Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Không ai là không biết chi phí cơ hội

(TBKTSG) - Không biết vì sao tại mỗi kỳ họp Quốc hội, chúng ta lại nghe đại biểu đưa vấn đề huy động vàng và ngoại tệ trong dân ra; hoặc bàn thảo giữa các đại biểu với nhau hoặc để chất vấn các bộ trưởng bên Chính phủ. Có lẽ vì logic rất đơn giản và dễ hiểu của vấn đề này: thay vì đi vay ngoại tệ ở nước ngoài với lãi suất khá cao, tại sao Chính phủ không huy động ngoại tệ hay vàng từ dân, vừa tiết kiệm được chi phí vừa phát huy được nội lực. Đi kèm với lập luận này là con số ước tính rất ấn tượng: có ít nhất 500 tấn vàng và 10 tỉ đô la Mỹ còn ở trong dân!

Giả thử bây giờ Nhà nước trả lãi chừng 3% hay 4% cho các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ, chắc chắn sẽ thu hút được ngay những khoản tiền lớn (dù không thể đến 10 tỉ đô la vì làm gì có lượng tiền mặt khổng lồ như thế trôi nổi trong dân!). Nhưng như quy luật kinh tế đơn giản sẽ chứng minh, chắc chắn tỷ giá của đồng ngoại tệ đó sẽ tăng vọt, người dân nào biết tính toán, sẽ rút ngay tiền đồng ra khỏi ngân hàng, chạy đi mua ngoại tệ để gửi vào hưởng lãi cao. Để ổn định tỷ giá, giữ cho tiền đồng khỏi chạy ra, Nhà nước phải nâng lãi suất tiền đồng lên. Cứ thế vòng xoáy lãi suất, tỷ giá sẽ dìm chính sách tiền tệ vào những khó khăn như chúng ta từng trải qua trong nhiều năm trước.

Nói cách khác, các biện pháp ngăn chặn việc “đô la hóa” nền kinh tế như không trả lãi cho các khoản tiền gửi bằng đô la Mỹ, đối với ngoại tệ, phải chuyển từ huy động sang quan hệ mua bán… đã và đang phát huy tác dụng tích cực, tại sao thỉnh thoảng lại cứ băn khoăn về chuyện huy động ngoại tệ làm gì?

Với vàng cũng vậy, nói “huy động” có nghĩa phải trả lãi cho các khoản gửi bằng vàng, tức biến vàng thành một loại tiền tệ. Một khi vàng là tiền tệ, nó sẽ tác động qua lại với tiền đồng, gây ra những khó khăn khó lường cho việc điều hành chính sách tiền tệ. Chúng ta đã từng có những kinh nghiệm đắng cay khi cả hệ thống ngân hàng mắc kẹt với các khoản vàng huy động được nhưng đã bán ra để kinh doanh, đến hạn thì không có vàng để trả cho dân. Phải mất một thời gian dài “tất toán” hệ thống ngân hàng mới giải quyết được vấn nạn này.

Hơn nữa khi vàng là hàng hóa, việc huy động hay không huy động 500 tấn vàng được cho là người dân đang nắm giữ này liệu có ý nghĩa gì không vì huy động rồi cũng phải bán nó ra cho một bên nào đó sở hữu. Trong khi ngân hàng trung ương, với chức năng tạo ra tiền, có thể làm điều tương tự mà không cần bận tâm chuyện vàng như các khoản “nới lỏng định lượng” khổng lồ rót vào thị trường.

Vàng, nếu có ở trong dân, là tài sản của dân, có thể mang ý nghĩa dự trữ chiến lược quan trọng. Dùng nó như thế nào là quyền quyết định của người dân và người dân lúc nào cũng rất khôn ngoan trước những chọn lựa như thế. Họ không bán vàng ra, lấy tiền đồng đầu tư hưởng mức lãi trên chục phần trăm hay, dè dặt hơn, gửi ngân hàng để hưởng lãi 6%, 7% là có lý do của họ, những lý do rất đa dạng, phong phú như sự phong phú của cuộc sống. Thực tế không ai ngồi trên một đống vàng hay những mảnh đất bỏ không để phải phung phí chi phí cơ hội rất lớn. Tất cả đều là những quyết định rất lý trí của từng cá nhân và không ai cần phải lo hay bận tâm cho họ cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét