Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Trung ương, tỉnh, huyện, xã: Cả 4 cấp thu thuế phí DN

Phạm Huyền

VNN - Theo báo cáo Môi trường kinh doanh 2016, Ngân hàng Thế giới công bố tỷ lệ huy động thuế phí ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận. Tức là làm được 10 đồng, nộp thuế 4 đồng. Đây là một gánh nặng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phản bác điều này, Bộ Tài chính vừa công bố toàn cảnh về "gánh nặng thuế, phí" mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải nộp vào ngân sách với kết luận rằng, các mức thuế phổ biến hiện nay là thấp và đang giảm dần. Đáng chú ý, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT thấp hơn nhiều nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan...

Thuế, phí thấp hơn cả Ấn Độ, Indonesia

Trong bản phân tích về mức độ động viên thuế phí vào ngân sách được đưa ra chiều 28/2, Bộ Tài chính cho hay, tỷ trọng tổng số thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) trên GDP của Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015 khoảng 23,3%. Trong đó, tỷ lệ động viên từ thuế, phí khoảng 20,9% GDP. 

Trong khi đó, tỷ trọng tổng số thu NSNN trên GDP của một số nước trong khu vực giai đoạn này như Thái Lan là 23%, Indonesia là 16,6%, Lào 23,4%, Malaysia là 24,5%, Ấn Độ là 19,5%... 

Theo so sánh này, tỷ lệ huy động thuế phí ở Việt Nam thấp hơn Thái Lan, Lào, Malaysia và chỉ cao hơn Ấn Độ, Indonesia. 

Tuy nhiên, Bộ Tài chính giải thích, hầu hết các nước khi tính thuế, phí như trên đều không tính đến các khoản "thu từ vốn", các khoản thu không mang tính chất động viên từ hoạt động kinh tế trong khi ở Việt Nam, vẫn tính gộp các khoản đặc thù này. Đó là khoản thu từ dầu thô- nguồn thu từ vốn tài nguyên, thu từ tiền sử dụng đất- nguồn thu từ tài sản đất đai... Ngoài ra, số thu ngân sách từ thuế, phí của nhiều nước thường chỉ là số thu của ngân sách trung ương, ở Việt Nam bao gồm cả 4 cấp từ trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Với nội hàm về "thu ngân sách" khác biệt như vậy nên việc so sánh mức độ huy động thuế, phí ở Việt Nam so với các nước chỉ mang tính tương đối. 

Chẳng hạn, nếu tính theo cách tính đồng nhất với các nước thì tỷ lệ huy động thuế, phí ở Việt Nam còn thấp hơn nhiều nữa so với các nước. Cụ thể như, nếu loại trừ thu từ dầu thô, mức thuế, phí chung ở Việt Nam chiếm khoảng 17,2% GDP. Nếu tiếp tục loại trừ thu từ tiền sử dụng đất thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam vào khoảng 15,6% GDP, nghĩa là thấp nhất trong 5 nước kể trên, thấp hơn cả Ấn Độ và Indonesia.

Giảm thuế này, tăng thuế kia

Điểm lại 9 khoản thuế hiện nay, Bộ Tài chính cho rằng, tỷ lệ huy động vào ngân sách từ các sắc thuế chính ở mức thấp và đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần.

Ví dụ, thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm tới 12% trong vòng 15 năm qua và hiện chỉ còn 20% từ 1/1/2016. Mức này thấp hơn mức bình quân chung 27% của 83 nước trên thế giới, thấp hơn mức 30% của Philipines, Thái Lan hay Trung Quốc là 25%, Malaysia 25%. 

Tương tự, thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam hiện nay phổ thông là 10%, bằng với Lào, Philippines, Indonesia, Campuchia, chưa kể nhiều mặt hàng áp dụng 5%. Nghiên cứu 112 nước trên thế giới thì có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25%, trong số này, 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25% và 24 còn lại có mức 10% ngang với Việt Nam hiện nay. Riêng Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%, cao hơn nhiều so với Việt Nam. 

Cùng đó, kể từ năm 2007 đến nay tỷ trọng thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong tổng thu NSNN giảm từ bình quân 9,51% giai đoạn 2005 -2010 giảm xuống còn bình quân 8,31% giai đoạn 2011-2014 do thực hiện cắt giảm theo các cam kết quốc tế. 

Ngoài ra, hàng loạt các khoản thu khác ở khu vực nông nghiệp, nông thôn hay hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn đã được Bộ này miễn, giảm nhiều. 

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận rằng, các khoản thuế khác lại tăng lên với nhiều lý do khách quan hoặc theo thông lệ quốc tế. 

Ví dụ như thuế TTĐB tăng lên chỉ áp dụng cho những chủng loại hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích như thuốc lá, rượu bia, mang tính nhạy cảm như kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke, casino hoặc cho những bộ phận có thu nhập cao như ô tô, chơi gôn, hay như thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thuế môi trường đối với khoáng sản.

Đặc biệt, Bộ này cũng nhấn mạnh, xu hướng các nước đều đã sử dụng chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế tài nguyên thay thế cho thuế xuất - nhập khẩu phải cắt giảm theo các cam kết quốc tế. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cũng khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để bù đắp cho các phương án cắt, giảm thuế này theo các cam kết quốc tế. 

Riêng các khoản "thuế" mà tổ chức quốc tế như IFC, Ngân hàng Thế giới đưa ra như phí bảo hiểm xã hội và các khoản phí đóng cho người lao động, Bộ Tài chính cho biết, đây là khoản đóng góp vì an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động nên đều tính vào chi phí được trừ khi doanh nghiệp xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, theo báo cáo Môi trường kinh doanh 2016, Ngân hàng Thế giới công bố tỷ lệ huy động thuế phí ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận, là một gánh nặng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Các phân tích của Bộ Tài chính ở trên lại không đưa ra dữ liệu so sánh tương đồng giữa tỷ lệ thuế phí với lợi nhuận doanh nghiệp. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét