NLĐO - Dự kiến cả năm 2016, kiều hối về Việt Nam khoảng 9-9,5 tỉ USD, giảm khá mạnh so với những năm trước
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM cho biết tính đến cuối tháng 11-2016, lượng kiều hối về TP đạt khoảng 4,3 tỉ USD và ước tính cả năm sẽ đạt khoảng 5 tỉ USD, giảm khoảng 500 triệu USD so với năm ngoái.
Lần đầu tiên giảm
Trên cả nước, tổng lượng kiều hối về Việt Nam năm 2016 dự kiến chỉ đạt khoảng 9 tỉ USD, thấp hơn khá nhiều so với dự báo hồi đầu năm là 11-12 tỉ USD. Nếu con số này thành hiện thực thì đây sẽ là năm đầu tiên Việt Nam có lượng kiều hối giảm so với năm trước đó.
Năm ngoái, theo một báo cáo của NH Thế giới (WB), Việt Nam đã đón khoảng 12,2 tỉ USD kiều hối và đứng thứ 11 trên thế giới, xếp thứ 3 khu vực Đông Á - Thái Bình Dương trong danh sách các nước nhận kiều hối nhiều nhất. Giai đoạn từ 2012-2014, tổng lượng kiều hối về Việt Nam ở mức 10-12 tỉ USD/năm.
Lãnh đạo một NH cổ phần quy mô lớn tại TP HCM cho biết lượng kiều hối về qua kênh NH thương mại gần đây không khởi sắc và tình hình đến cuối năm cũng tương tự. Một phần do nhiều nước sở tại siết quy định đối với các công ty kiều hối (yêu cầu chứng minh thu nhập, nguồn gốc kiều hối, kiểm tra tiền mặt chặt chẽ hơn...) nên người Việt chuyển kiều hối về không đơn giản như trước.
Đáng lưu ý, lượng kiều hối từ Mỹ về Việt Nam - chiếm khoảng 60% tổng kiều hối từ khắp các thị trường - lại giảm mạnh và chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đang ảnh hưởng đến dòng kiều hối chuyển về Việt Nam. Hiện mức lãi suất cơ bản của đồng USD tại Mỹ là 0,5%-0,75%. FED dự kiến sẽ có thêm 3 lần điều chỉnh lãi suất trong năm 2017 và những năm tiếp theo khiến đồng USD trở nên hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, việc tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng khiến việc chuyển kiều hối từ Mỹ về Việt Nam để đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh nhằm đón đầu được cân nhắc, tính toán thận trọng hơn.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong phân tích nguồn kiều hối từ Mỹ chiếm khoảng 60% tổng kiều hối từ hơn 4 triệu người Việt sinh sống và làm việc ở 187 quốc gia trên thế giới. Kiều hối từ Mỹ giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng lượng kiều hối về nước ta. Trong khi đó, chính sách hạ lãi suất tiền gửi USD về 0% của NHNN và cơ chế tỉ giá trung tâm cũng phần nào ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của đồng USD ở thị trường Việt Nam.
“Năm 2016, lãi suất tiền gửi USD ở Mỹ tăng, trong khi Việt Nam vẫn giữ mức 0% và tỉ giá USD/VNĐ biến động hằng ngày theo thị trường. Điều này đồng nghĩa cơ hội khai thác chênh lệch lãi suất đồng USD giữa thị trường trong nước và nước ngoài mất đi, thu hẹp lượng ngoại tệ - kiều hối về Việt Nam. Trong khi đó, dòng ngoại tệ không nhỏ chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài lại có sự gia tăng” - TS Nguyễn Minh Phong lo ngại.
Đã đến lúc tăng lãi suất USD?
Theo thống kê, trung bình hơn 70% lượng kiều hối đi vào sản xuất - kinh doanh, khoảng 20% đổ vào thị trường bất động sản. Vì thế, nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối nhiều năm nay trở thành nguồn vốn quan trọng để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, hỗ trợ dự trữ ngoại hối...
Thực tế, theo lãnh đạo một số NH thương mại, bên cạnh việc gửi cho người thân, phần lớn dòng kiều hối đổ về Việt Nam mỗi năm là để tận dụng cơ hội đầu tư sản xuất - kinh doanh, gửi NH hưởng lãi suất... Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, lãi suất tiền gửi USD được điều chỉnh về 0%/năm và cơ hội kinh doanh cũng không như kỳ vọng khiến dòng kiều hối giảm sút.
Ông Ngô Đăng Khoa, Trưởng Phòng Kinh doanh ngoại hối và trái phiếu NH HSBC Việt Nam, nhìn nhận chính sách đưa lãi suất tiền gửi USD về 0% của NHNN là nhằm chống tình trạng đô-la hóa. Dù vậy, một bộ phận người dân vẫn găm giữ ngoại tệ ở nhà thay vì gửi NH do không được lãi suất. Trong bối cảnh các NH thương mại vẫn đang cho vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu khá lớn của người dân và doanh nghiệp, NHNN cũng nên xem xét điều chỉnh chính sách để tăng cường nguồn cung.
Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT NH TMCP Liên Việt (LienVietPostBank), việc áp dụng lãi suất huy động USD 0%/năm thời gian qua khiến các khoản tiền gửi ngoại tệ được chuyển về dạng không kỳ hạn, tiền gửi thanh toán. Chưa kể, một lượng ngoại tệ trôi nổi ngoài thị trường, đem về nhà cất của một bộ phận người dân không gửi vào NH.
Do đó, đưa lãi suất USD lên khỏi mức 0% là điều cần được xem xét lúc này, có thể ở mức 0,5%/năm và ưu tiên nguồn huy động trung - dài hạn. Quan trọng hơn, nâng lãi suất USD sẽ tạo động lực kéo nguồn ngoại tệ nhàn rỗi từ trong dân trở lại hệ thống NH, đủ hấp dẫn để tiếp tục thu hút lượng kiều hối về Việt Nam và tránh tình trạng đem ngoại tệ ra gửi ở nước ngoài.
***
Tín dụng ngoại tệ tăng mạnh
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng ngoại tệ tính đến cuối tháng 10-2016 tăng 4,4% so với cuối năm ngoái, trong khi cùng kỳ giảm tới 9%. Cầu ngoại tệ sẽ còn tăng lên khi các doanh nghiệp được vay ngoại tệ trong ngắn hạn nhằm thực hiện phương án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu đến hết năm 2017. Các chuyên gia và lãnh đạo NH thương mại dự báo nhiều khả năng lãi suất cho vay USD sẽ tăng trong thời gian tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét