(TBKTSG) - Nếu nhìn bằng lăng kính lãng mạn và duy tình thì chúng ta sẽ hình dung quá trình phát triển ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào đó trên thế giới là những làng quê yên ả của những người tốt bụng, luôn làm ra những sản phẩm không có hóa chất, thân thiện với thiên nhiên và môi trường. Một thị trường trăm người bán vạn người mua, sản phẩm nào cũng đúng chất lượng, phù hợp với túi tiền của mỗi người.
Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận một thực tế hết sức phũ phàng là những điều nêu trên, trên thực tế chưa thể xảy ra ở hành tinh chúng ta, ít nhất là đối với các quốc gia có trình độ phát triển như Việt Nam.
Nhìn vào thực tế đã và đang xảy ra ở các nước khác, để có thể trở nên phát triển hơn, nền sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu mỗi nhà có vài mớ rau, con cá mang ra chợ bán ở khắp mọi nơi như hiện nay sẽ biến mất, mà thay vào đó là chỉ còn vài “ông lớn” phục vụ cho cả thị trường.
Điều kiện để thị trường có trăm người bán, vạn người mua vận hành tốt là thông tin phải hoàn hảo, mà hiểu một cách đơn giản là tất cả mọi người đều có đầy đủ thông tin về sản phẩm mình bán hoặc mua. Do vậy, không ai có thể che giấu thông tin hay gian lận về chất lượng sản phẩm của mình.
Trên thực tế, điều này không có thực mà bức màn thông tin luôn bị che chắn hay sự bất cân xứng về thông tin luôn xảy ra, chỉ có người bán mới biết đích thực chất lượng sản phẩm của mình. Hơn thế, điều không may là trong các trò chơi của tập thể, với bản chất vì lợi ích riêng của mình, thì sự tử tế không có đất để tồn tại.
Ví dụ cả làng uống nước lã hay ba ông tiên uống rượu sau đây chỉ ra bản chất của vấn đề này.
Có một chuyện tiếu lâm rằng ở một làng nọ đến kỳ lễ hội, tất cả mọi người thống nhất rằng mỗi nhà sẽ góp một chai rượu để đổ vào cái thùng to giữa làng để cùng nhau thưởng thức. Khi đó, ai cũng lập luận rằng, chai của mình rất ít so với thùng rượu nên nếu là nước lã cũng không sao. Kết quả là đến ngày khai hội thì cả làng được uống nước lã.
Chuyện về các tiên ông đạo mạo cũng thế. Ba ông thống nhất với nhau rằng mỗi người cùng góp một chai rượu thật ngon đổ chung vào một cái hũ lớn cùng thưởng thức. Tuy nhiên, trên thực tế cả ba phải uống rượu nhạt do mình góp vào mà ngoài miệng cứ hít hà khen ngon vì không muốn lột cái mặt nạ của mình.
Đây là điều đang xảy ra trên thực tế với sự tràn lan của các sản phẩm đầu độc người tiêu dùng. Với sự tràn lan của hóa chất độc hại không thể kiểm soát như hiện nay thì người tiêu dùng gần như không có khả năng phân biệt và khả năng gian lận của người bán là rất cao.
Ví dụ cả làng có mấy ngàn người cùng trồng rau. Trồng theo đúng quy trình trồng rau sạch thì giá thành mỗi bó rau lên đến 10.000 đồng. Nếu tất cả mọi người đều tuân thủ thì mọi chuyện vẫn ổn. Tuy nhiên, khi đó, có người chợt nhận rằng, nếu họ dùng nhiều hóa chất hay chất tăng trưởng thì năng suất sẽ tăng gấp đôi và họ sẽ thu lời rất lớn.
Hơn thế lúc đó, những người gian lận sẽ gia tăng sản xuất với số lượng nhiều hơn làm cho giá thành hạ xuống và những người trồng rau chân chính sẽ bị thua lỗ rời khỏi thị trường. Cuối cùng sẽ rất khó tìm được rau sạch.
Để sửa chữa trục trặc nêu trên, điều kiện tiên quyết là phải có cơ chế kiểm tra tất cả sản phẩm để đảm bảo rằng chúng có chất lượng tốt.
Cơ chế đầu tiên chính là vai trò của Nhà nước. Nhà nước sẽ thu thuế của người dân để cung ứng các dịch vụ công mà trong đó có việc xây dựng các quy định pháp luật và các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một cách thực tế là năng lực của khu vực công rất giới hạn và tình trạng những người thực thi công quyền bắt tay hay ăn hối lộ để làm ngơ với các sai phạm là rất thường xuyên. Lúc này, Nhà nước lại thất bại trong việc sửa chữa trục trặc của thị trường.
Cơ chế thứ hai chính là trở lại với cơ chế thị trường nhưng lúc này chỉ có một số ít người mua rau và bán ra cho cả thị trường. Nói một cách khác là việc thu mua và phân phối rau nêu trên chỉ tập trung vào một số ít doanh nghiệp. Sự sàng lọc trước đó đã diễn ra theo cơ chế cạnh tranh.
Với việc cung ứng một thị phần rất lớn rau trên thị trường, các doanh nghiệp này có động cơ duy trì và đảm bảo chất lượng các sản phẩm của mình vì nếu có sự cố xảy ra thì thiệt hại của họ là rất lớn và chúng có thể khiến họ sập tiệm.
Đây là điều thực tế đã và đang xảy ra trên thế giới, nhất là các nước phát triển. Ví dụ như Mỹ, một quốc gia với hơn ba trăm triệu dân chỉ có một số chuỗi siêu thị bán thức ăn với giới hạn số nhà cung cấp cho họ.
Theo xu hướng chung thì điều này cũng sẽ xảy ra ở Việt Nam, nhưng vấn đề là có hay không sự sàng lọc mang tính cạnh tranh lành mạnh. Do vậy, tất cả mọi người cùng có nhận thức chung về xu hướng này và các chính sách nhà nước cũng nên tập trung vào xu hướng tất yếu chứ không nên có những chính sách duy ý chí, đi ngược lại quá trình phát triển. Vấn đề là nuôi dưỡng môi trường cạnh tranh để ngăn ngừa rủi ro độc quyền rất dễ diễn ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét