thiết phải có quy định cụ thể về yêu cầu cán bộ từ chức trong trường hợp bổ nhiệm theo kiểu "chủ nghĩa vị thân" trái quy định pháp luật", ông Dĩnh đề nghị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét