VTC - Thanh tra Chính phủ đang kiến nghị xử lý Petrolimex với số tiền 1.191 tỷ đồng và hơn 310.000 USD do các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, sử dụng đất và kinh doanh của tập đoàn này.
Trong kết luận thanh tra tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ngày 5/6/2015, Thanh tra Chính phủ cho biết đã thực hiện việc kiểm tra tại tập đoàn này từ ngày 26/12/2013 đến 17/6/2014. Theo đó, Petrolimex đã vi phạm nhiều quy định trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản và cổ phần hóa doanh nghiệp; quản lý hoạt động kinh doanh của công ty mẹ và các công ty thành viên, cũng như quản lý đầu tư xây dựng, sử dụng đất trong suốt thời gian từ năm 2010 đến hết quý II/2013.
Cụ thể, trong hoạt động kinh doanh, Petrolimex nhiều lần không tuân thủ yêu cầu điều chỉnh giá theo đúng quy định trong Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, cũng như văn bản yêu cầu của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Tháng 9/2008, Bộ Công Thương đã có quyết định bãi bỏ việc phân vùng địa bàn và giá bán lẻ vùng 2. Tuy nhiên, đến tháng 9/2009, Petrolimex lại ban hành quyết định để tiếp tục phân vùng, với giá bán lẻ chênh lệch 2%.
Trong thời gian áp dụng quy định này (từ tháng 1/2/2010 đến tháng 6/2013), tính theo mức tăng 2% của sản lượng tiêu thụ thực tế, doanh thu vùng 2 của tập đoàn tăng gần 2.800 tỷ đồng. Theo kết luận thanh tra, việc tập đoàn định giá bán lẻ cao hơn giá do liên Bộ điều hành là chưa đúng thẩm quyền, chưa thực hiện đúng quy định trong Pháp lệnh giá.
Cũng trong thời gian này, công ty mẹ Petrolimex điều chỉnh giá bán nội bộ làm tăng doanh thu, lợi nhuận với số tiền gần 150 tỷ đồng, và điều chỉnh giám giá bán khiến doanh thu, lợi nhuận giảm tương ứng gần 770 tỷ đồng. Trong một vài đợt điều chỉnh giá bán nội bộ mặt hàng xăng RON 92 từ tháng 8/2011 đến tháng 12/2012, tập đoàn này nhiều lần tăng giảm trái ngược với yêu cầu của liên bộ Tài chính - Công Thương, dù số liệu tính toán xác định giá bán nội bộ của chính Petrolimex là không có cơ sở.
Ngoài ra, định mức chi phí hao hụt xăng dầu do tập đoàn xây dựng ban hành luôn cao hơn con số thực tế từ 35 đến 48%. Điều này dẫn tới lượng xăng dầu thừa theo phương pháp quản lý trên tăng dần qua các năm, và công ty mẹ phải mua lại từ các thành viên với giá trị từ 36 đến hơn 126 tỷ đồng. Trong khi đó, các công ty thành viên sẽ nhận được phí hàng gửi từ công ty mẹ, khiến hiệu quả kinh doanh của công ty mẹ giảm.
Với chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm xăng dầu về tới cảng Việt Nam tính bình quân theo sản lượng và đơn giá thực tế của từng chuyến tàu trong quý I/2010 cho thấy, Petrolimex hạch toán vào giá cơ sở cao hơn so với chi phí thực tế. Trong khi đó, tập đoàn lại không đưa được cơ sở số liệu để tính toán, xác định các mức chi phí trên. Từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013, các chi phí này được đưa vào giá cơ sở theo mức cố định cao hơn thực tế tới 67,6 triệu USD, dẫn đến tăng giá bán, làm lợi cho thương nhân và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Việc thuê tàu theo giá định hạn và Petrolimex thường làm cũng khiến chi phí vận chuyển gia tăng hơn so với phương án thuê chuyến thông thường. Hơn nữa, khi cùng sử dụng dịch vụ của Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu Vipco, so sánh với các đơn vị kinh doanh khác, giá thuê của Petrolimex luôn cao hơn.
Báo cáo kết luận thanh tra cũng cho thấy, trong các hoạt động khác như chi trả tiền lương, trích quỹ Bình ổn giá, đầu tư xây dựng, chuyển nhượng nhưng không đấu giá, đầu tư tài chính thiếu hiệu quả, gây thất thoát chưa thu hồi được hàng tỷ đồng tiền vốn...
Trước những vi phạm trên của Petrolimex, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý 1.191 tỷ đồng, và 310.000 USD. Đồng thời, cơ quan thanh tra cũng yêu cầu Bộ Công Thương xác định, truy thu thuế với 319.5 tấn dầu diesel đã bán tái xuất không đúng đối tượng.
Petrolimex cũng được yêu cầu trích bổ sung Quỹ bình ổn gần 5 tỷ đồng, xác định lại hơn 53,7 tỷ đồng dự phòng giảm giá đầu tư, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đúng quy định hơn 622 tỷ đồng. Tập đoàn phải xây dựng lộ trình thu hồi vốn kinh doanh cho vay xây dựng, cũng như thu hồi các khoản nợ phát sinh khác.
Nguồn: Zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét