TNO - Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội những ngày cuối tháng 11 luôn trong tình trạng quá tải. Những người đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp ngồi kín chỗ. Ai cũng vội vã, căng thẳng, muốn nhanh chóng giải quyết thủ tục.
Khác với năm trước, lao động thất nghiệp không chỉ có công nhân, lao động trẻ thiếu kinh nghiệm mà ngay cả những người có kinh nghiệm, bằng cấp cao, từng có mức lương thuộc hạng khá, giờ cũng trong dòng người xếp hàng chờ đến lượt đăng ký thất nghiệp.
Thu Linh, nhân viên ngân hàng có trụ sở ở quận Đống Đa ngậm ngùi: “Làm ngân hàng ai cũng nghĩ lương cao, thu nhập ổn định, nhưng đó là chuyện của vài năm trước. Bây giờ, công việc này áp lực kinh khủng. Nếu nhân viên không tìm kiếm được khách hàng mới, thì lương thưởng bị cắt giảm liên tục. Tôi làm không đủ chỉ tiêu, vậy là bị… "out".
Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Xuân Lâm, ở quận Nam Từ Liêm cho biết, từng làm việc cho công ty tư vấn xây dựng 5 năm với lương trên 10 triệu/tháng. Gần đây, do làm ăn thua lỗ, nợ nần, công ty bị phá sản, anh và gần chục lao động lâm vào cảnh thất nghiệp.
“Chẳng ai muốn lại có ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhất là thời điểm cuối năm, Tết đến gần. Là trụ cột chính trong gia đình, tôi đang cố gắng xoay xở tìm việc mới, nhưng người nhiều, việc ít nên tìm việc khó hơn thi đại học!”.
3.000 người thất nghiệp mỗi tháng
Theo bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội), nếu những tháng đầu năm, con số người thất nghiệp đến đăng ký ở mức trên 2.000 thì từ cuối quý 3, đầu quý 4, số người thất nghiệp luôn ở mức trên 3.000. Cụ thể, tháng 8 là 3.631 người, tháng 10 là 3.157 người, tháng 11 là 3.116 người.
“Thông thường những năm trước, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất rơi vào tháng 3 - 4, là thời gian sau Tết, các doanh nghiệp thường biến động về nhân sự, cắt giảm lao động. Tuy nhiên, chưa bao giờ lên cao hơn mức 2.500 người/tháng. Con số 3.000 người/tháng là con số tăng kỷ lục từ trước đến nay và trong nhiều tháng liền. Cứ đà này, dự báo cả năm nay, con số thất nghiệp có thể lên tới 34.000 người”, bà Loan nhận định.
Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp năm nay đã tăng 20%. “Năm nay, phần lớn số lao động đăng ký thất nghiệp là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do phải cơ cấu lại sản xuất, đổi mới dây chuyền trang thiết bị công nghệ nên họ buộc phải cắt giảm nhân sự”, ông Phong cho biết.
Đáng chú ý, theo ông Phong, năm nay, số lao động có hộ khẩu Hà Nội đi làm việc ở các tỉnh mất việc làm, quay về Hà Nội hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng gia tăng. Số liệu 10 tháng đầu năm, có khoảng 2.000 người trên tổng số 28.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ông Phong cũng cho biết, để giải quyết ùn tắc, quá tải, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động làm bảo hiểm thất nghiệp, từ tháng 7.2014, trung tâm đã đưa vào hoạt động dịch vụ công một cửa. Khi chưa có bộ phận này, người lao động phải đi qua nhiều “cửa” của trung tâm, mất nhiều thời gian để nhận kết quả. Bây giờ, thủ tục khá rõ ràng, lao động chỉ cần đến một cửa, được cán bộ hướng dẫn lấy số thứ tự, ngồi chờ giải quyết. Quy trình giải quyết bảo hiểm thất nghiệp được rút ngắn xuống còn 17 ngày, thay vì 20 ngày như trước đây. Ngoài ra, trung tâm cũng mở rộng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại 6/9 điểm tiếp nhận trên địa bàn thành phố. Nhờ đó, đã giải quyết tốt những phát sinh trong quá trình triển khai thủ tục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét