Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

Không thể “câu giờ” hơn nữa với các DNNN

Phan Minh Ngọc

(TBKTSG) - Trong “Báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước” do Chính phủ báo cáo Quốc hội, có những con số “khổng lồ” về quy mô nợ phải thu và nợ phải trả.

Cụ thể, nợ phải trả của 119 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là các tập đoàn, tổng công ty và công ty mẹ lên tới 1.567.063 tỉ đồng tính đến năm 2014 (tăng 8% so với năm 2013). Ngoài ra, 662 DNNN là các công ty TNHH một thành viên độc lập với tổng nợ phải trả là 173.312 tỉ đồng (tăng 74% so với năm 2013). Như vậy, tổng nợ phải trả của 781 doanh nghiệp Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ này đã lên tới 1.740.375 tỉ đồng, tăng 12,2% so với năm 2013.

Với nhiều người, các con số ngàn và triệu tỉ đồng này hơi khó đọc và khó hình dung vì chúng có quá nhiều chữ số. Nhưng chỉ cần biết rằng con số 1.740.375 tỉ đồng tổng nợ phải trả này tương đương với 44,2% GDP tính bằng tiền đồng theo giá hiện hành của Việt Nam năm 2014 là cũng đã đủ thấy quy mô của gánh nặng nợ này lớn đến đâu.

Còn để biết được khả năng trả nợ thì so con số tổng nợ này với lợi nhuận trước thuế cộng gộp của 781 doanh nghiệp (187.699 tỉ đồng). Tổng số nợ phải trả lớn gấp 9,3 lần tổng lợi nhuận trước thuế! Như vậy, dù có dùng toàn bộ lợi nhuận thu được (chưa trừ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi tức phân phối cho cổ đông, tức ngân sách) thì các DNNN sẽ phải mất gần 10 năm chỉ để trả hết nợ, giả sử tình hình sản xuất kinh doanh không thay đổi và doanh nghiệp không phải vay nợ thêm trong thời gian đó.

Chưa hết, theo báo cáo trên, tổng số nợ phải thu chỉ riêng của 119 DNNN là các tập đoàn, tổng công ty và công ty mẹ - công ty con là 293.617 tỉ đồng (trong đó đến 13.570 tỉ đồng được xác định là nợ phải thu khó đòi, tức hầu như là mất vốn). Nếu tình hình sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục gặp khó khăn, tình hình chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các DNNN và giữa DNNN với các doanh nghiệp phi nhà nước vẫn tiếp tục gia tăng thì chất lượng tài sản của các DNNN sẽ tiếp tục đi xuống và, ngược lại, gánh nặng nợ phải trả sẽ càng nặng thêm.

Xét về cơ cấu nợ, 119 DNNN nói trên có tổng nợ nước ngoài là 381.419 tỉ đồng, bằng 24,3% tổng nợ phải trả của chúng (tương đương hơn 17 tỉ đô la Mỹ theo tỷ giá hiện hành, hoặc khoảng phân nửa dự trữ ngoại hối của Việt Nam).

Tuy báo cáo không cho biết tốc độ gia tăng nợ nước ngoài so với các năm trước nên khó đánh giá được mức độ gia tăng rủi ro về cơ cấu đồng tiền trả nợ, nhưng ít ra cũng có thể nói rằng con số 24,3% này không phải là con số nhỏ, đặc biệt khi xét đến cơ cấu nguồn thu của các DNNN có một tỷ trọng chi phối là bằng tiền đồng.

Một trong những lý do chắc chắn cho tình trạng vay nợ nước ngoài nhiều như vậy là vay nước ngoài dễ hơn (vay qua Chính phủ, do Chính phủ bảo lãnh) và với lãi suất thấp hơn đi vay trong nước. Như vậy, lợi ích mà các DNNN được hưởng này đã trở thành gánh nặng cho Ngân hàng Nhà nước khi phải đảm bảo nguồn cung ngoại tệ cho các DNNN trả nợ vay nước ngoài, và điều này là một trong những nguyên nhân cho sự chao đảo về tỷ giá trong những năm qua kéo dài đến hiện nay và sẽ tiếp diễn trong thời gian tới (ở quy mô lớn hơn).

Cũng cần lưu ý rằng tuy báo cáo mới chỉ nêu về vay nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh của các tập đoàn và tổng công ty nhưng con số này cũng đã là 124.104 tỉ đồng (không tính phần bảo lãnh cho Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC vì trong báo cáo này không tính số liệu của SBIC), tức tương đương hơn 5,5 tỉ đô la Mỹ. So ra mới thấy rằng việc Chính phủ định phát hành 3 tỉ đô la Mỹ trái phiếu nước ngoài chỉ như một ngụm nước nhỏ giải cơn khát, chưa kể đến những nghĩa vụ bảo lãnh ngầm định khác của Chính phủ (ví dụ, không để cho DNNN phá sản, mất khả năng trả nợ, như với Vinashin).

Như vậy, mặc dù số liệu chưa đầy đủ, không đồng bộ nhưng báo cáo của Chính phủ cũng đã cho thấy các DNNN đang vay nợ quá nhiều, đặc biệt so với khả năng trả nợ. Vấn đề nợ còn trở nên nguy cấp hơn khi xét đến nghĩa vụ bảo lãnh trực tiếp và gián tiếp của Chính phủ, và tỷ trọng nợ nước ngoài trong tổng nợ của DNNN ở mức đáng quan ngại, trong khi bản thân Chính phủ cũng đang phải vật lộn với khối nợ công trong và ngoài nước lên đến trên 60% GDP (mới chỉ tính đến nghĩa vụ bảo lãnh trực tiếp cho DNNN).

Như vậy, an ninh tài chính quốc gia đang cùng lúc chịu sức ép ngày càng gia tăng đến từ không chỉ gánh nặng nợ công mà còn từ các DNNN. Do đó, điều cần phải khẩn cấp thực hiện ngay từ bây giờ là cắt giảm ngay tổng số vay nợ của khối DNNN nếu không muốn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ công hay nợ nước ngoài trong tương lai gần.

Vấn đề hiệu quả hoạt động kém, nợ nần lớn và đáng lo ngại của các DNNN không phải là vấn đề mới nảy sinh mà đã được biết đến từ vài năm trước, qua những báo cáo tương tự. Nhưng cung cách Nhà nước xử lý vấn đề cho đến nay chủ yếu vẫn chỉ là tiếp tục rót thêm vốn, bảo lãnh vay vốn, tạo thêm ưu tiên, ưu đãi, hoặc chỉ đạo hệ thống ngân hàng cho các DNNN vay. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp cực kỳ yếu kém, trên thực tế đã chết lâm sàng, để mua thêm thời gian, giúp chúng tồn tại vật vờ với hy vọng mơ hồ rằng thời thế sẽ thay đổi và nhờ phép mầu nhiệm nào đó chúng sẽ sống lại một cách khỏe mạnh (để có thể bán đi).

Như vậy, không có gì ngạc nhiên là tổng nợ của các DNNN cứ tăng mạnh hàng năm trong khi mức độ đóng góp của khu vực này vào ngân sách ngày càng giảm, hoặc nếu có tăng thì cũng không tương xứng. Xét trong bối cảnh một vài năm tới, cả trong và ngoài nước, càng không có lý do gì để hy vọng rằng các DNNN sẽ lột xác, thay da đổi thịt và hồng hào trở lại, nên sự tiếp tục đổ tiền của vào cho các DNNN đa phần sẽ là ném tiền qua cửa sổ.

Vấn đề cần nói thêm ở đây là làm thế nào để cắt giảm ngay được khối nợ của các DNNN. Chính phủ cần phải dũng cảm để nhiều DNNN phá sản và bán một phần hoặc bán toàn bộ DNNN với giá thậm chí 0 đồng mà không nên lấn cấn với những lo ngại cũ mòn như công ăn việc làm và đời sống của gia đình công nhân viên trong DNNN bị ảnh hưởng, hay nếu bán ngay thì phải bán với giá rẻ và sẽ làm “ngập lụt”thị trường, gây thất thoát tài sản nhà nước, hoặc thậm chí nếu để phá sản DNNN thì uy tín Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng...

Nếu vì lo lắng cho đời sống của gia đình vài chục ngàn công nhân viên trong các DNNN cần bị tái cơ cấu thì cũng cần phải cân nhắc đến đời sống của hàng triệu người dân khác sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp nếu ngân sách nhà nước vẫn phải trực tiếp và gián tiếp bỏ ra nhiều trăm ngàn tỉ đồng để nuôi và trả nợ thay cho các DNNN này (để rồi vẫn vô vọng).

Còn chuyện lo bán vội thì phải bán với giá rẻ, gây thất thoát tài sản nhà nước, đây phần lớn chỉ là cái cớ vì một khi DNNN đã công nợ ngập đầu thì có ai đó mua với giá 0 đồng cũng đã là quá tốt, còn hơn là Nhà nước phải tiếp tục đứng ra è cổ trả nợ thay (trong thời gian dài không xác định).

Thủ tướng chỉ đạo bán doanh nghiệp nhà nước

Ngày 27-11- 2015, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11-2015. Trong phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu phải tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu kinh tế theo tinh thần “phải làm hiệu quả và phải làm liên tục”, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nông nghiệp, sắp xếp lại các nông lâm trường gắn với công tác bảo vệ rừng, khai thác hiệu quả các tiềm năng, nguồn lợi từ rừng.

“Doanh nghiệp nhà nước tập trung đẩy mạnh tiến độ lên, cái nào tư nhân mua được mà họ quản lý tốt thì các đồng chí bán luôn đi để chúng ta thu hồi vốn đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết, quan trọng khác, nhất là đầu tư vào hạ tầng để tạo điều kiện cho phát triển, đây cũng là đúng theo định hướng của trung ương”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét