Tôi thường dị ứng với chữ… anh hùng. Một hành động can đảm trong vài giây phút sinh tử của mình chưa chắc đã thể hiện cá tính và nhân cách của một con người. Can đảm mà không có trí tuệ hay phán xét, có thể trở thành một chốt thí cho những mưu mô nham hiểm, gây hại lớn cho xã hội. Một tướng cướp dù không được huân chương hay bằng khen vẫn có thể tự hào mính là một anh hùng mọi người phải nể sợ. Và trên khắp thế giới, hiện nay danh xưng “anh hùng” hơi bị lạm phát? Theo kinh tế thị trường, cái gì dư thừa nhiều quá thường bị rớt giá thảm thương… Có thể nãy giờ tôi chỉ biện luận lăng quăng như vậy…vì bản thân tôi là một thằng hèn nhát?
Nhưng nếu có một người tôi cho là xứng đáng với tước vị này thì đó chắc phải là mẹ tôi. Và những người phụ nữ Việt khác khắp năm châu như bà.
Không, mẹ tôi không có chiến công gì hiển hách. Chưa bao giờ cầm gậy (hay súng) để giết giặc bảo vệ đất nước hay mở mang bờ cõi. Chưa bao giờ có một giấy chứng nhận gì của Đảng hay Nhà Nước. Bà lại mang tội là chạy theo Mỹ qua tuốt bên California sau 1975.
Năm nay bà 95 hay 96 tuổi gì đó. Năm ngoái, sức khoẻ và trí nhớ bà suy sụp khiến đám con cháu lăng xăng chuẩn bị…hậu sự. Nhưng cuối năm nay, súc khoẻ bà phục hồi và thật cảm động khi nhìn bà tỉnh táo, ăn uống và còn nhận rõ ra từng nhân vật trong gia đình.
Vấn nạn của kiếp người
Một nguyên lý mà ai cũng phải chấp nhận trong chu kỳ sống là “sinh, lão, bệnh, tử”, bốn đau khổ lớn của kiếp người theo Phật giáo. Có lẽ chỉ qua gần thế kỷ của đời người, những người như bà mới cảm nhận chính xác về niềm đau của “sinh” hay nỗi sợ khi trực diện “tử”. Nhưng về cái “bệnh” và cái “lão”, tôi cũng có thể chia sẻ ít nhiều.
Hai năm vừa qua, tôi liên tiếp gặp những sự cố về sức khoẻ. Từ những cơn cảm cúm lặt vặt đến lần vi rút “shingle” hành hạ làm đau buốt toàn thân suốt 3 tháng trời. 65 năm trước đó, dù không xẩy ra thường xuyên, nhưng không thiếu những căn bệnh nặng nhẹ cùng áp lực công việc gây ra những biến chứng nặng nề cho thể xác và tâm thần. Cho nên, với cá nhân mình, “bệnh” là một điều khủng khiếp mà tôi ít khi có can đảm trực diện.
Rồi cái “lão”. Thôi chắc các bạn cũng đã nghe nhiều rồi về vấn nạn này.
Tuần trước tôi quan sát mẹ tôi. Bà không còn đọc báo hay coi TV được nữa, cũng như không nghe được nhiều dù có máy trợ thính. Tất cả là dấu vết của sự còm cõi sau 95 năm, trải khắp thân xác sau những nỗi đau sợ của “sinh, lão, bệnh, tử”. Của kiếp người mà chỉ nhũng kẻ may mắn (hay ngược lại?) mới trải qua.
Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc… theo tháng ngày
Tôi cũng mường tượng về tuổi thơ của bà. Sinh ra ở một làng quê của tỉnh Thái Bình, bà là con đầu của một gia đình nghèo đông con. Bà không nói ra nhưng chắc những ngày thiếu ăn, những tháng thiếu mặc chắc xẩy đến thường xuyên trong những năm đầu đời này. Bà di cư vào Nam Bộ khi vừa tuổi teen, khoảng thập niên 30’s gì đó. Làm phu đồn điền cao su, rồi buôn thúng bán bưng, bà lập gia đình ở Dầu Tiếng và bà chị đầu của chúng tôi được “sinh” ra khi chiến tranh vừa bộc phát.
Tôi không thể hình dung là người đàn bà yếu ớt trước mặt tôi cũng đã cùng chồng tay xách nách mang 2 đứa con, vừa chạy trốn bom đạn, vừa mua bán mỗi ngày để sinh tồn. Sau vài năm khi gia đình định cư ở Thủ Dầu Một rồi Saigon, có lẽ bà mới có chút thanh bình và thăng bằng trong cuộc sống. Tuy vậy, tôi chắc chắn một điều là những bất hạnh về “bệnh” cũng đã theo đuổi bà suốt cuộc đời, khi nghèo hay hay khi có tiền, lúc còn trẻ hay lúc xế bóng.
Rồi những ngày đầu đến Mỹ. Suốt hơn 60 năm quen thuộc với khí hậu và môi trường nhiệt đới, nhìn bà co ro trong cái giá buốt của mùa đông, không một lời than vãn, chấp nhận thay đổi để tiếp tục con đường sống cho gia đình, tôi thấy bất nhẫn và thán phục sự hy sinh, chịu đựng của bà. Tuổi già đó chắc không có gì hạnh phúc, ngoài việc nhìn đám con cháu lớn lên trong sự an sinh của một xã hội tự do. Hệ quả duy nhất khi sống với cái “lão” hơn 38 năm qua là sự còm cõi về thể xác và tinh thần. Trong khi đó, tôi chưa hề biết đói khát, hưởng bao nhiêu là phúc lộc, lại là thằng hay than phiền và giận dữ nhiều nhất trong gia đình.
Những bà mẹ vẫn còn phải chịu đựng trên quê hương
Gần đây tôi hay về Việt Nam. Mỗi lần nhìn những bà mẹ trên đường phố, khô cằn trong mưa bão của một đời nghèo khó là một lần tôi nhìn thấy mẹ tôi, sống với những tư duy và phong cách mà tôi không bao giờ hiểu hay theo đuổi nổi. Đây mới thực sự là những bà mẹ anh hùng không cần ai tuyên dương (hay lợi dụng). Họ sống cho trái tim chân thành nhất của chính mình; và cho một tương lai không thuộc về họ, mà cho một hy vọng nào đó về đám con cháu.
Họ hiểu thế nào là “sinh-lão-bệnh-tử”, là định mệnh bất hạnh, là “trời sinh voi sinh cỏ”. Triết lý sống của họ có thể cao siêu hơn cà chục ngàn cuốn sách đang chất đầy thư viện của những bộ óc cứng ngắc với giáo điều.
Những bà mẹ anh hùng đích thực của một thời đại dối trá, bịp bợm, tham ô và trâng tráo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét