Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Sao Bộ Công Thương chỉ ưu ái cho Hoà Phát?

Hương Xuân

TGTT - “Sau khi có lệnh của Bộ Công thương, Hoà Phát đã lên giá ngay, bất chấp lời khuyên của tổng công ty Thép, gây thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng, nhất là ngành bất động sản, làm tổn thương năng lực cạnh tranh quốc gia”.

Ngay sau khi Bộ Công Thương công bố quyết định áp thuế tạm thời với phôi thép nhập khẩu, giá thép trong nước đã tăng liên tục từng ngày, có ngày tăng hai – ba giá.

Ngày 16/3, giá thép cuộn bán ra 11,8 triệu đồng/tấn vào đầu giờ sáng, lên 12 triệu đồng/tấn vào buổi trưa và 12,5 triệu đồng/tấn vào đầu giờ chiều theo báo Tuổi Trẻ.

“Chỉ cần một văn bản, Bộ Công thương “biến” Hoà Phát thành doanh nghiệp thép hạnh phúc nhất Việt Nam” (CafeF), “ Bộ Công thương cứu ngành thép, Hoà Phát như hổ mọc cánh”, “Thép Hoà Phát bị tố hưởng lợi từ chính sách” (Đầu Tư)… là những tiêu đề báo chí gây sốt trong ngành thép mấy ngày qua.

Từ chính sách cấm xuất khẩu quặng?

Trong khi các doanh nghiệp ngành thép đang lao đao thì Hoà Phát vẫn tăng trưởng và lãi lớn nhờ chính sách cấm xuất khẩu quặng.

Cách đây không lâu, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thép có tên tuổi, như công ty Thép Pomina, công ty Thép Tây Đô, công ty sản xuất Thép Úc SSE, công ty TNHH Thép Shengli, công ty TNHH Thép Vinakyoei, công ty CP sản xuất Thép Việt Đức, công ty CP Thép Việt Ý, công ty TNHH Thép VSC – Posco, công ty TNHH Thép Việt Pháp, công ty CP Thép Thái Bình Dương, công ty CP Thép Dana Ý, đã đồng lòng ký tên vào bản kiến nghị gửi chủ tịch hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) về chủ trương cấm xuất khẩu quặng sắt đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của các doanh nghiệp ngành thép.

Các doanh nghiệp sản xuất thép trên cho rằng, chính sách này chỉ tạo cơ hội cho duy nhất một doanh nghiệp là Hoà Phát tăng trưởng, trong khi hàng loạt doanh nghiệp khác lao đao.

Theo bản kiến nghị, việc dừng xuất khẩu quặng sắt đã đẩy giá quặng trong nước từ 2.200 đồng/kg xuống còn 1.200 đồng/kg, chỉ bằng 1/2 giá quặng sắt thế giới.

Việc chênh lệch giá quá lớn này vô hình trung đã khiến cho hàng loạt các mỏ khai thác quặng lao đao, và tạo cơ hội cho duy nhất một doanh nghiệp hiện đang đầu tư vào công nghệ lò cao hưởng lợi là Hoà Phát.

Vừa đề nghị không cho xuất khẩu quặng sắt, Hoà Phát đồng thời cam kết mua toàn bộ quặng sắt đã qua chế biến với giá bằng hoặc cao hơn giá xuất khẩu, nhưng sau đó lại ép giá quặng xuống, chỉ bằng một nửa so với giá thế giới, ngang nhiên đi ngược lại với cam kết ban đầu.

Tại sao một quyết định quan trọng, liên quan đến sinh mệnh của toàn ngành thép lại chỉ dựa vào cam kết của một doanh nghiệp là công ty CP Thép Hoà Phát?

Tại sao lại xác định cả nước chỉ có Hoà Phát tiêu thụ quặng lớn nhất, để từ đó phải ban hành một chính sách để giành hết quặng cho Hoà Phát?

Các cơ quan chức năng, tham mưu có biết trước hệ quả từ hiện tượng độc quyền, “một mình một chợ” sẽ dẫn đến ép giá, nhưng vẫn đề xuất Chính phủ ban hành?

Những câu hỏi nói trên đến nay chưa có lời giải đáp, nhưng thực tế đã chứng minh, khi có trong tay chủ trương không xuất khẩu quặng, Hoà Phát đã lập tức ép giá quặng xuống chỉ bằng một nửa so với thế giới, ngang nhiên đi ngược lại với cam kết ban đầu!

Tính theo giá quặng thị trường trong nước và thế giới, cứ mỗi năm nguồn thu của Nhà nước mất đi hơn 5.000 tỉ đồng từ chênh lệch giá này, và đơn vị hưởng lợi duy nhất là Hoà Phát, khi sử dụng 2.000.000 tấn quặng/năm.

Đến biện pháp tự vệ tạm thời với phôi thép và thép dài

Việc bộ Công thương đã ra văn bản áp dụng với mức thuế tương đối là 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài, áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày.

Quyết định đã giúp “ông lớn” Hoà Phát được lợi hơn cả. “Với mức thuế tự vệ này, Hoà Phát có thể ví như là hổ mọc thêm cánh” (bình luận của CafeF).

Với quy định trên, Hoà Phát sẽ giảm bớt sự cạnh tranh của thép nhập khẩu, vốn là doanh nghiệp cung cấp phôi thép cho nhiều doanh nghiệp nội không tự chủ được phôi, Hoà Phát sẽ có thể tăng cả giá bán lẫn sản lượng bán hàng.

Ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc công ty Thép Pomina nói: “Tôi có cảm giác Hoà Phát không bao giờ chịu cạnh tranh tương đương, bình đẳng và minh bạch với doanh nghiệp khác.

Vào TPP là phải tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh. Nhưng những quyết định gần đây của Bộ Công Thương khiến các doanh nghiệp lớn của ngành thép rất lo ngại. Vừa rồi tôi và nhiều doanh nghiệp thép khác có làm đơn gửi Thủ tướng, Bộ Chính trị về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh này.

Làm vậy là giết chết hết các doanh nghiệp thép phía Bắc, chủ yếu là các nhà máy không sản xuất phôi. Áp thuế phòng vệ thương mại theo đề xuất của các chuyên gia kinh tế Fulbright từ 10 – 15% là đủ để bảo vệ rồi. Ngay ở giá thấp nhất Pomina khẳng định hoàn toàn có thể cạnh tranh. Khi vào TPP, cách chuẩn bị không công bằng cho người có tài đi trước, thì tất nhiên doanh nghiệp sẽ không đầu tư phát triển dựa vào nội lực.

Sau khi có lệnh của Bộ Công thương, Hoà Phát đã lên giá ngay, bất chấp lời khuyên của tổng công ty Thép, gây thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng, nhất là ngành bất động sản, làm tổn thương năng lực cạnh tranh  quốc gia.

Họ phát triển doanh nghiệp chủ yếu dựa vào ưu đãi chính sách, mua đứt nhà làm chính sách.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét