Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Trung Quốc mượn người xưa để đòi là siêu cường hải quân

Trần Trí (theo Bloomberg)

Một Thế Giới - Bắc Kinh muốn dùng hình ảnh Trịnh Hòa đã chết gần 600 năm trước, để nhắc nhở người dân TQ và châu Á, rằng định mệnh của TQ phải là một siêu cường hải quân. Đó là lý do vì sao hình ảnh đề đốc Trịnh Hòa xuất hiện khắp nơi tại TQ hiện đại.

Những hình ảnh, tượng đài ấy minh họa cho các hành vi, tuyên ngôn hùm beo của Bắc Kinh về sự độc chiếm chủ quyền biển Đông, đe dọa an ninh hàng hải quốc tế, khiến dư luận quốc tế phẫn nộ.
Gần 100 năm trước khi Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ, Trịnh Hòa năm 1405 dẫn đoàn thuyền hùng bá ra khơi đến tận Ấn Độ và châu Phi.

Những hải trình của ông luôn xuất hiện trong bài bình luận chính thức và giới truyền thông, khi TQ ngang ngược tuyên bố chủ quyền 90% biển Đông, và ông Tập Cận Bình muốn khôi phục niềm tự hào hàng hải của TQ.

Theo hãng tin Bloomberg, với cách làm này, lãnh đạo TQ liều lĩnh tạo thế đối đầu với các láng giềng Đông Nam Á và Mỹ, quốc gia đang có hải quân tuần tra khu vực này từ sau Thế chiến 2.

Việc nắm thế thượng phong địa-chính trị ở Đông Nam Á sẽ cho phép Bắc Kinh kiểm soát 1 trong những khu vực mang tính chiến lược kinh tế-chính trị quan trọng nhất của thế giới.

Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo

TQ ngang ngược tuyên bố chủ quyền biển Đông dựa trên một tấm bản đồ năm 1947, với phiên bản mới vẽ “đường chín đoạn” giống lưỡi một con bò, “liếm láp” một phát dài 1.800 km tính từ phía nam đảo Hải Nam (TQ), bất chấp tuyên bố chủ quyền biển của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan. 

Ở vùng biển Hoa Đông, TQ cũng tuyên bố chủ quyền quần đảo Senkaku của Nhật và gọi đó là quần đảo Điếu Ngư.

“TQ tin rằng họ có quyền trở thành một siêu cường. Điều chúng ta đang chứng kiến khẳng định mạnh quan điểm về vị thế của họ trên thế giới”, theo nhà nghiên cứu cao cấp Richard Bitzinger ở Đại học nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore).

Tham vọng của lãnh đạo TQ không dừng lại với “cái lưỡi bò” không xương nhiều đường lắt léo. “Mục tiêu dài hạn và tối thượng của TQ là ngang cơ với khả năng hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương. Hiện TQ hiểu họ chưa đủ khả năng để qua mặt Mỹ”, theo Willy Wo Lap Lam, giáo sư trợ giảng ở Trung tâm nghiên cứu TQ của Đại học Trung Hoa Hồng Kông.

Lợi dụng Mỹ bị hút vào các thách thức đối ngoại ở Trung Đông và Ukraine, TQ gây sức ép với các láng giềng, chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012, đầu tháng 5.2014 đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, húc tàu cảnh sát biển Việt Nam và thậm chí đâm chìm một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam.   

“Không có gen bành trướng trong máu”

Vậy mà đến ngày 18.6, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố: “Bành trướng không có trong gen di truyền của người TQ” rồi khẳng định chỉ mỗi cách thương lượng mới có thể bảo đảm sự ổn định trong khu vực.

Ernest Bower, cố vấn cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chiến lược -quốc tế (CSIS, ở Washington) nói: “Những tuyên bố giáo điều, hoa mỹ vẫn còn đó, nhưng hành động thì nói thay nói mạnh hơn thay ngôn từ. Và đáng tiếc là hành vi của họ lại gieo hoang mang cho vùng Đông Nam Á. Hãy trông vào Đông Nam Á mà hiểu TQ đã rút găng tay”.

Rút găng tay là động tác thách đối phương đấu kiếm “chết bỏ” của hiệp sĩ trọng danh dự ở phương Tây.

TQ thì minh họa tính hung hăng của mình bằng các hoạt động “sân khấu hóa” những cuộc phiêu lưu trên biển của Trịnh Hòa.

Hạm đội đầu tiên của ông có 255 tàu và chở 27.000 người, chủ yếu là binh lính. Võ tướng này đứng trước quân ca ngợi vinh quang TQ và khẳng định “Trung Hoa có vị thế nổi bật về địa-chính trị ở Nam Hải và Ấn Độ Dương”, theo Bảo tàng hàng hải Hồng Kông.

Nhưng dự án tham vọng này tiêu tùng năm 1433, sau khi Trịnh Hòa qua đời, và một vị tân vương tính kỹ thấy quá tốn tiền cho trò thám hiểm này, trong lúc biên ải phía bắc đại lục đang bị đe dọa. Thế là nhà lãnh đạo phong kiến này “treo” tham vọng bá chủ hải quân “có triều đình tài trợ” lâu dài này suốt 500 năm.

Mục tiêu chào mừng 100 năm ngày lập quốc

Ngày 8.6.2014, lãnh đạo bộ đội biên phòng TQ là Liu Cigui viết một bài báo, khẳng định tái lập sức mạnh hải quân là “mảng chủ đạo” của “Trung Quốc tươi trẻ”.

Đây là chữ của ông Tập trong bài diễn văn tháng 3.2013, khi ông thông báo việc thi đua lập thành tích chào mừng dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (vào tháng 10.2049) mục tiêu phấn đấu là TQ tự thân phục hồi quyền tối thượng về văn hóa, kinh tế và chính trị tại châu Á.

Từ đó, ông Tập luôn nhấn mạnh những tổn thất của TQ do các thế lực thù địch nước ngoài gây ra, như việc Vương quốc Anh đô hộ Trung Hoa suốt 100 năm, tiếp sau cuộc Chiến tranh thuốc phiện hồi giữa thế kỷ 19.

Ngày 27.6.2014, ông Tập nói tại một hội nghị của công đoàn biên phòng đường thủy-bộ: “Tất cả các đồng chí chúng ta sẽ không bao giờ quên phần lịch sử tủi nhục ấy. Các đồng chí phải ghi nhớ nhiệm vụ và thực hiện công việc bảo vệ biên cương một cách kiên quyết”.

“Niềm tự hào dân tộc là một dấu ấn đặc biệt của người TQ, vì họ từng là một chế độ hoàng gia lớn. TQ đang quảng bá những vinh quang lịch sử trong các chuyến đi biển của đô đốc Trịnh Hòa để khẳng định tuyên ngôn của họ”, theo Robert D. Kaplan, nhà phân tích địa-chính trị cấp cao của Viện tình báo toàn cầu (ở Austin, bang Texas, Mỹ).

Ông Kaplan cũng là tác giả cuốn sách “Chảo lửa châu Á” đề cập những nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực Đông Nam Á, trước sự trỗi dậy hung hăng của TQ.

Nguồn lợi kinh tế của biển Đông

Biển Đông trải dài từ Đài Loan hướng tới Singapore, là tuyến vận chuyển của một nửa số hàng hóa vốn có tổng giá trị 5,3 tỉ USD/năm của thế giới, từ quặng thép đến dầu khí, máy điện toán và đồ chơi trẻ con. Năm 2013, khoảng 13 triệu thùng dầu/ngày được vận chuyển qua Eo biển Malacca năm 2001, chiếm 1/3 tổng nguồn dầu thế giới.

Vấn đề là tuyến hàng hải này thiếu một cơ quan giám sát mạnh, trong khi Mỹ, TQ và các nước láng giềng đều có sự hiện diện.

Biển Đông giàu “vàng đen”, với Ủy ban thông tin năng lượng Mỹ đánh giá có khoảng 11 tỉ thùng dầu thô, 190.000 tỉ feet khối khí tự nhiên ở các mỏ đã thăm dò và được nhận định có thể có.

Nguồn tài nguyên này dư để thay thế việc TQ nhập khẩu dầu thô trong 5 năm và nhập khí tự nhiên trong thế kỷ 22, theo số liệu của Bloomberg. Nguồn năng lượng dự trữ ở các vùng tranh chấp chưa thể tính được khối lượng.

Với diện tích chí ít 3,5 triệu km2, biển Đông có hàng trăm đảo nhỏ, bãi san hô, bãi đá, chủ yếu ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Nhiều đảo, bãi bị chìm hẳn khi nước biển dâng và rất ít khi gây ra các thảm họa hàng hải.

Trong và quanh các bãi, đảo này còn có nguồn tài nguyên giá trị khác: nguồn cá nhiều, chiếm 10 % tổng sản lượng đánh bắt toàn cầu, theo Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á.

Dù đa số vùng biển này đang bị tranh chấp chủ quyền, các nước khác đều nỗ lực hợp tác với nhau để khai thác các bên cùng có lợi. Indonesia, Malaysia và Singapore cùng làm việc để duy trì an ninh trên eo biển Malacca. Hồi tháng 5.2014, Philippines và Indonesia giải quyết xong những bất đồng về ranh giới biển.

Tấm khiên an ninh tự nhiên

Biển Đông giữ một vai trò chiến lược cho TQ: một tấm khiên tự nhiên cho vùng miền nam đông dân cư và các cảng biển.

Để theo đuổi mục tiêu độc chiếm biển Đông, TQ tăng cường điều phối giữa các cơ quan. Việc tái cơ cấu Cục Hải sự quốc gia được tiến hành hồi tháng 7.2013, sáp nhập tất cả các cơ quan bảo vệ vùng biển thành một lực lượng tuần duyên trung ương.  

TQ cũng hiện đại hóa hải quân, mở rộng một căn cứ ở vịnh Yalong ở cực nam đảo Hải Nam (bờ biển nam TQ). Căn cứ này có hai cầu tàu, mỗi cầu dài 1 km để phục vụ các tàu nổi. 4 cầu tàu khác dài 230 mét mỗi cái để tàu ngầm cập vào, cùng với một hệ thống hầm dưới nước, theo Felix Chang, một học giả cấp cao ở Viện nghiên cứu chính sách nước ngoài ở Philadelphia (Mỹ).

Xem thường khối liên minh

Trong khi căn cứ này rất gần với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (bị TQ chiếm năm 1974) để làm hậu cần cho các hoạt động không-hải quân xa bờ của TQ, thì quần đảo Trường Sa lại quá xa để TQ có thể kiểm soát, theo Ian Storey, chuyên gia cấp cao của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore).  

Sự xa cách này có thể giải thích vì sao TQ lại xây một loạt đảo nhân tạo ở vùng quần đảo Trường Sa, bằng cách chiếm bãi san hô Johnson South Reef (bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng), theo các ngư dân Philippines và các quan chức trong khu vực. 

Các đảo nhân tạo này để làm tuyên bố chủ quyền của TQ thêm mạnh, và cũng để phát triển thành các căn cứ để duy trì sự hiện diện thường trực, thách thức Philippines, một đồng minh được Mỹ sẵn sàng bảo vệ trước sự đe dọa của TQ.

Chuyên gia Storey nói: “TQ đang thử nghiệm những hạn chế trong quan hệ liên minh của Mỹ ở châu Á . Bằng cách thúc đẩy và chứng minh cũng như cho thấy Mỹ không sẵn sàng phản ứng trước các khiêu khích, TQ đang xem thường các liên minh này, từ đó là xem thường uy tín và sức mạnh Mỹ về lâu dài”.

Hiện có hai hệ tư tưởng khác nhau về hậu quả từ các hành động hung hăng của TQ, theo Rory Medcalf, giám đốc Chương trình an ninh quốc tế ở Viện chính sách quốc tế Lowy (Sydney, Úc).

Hệ thứ nhất nêu sự thống trị biển Đông là một hệ quả không thể tránh né, vì TQ đang bành trướng sức mạnh quân sự-kinh tế.

Hệ thứ hai nêu TQ sẽ phải chặt bớt tham vọng, nếu không thì có thể gây ra xung đột, thậm chí chiến tranh và Mỹ sẽ nhảy vào tham chiến.

Ông Medcalf nói: “Không thể phán xét kịch bản nào sẽ đúng. Vụ việc chỉ mới bắt đầu”….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét