Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Minh bạch hoá, từ chuyện mua ngân hàng giá 0 đồng

Đinh Tuấn Minh

MTG - Liệu giải pháp mua ngân hàng với giá 0 đồng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiến hành trong thời gian qua với ba ngân hàng thương mại Xây dựng (VNCB), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank) có hợp lý hay không, có đảm bảo công bằng cho các bên liên quan hay không? Không ai có thể trả lời được câu hỏi này, ngoại trừ một số rất ít người trong NHNN, vì thiếu những thông tin thiết yếu làm cơ sở đánh giá.

Liệu giải pháp mua ngân hàng với giá 0 đồng mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiến hành trong thời gian qua với ba ngân hàng thương mại Xây dựng (VNCB), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank) có hợp lý hay không, có đảm bảo công bằng cho các bên liên quan hay không? Không ai có thể trả lời được câu hỏi này, ngoại trừ một số rất ít người trong NHNN, vì thiếu những thông tin thiết yếu làm cơ sở đánh giá.

Từ câu chuyện mua ngân hàng giá 0 đồng…

Đơn cử như với OceanBank. Theo các báo cáo tài chính được công bố công khai, đã được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán uy tín hàng đầu trên thế giới, trước khi bị mua với giá 0 đồng, ngân hàng này hoạt động tương đối tốt. Nếu đơn thuần chỉ dựa trên những thông tin công khai này thì rõ ràng các cổ đông của OceanBank đã bị Nhà nước, thông qua NHNN, “cưỡng đoạt” tài sản. Những cổ đông thiểu số bị mất tài sản mà hoàn toàn không hiểu tại sao.

Nhưng NHNN có những thông tin “mật” mà bên ngoài không biết (ngay cả công ty kiểm toán uy tín trước đó cũng thể không phát hiện ra để cảnh báo nhà đầu tư!) Dựa theo nguồn thông tin “mật” này  thì OceanBank đã âm gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu và các cổ đông đã không thể đưa ra được giải pháp để khắc phục. Để đảm bảo  an  toàn hệ thống, NHNN quyết định mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng, thay vì để nó phá sản. Lý lẽ mua hai ngân hàng còn lại với giá 0 đồng cũng tương tự.

Nhưng ngay cả khi các ngân hàng này đã rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu dựa trên nguồn thông tin “mật” này thì câu hỏi đặt ra là liệu có thể có giải pháp nào khác tốt hơn không? Liệu các ngân hàng này có thực sự rơi vào tình trạng phá sản hay không? Giá trị của một doanh nghiệp, đặc biệt là ngân hàng, không chỉ dựa đơn thuần trên vốn chủ sở hữu. Thương hiệu, mạng lưới khách hàng, kinh nghiệm vận hành… của doanh nghiệp mới là những thứ làm nên giá trị lâu dài của nó. Ngay cả khi bị âm vốn chủ sở hữu nhưng doanh nghiệp vẫn đảm bảo dòng tiền để trả nợ thì doanh nghiệp vẫn chưa rơi vào tình trạng phá sản. Cụ thể, theo một thông báo của NHNN, thì dự trữ thanh khoản của VNCB là 1.000 tỉ đồng, của GPBank là 3.000 tỉ đồng còn của Ocean Bank là 7.000 tỉ đồng. "Đây là khoản vốn đảm bảo chi trả cho người dân và nguồn vốn mới cho hoạt động", ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra NHNN chia sẻ tại hội thảo "Ba năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng".[1]

Ngay cả khi các ngân hàng này rơi vào tình trạng mất thanh khoản thì vẫn còn có những giải pháp khác để cấp thanh khoản thay vì mua toàn bộ cổ phiếu của các ngân hàng này với giá 0 đồng. Chẳng hạn, Nhà nước mua lại nợ xấu, mua cổ phần ưu tiên, hoặc thậm chí mua lại cổ phần của các cổ đông lớn với giá 0 đồng để có quyền chi phối hoặc nắm quyền điều hành. Những giải pháp này, nếu khả dĩ, rõ ràng vẫn bảo vệ được cổ đông thiểu số, vẫn đảm bảo các ngân hàng này là các ngân hàng thương mại tư nhân chứ không phải là các ngân hàng thương mại nhà nước như hiện nay.

… đến việc cần minh bạch hoá hoạt động của NHNN

Đỏi hỏi minh bạch thông tin trong câu chuyện trên có lẽ chỉ là một phần của đòi hỏi cần minh bạch hoá các hoạt động điều hành của NHNN hiện nay. Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước can thiệp vào nền kinh tế chủ yếu bằng các chính sách tài khoá và các chính sách tiền tệ. Mọi chính sách của Nhà nước, dù mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân hay chỉ một bộ phận dân chúng, xét đến cùng đều phải tiêu tốn một số nguồn lực từ tài sản toàn dân, từ người đóng thuế, hoặc một số người nhất định.

Chính sách tài khoá thường được dư luận quan tâm và dễ yêu cầu minh bạch hơn bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của những đối tượng bị tác động. Nếu một chính sách tài khoá có tác động tiêu cực tới một nhóm người nào đó, nó sẽ bị phản ứng tức thì. Hệ quả là, dưới áp lực của dư luận, trong những năm qua, các yêu cầu minh bạch hoạt động thu- chi ngân sách, hoạt động đầu tư công, vấn đề nợ công… đã được các cơ quan liên quan như Quốc hội, Bộ Tài chính, và Bộ Kế hoạch Đầu tư đáp ứng khá tốt và đã có những cải thiện rõ rệt.

Nhưng chính sách tiền tệ thường gây ra thiệt hại chung cho toàn bộ người dân thay vì một nhóm đối tượng cụ thể. Để đem lại lợi ích cho một nhóm nào đó, NHNN sẽ phải dùng một số nghiệp vụ, mà dễ dàng nhất là gây ra lạm phát ở quy mô nhỏ, để có nguồn lực cung ứng.  Lạm phát toàn dân phải gánh chịu nhưng không người dân nào phản ứng vì nó quá nhỏ, trong khi lợi ích mang lại cho một số đối tượng cụ thể thì lại dễ nhìn thấy để ghi nhận công trạng vì nó dễ đong đếm.

Hiếm khi dư luận đặt câu hỏi NHNN lấy nguồn lực từ đâu để hỗ trợ tín dụng cho các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, xuất khẩu, các chương trình mua nhà thu nhập thấp…, để cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hoạt động, hay cho Bộ Tài chính vay 30 ngàn tỉ đồng… Các khoản hỗ trợ này bắt buộc phải lấy từ một số nguồn nào đó nhưng người bên ngoài  chỉ có thể biết được nếu như nhìn thấy được Bảng cân đối tài sản của NHNN. Chúng ta không thể đánh giá liệu các biện pháp hỗ trợ này có hiệu quả không, có công bằng không khi không được cấp những thông tin khả tín.

Chính bởi lẽ các chính sách tiền tệ gây ra những ảnh hưởng chung cho toàn bộ người dân, hoạt động của các ngân hàng trung ương cần phải rất minh bạch để cho bất cứ ai cũng có thể mổ xẻ và giám sát. Không cần phải lấy ví dụ ở các nước phát triển, Ngân hàng quốc gia Campuchia (NBC), một quốc gia vẫn được xem là lạc hậu hơn Việt Nam, cũng đã có những hành động công khai hoá hoạt động của mình từ nhiều năm nay. Vào website tiếng Anh của NBC (http://www.nbc.org.kh/english/index.php), mọi người có thể tìm thấy hầu hết các thông tin cần thiết, được cập nhật thường xuyên, để phân tích, đánh giá các hoạt động của ngân hàng trung ương này. Ngay cả Bảng cân đối tài sản của NBC cũng được công bố công khai và cập nhật hàng tháng từ năm 2005. Đây là thứ thông tin mà cho đến nay NHNN chưa từng công bố cho người dân biết.

Quay trở lại trường hợp NHNN mua lại ba ngân hàng thương mại trên với giá 0 đồng. Theo lý giải của NHNN, giải pháp này không làm tốn ngân sách một đồng nào. Có quả thực như vậy không? Thực chất, NHNN đã đứng ra bảo lãnh hoạt động tín dụng của các ngân hàng này khi các tỷ lệ an toàn không đảm bảo. Về bản chất, việc này hoàn toàn giống với việc Nhà nước đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước vay vốn. Theo đúng nguyên tắc thì các khoản bảo lãnh vay vốn của Chính phủ phải được ghi nhận và làm tăng nợ công của Nhà nước. Nhưng tại sao hoạt động bảo lãnh này của NHNN lại không bị ghi nhận làm tăng nợ công chính thức của Nhà nước? Câu trả lời có lẽ là: bởi đó là hành động của NHNN và các hoạt động của NHNN vẫn nằm trong “hộp đen”, chưa được minh bạch hoá, nên nếu có ghi nhận thì cũng chỉ ghi nhận ngoại bảng, và chẳng người dân bên ngoài nào có thể biết.
***

[1] http://vinanet.vn/ngan-hang/ngan-hang-xay-dung-gpbank-va-ocean-bank-co-11000-ty-dong-du-tru-thanh-khoan-632763.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét