TGTT - “Gạo Việt Nam năm nay trồng trọt không dễ dàng vì hạn và mặn nặng, nhưng coi chừng Trung Quốc đang thiếu gạo, hoặc họ biết gạo Việt Nam đang thiếu nên sang đây mua ồ ạt, gây rối cho Việt Nam”.
Việt Nam đang chuẩn bị ký lại hiệp định thương mại biên giới với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần nhìn nhận đánh giá lại vấn đề buôn bán tiểu ngạch (đặc biệt là nông sản) mà lâu nay phía Việt Nam chịu nhiều thiệt hại.
Thế Giới Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề này.
– Thưa bà, chúng ta cần lưu ý những gì khi ký lại hiệp định thương mại biên giới với Trung Quốc? Về tổng thể, cần có những giải pháp gì để chuyển dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch?
– Chuyện thực tế ai cũng biết, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc rất phức tạp, có những cái không mang tính thương mại thuần tuý, mà nghiêng về chính trị, ngoại giao…
Vì thế quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc không bình đẳng, chuyện Việt Nam không có thế mặc cả tốt với Trung Quốc là có thể hiểu được.
Thứ hai, bộ máy về quản lý thương mại của Việt Nam rõ ràng yếu so với bộ máy tương ứng của Trung Quốc. Có những điều lẽ ra phải thương lượng thẳng thắn là đúng, mình lại không có năng lực làm việc ấy, chịu thua thiệt từ đầu.
Hiểu sức mạnh mỗi bên trong câu chuyện làm ăn kinh tế, lấy cái gì là thế mạnh để mặc cả cái gì… là chuyện bình thường ở các nước.
Ví dụ như quan hệ thương mại giữa Canada – Mỹ, Canada đã mặc cả rất hay về tiêu thụ gỗ. Người Canada biết Mỹ có rất nhiều hàng rào nhưng vẫn vượt qua được và có thế mặc cả rất tốt, bởi họ hiểu rằng Mỹ cần gỗ của Canada.
Mặc dù trong tình hình hiện nay người mua có vị thế nhiều hơn người bán, nhưng trong những mặt hàng chiến lược, các quan chức bộ Công thương phải tính toán thấu đáo.
Rất tiếc họ dường như chưa tính ra được, hoặc họ có tính không chưa biết nhưng chưa thấy công bố để doanh nghiệp và người dân được biết.
– Liệu Nhà nước có thể áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đối với một số ngành hàng lớn (gạo, cao su, thuỷ sản) – chỉ cho phép xuất chính ngạch đối với những ngành hàng này? Kịch bản của chuyện cấm này sẽ là gì? Điều gì sẽ xảy ra, và sẽ phải giải quyết như thế nào?
– Khu vực Vân Nam chẳng hạn rất thiếu thuỷ sản, chăn nuôi, nhập từ Việt Nam là hoàn toàn có lợi cho họ. Trái cây Việt Nam như vải, xoài ở Trung Quốc không có nguồn cung nội địa, nguồn hàng Việt Nam sang là rất lớn, mình phải có cách thức làm ăn mới với Trung Quốc ở những ngành hàng lớn.
Với doanh nghiệp, lâu nay trừ một số ít ở thế chủ động, còn đại đa số vẫn ở thế bị động quá, muốn vào thị trường dễ tính, phương thức dễ dãi thì sẽ gặp phải cách đối xử tương ứng như thế thôi.
Nếu doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc với doanh nghiệp Trung Quốc bằng cung cách làm ăn bài bản thì vị thế của chúng ta sẽ hoàn toàn khác. Rất tiếc Việt Nam thiếu lực lượng doanh nghiệp muốn làm ăn với Trung Quốc bài bản, sòng phẳng.
Phải đặt ra câu hỏi ngược là tại sao đội ngũ kinh doanh bài bản sang Trung Quốc còn ít quá, không dẫn dắt được thị trường nông, thuỷ, hải sản? Nếu giữ y như cách họ tuồn hàng sang mình thì hàng kẹt ở biên giới, người làm ngay ngắn thì lại bị oan.
Về phía người kinh doanh phải tính lại, tự khắc sẽ buộc người sản xuất phải thay đổi cung cách trồng trọt, chăn nuôi. Những người mang hàng đi phải hướng dẫn cho nông dân, cách làm sẽ khác đi khi nhà kinh doanh kiên quyết không mua hàng kém chất lượng.
Nếu những người kinh doanh Việt Nam tạo cho nông dân thói quen hàng nào cũng bán đi được thì không thể cải thiện tình hình, và tất yếu sẽ bị các thương lái Trung Quốc dẫn dắt, lừa đảo.
– Buôn bán biên giới là thực tại khách quan. Vậy phải làm gì trước chính sách cấm biên liên tục thay đổi của phía Trung Quốc khiến hàng hoá của Việt Nam ứ đọng ở các cửa khẩu? Liệu Việt Nam có thể có chính sách điều tiết được lượng hàng hoá ra biên giới không?
– Trong quan hệ với Trung Quốc, phải xem lại, đàm phán lại thương mại biên giới. Một số sản phẩm không chấp nhận biên mậu là cần.
Gạo Việt Nam năm nay trồng trọt không dễ dàng vì hạn và mặn nặng, nhưng coi chừng Trung Quốc đang thiếu gạo, hoặc họ biết gạo Việt Nam đang thiếu nên sang đây mua ồ ạt, gây rối cho Việt Nam.
Dứt khoát mặt hàng gạo con đường đi vẫn qua biên giới nhưng không phải biên mậu. Cao su, thuỷ sản cũng vậy. Phải siết lại nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp.
Trong khi nông nghiệp Việt Nam phải nâng chất lượng, không chạy theo năng suất, để được trả giá cao hơn, vẫn có một bộ phận nông nghiệp phun bừa bãi thuốc, hy vọng tiêu thụ được ở Trung Quốc và trong nước hứng chịu.
Về chính sách, đàm phán phải cả hai chiều, Việt Nam nên đưa ra những mặt hàng khống chế qua biên mậu. Chiều nhập khẩu cũng vậy, không chấp nhận qua biên mậu những mặt hàng kém chất lượng.
Nhà nước cũng rất cần bàn lại với các doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc, lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp về cách làm thế nào với gạo, có cam kết riêng với Trung Quốc, đừng để ảnh hưởng đến thị trường khác và thị trường nội địa.
Nếu Nhà nước thoả thuận mà doanh nghiệp lại “đi đêm” với Trung Quốc thì hỏng cả. Doanh nghiệp là đầu mối tiêu thụ nông sản cho nông dân, phải đi cùng lợi ích chung, đừng vì lợi ích trước mắt gây khó cho ngành hàng về lâu về dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét