Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

“Phản đối ghi âm, ghi hình khi hỏi cung là ngăn chặn sự tiến bộ”

Hồng Chuyên (thực hiện)

Infonet - Đó là phản biện của cựu thẩm phán, luật sư Phạm Công Út trước những ý kiến cho rằng “ghi âm ghi hình để chống bức cung nhục hình là không cần thiết và cần phải tin cán bộ điều tra”.

Trước đó, Infonet đã dẫn lời một số đại biểu Quốc hội phản đối việc áp dụng ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, cho rằng làm thế là tốn kém và không cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Pha (Nam Định) còn nói: "Tôi nói thật, bây giờ phải tin vào cán bộ điều tra. Người ta là cán bộ thực thi pháp luật, người ta phải chấp hành pháp luật. Việc chấp hành pháp luật, liên quan đến nghề nghiệp cả cuộc đời của người ta. Theo thống kê, tỉ lệ những người vi phạm pháp luật trong bức cung nhục hình chiếm rất nhỏ. Không phải vì một số vụ nhỏ đó mà lắp đặt tràn lan camera như vậy".

Câu nói trên đã khiến nhiều người có ý kiến trái chiều, trong đó có Luật sư Phạm Công Út, Trưởng văn phòng luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư TP. HCM). 

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Công Út về vấn đề này. Đây cũng là một ý kiến đóng góp của một người dân, một chuyên gia khi Quốc hội đang bàn về Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) .

Thưa ông, chuyện ngăn ngừa bức cung, nhục hình và có cơ chế minh bạch trước một số vụ việc nghi can chết tại nơi giam giữ đã trở thành vấn đề rất “nóng”. Xin ông cho biết quan điểm của mình về việc dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) lấy việc ghi âm ghi hình khi hỏi cung làm biện pháp chống bức cung, nhục hình?

Ls Phạm Công Út: Theo tôi, dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự lần này đã đưa ra biện pháp ghi âm, ghi hình khi hỏi cung nhằm ngăn chặn hiểm họa bức cung, nhục hình là một sự đáp ứng mạnh mẽ điều mong đợi của nhiều người, trong đó có các nhà nghiên cứu luật học, những người hành nghề luật, những điều tra viên chân chính và cả người dân. 

Vì gần đây, các số liệu có thể chưa đầy đủ cũng đã cho thấy, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, số người chết trong đồn công an, nhà tạm giữ, trại tạm giam, thậm chí, sau khi từ các nơi ấy trở về nhà là khá cao, hơn 200 người. Đó có thể là con số thống kê chưa đầy đủ, nhưng điều đó là sự báo động với toàn xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn có đại biểu cho rằng đầu tư ghi âm, ghi hình là tốn kém, không cần thiết. Ông có phản biện gì không?

Ls Phạm Công Út: Để đưa ra vấn đề ấy, tôi muốn đặt câu hỏi: Vị đại biểu ấy đã có bản dự toán kinh phí có độ chính xác cao cho việc lắp đặt máy ghi âm, ghi hình trong các cơ quan điều tra trong nước chưa mà lại cho rằng tốn kém?

Phát biểu ấy là sự phản biện cho việc lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình lúc hỏi cung hay chỉ để nói toáng lên nhằm ngăn chặn sự tiến bộ của pháp luật về tố tụng hình sự?

Theo tôi, thà tốn kém ngân quỹ quốc gia để bảo vệ mạng sống, sức khỏe, uy tín, nhân phẩm người dân và cán bộ điều tra chân chính còn hơn là không tốn kém để nhiều cái chết oan ức vẫn diễn ra trong một năm, mười năm tới mà không có sự ngăn chặn và trừng phạt thích đáng.

Lại có đại biểu cho rằng cần phải đặt niềm tin vào cán bộ điều tra và số vụ đó chỉ là nhỏ, ý kiến của ông thế nào?

Ls Phạm Công Út: Nếu nói đến cụm từ nhà nước pháp quyền thì chúng ta phải đặt các quyền cơ bản của con người lên trên hết, nếu nói là nhỏ thì chỉ là một, nếu nói là lớn thì hơn một, như vậy, trong vòng ba năm mà có hơn 200 người chết có liên quan đến hoạt động tố tụng hình sự thì làm sao kêu số đó là nhỏ.

Chưa kể, trong quá trình điều tra, nếu băng ghi hình, ghi âm cho thấy lời khai nhận của một người thấy rõ ràng rằng một nghi can đã có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng đã không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, thì người tiến hành tố tụng ấy cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng với bọn tội phạm.

Các đại biểu phản đối ghi âm, ghi hình cũng lo rằng khó kiểm soát việc làm thay đổi nội dung ghi âm, ghi hình hoặc hỏi một nơi, ghi âm ghi hình chỉ diễn lại. Ông có bình luận gì về lo ngại này?

Ls Phạm Công Út: Kiểm soát điều trong suy nghĩ của người khác là khó, còn điều đã được ghi nhận một cách khách quan bằng công nghệ hiện đại của thời đại thì làm sao lại kêu khó.

Theo tôi, chỉ khó là cái khó ở việc nhấn nút thông qua điều luật một cách có trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội mà thôi.

Theo ông, nên bắt buộc ghi âm, ghi hình cho tất cả vụ án hay chỉ có một số loại án áp dụng điều này?

LS Phạm Công Út: Để oan, sai, hoặc lạm quyền không còn đất sống, theo tôi, cần bắt buộc ghi âm ghi hình cho tất cả vụ án cũng nhằm ngăn ngừa hình sự hóa các vụ việc phi hình sự và dân sự hóa các vụ án hình sự từ phía điều tra.

Là người đã từng là thẩm phán, giờ là luật sư ông có hiến kế gì cho Quốc hội để đưa cơ chế giám sát này vào Luật Hình sự đảm bảo hiệu quả tốt nhất?

LS Phạm Công Út: Từng là thẩm phán rồi xin ra để làm luật sư, tôi đã chứng kiến nhiều phận đời oan trái, thậm chí dẫn đến tuyệt vọng nên tôi cho rằng luật pháp cần phải soi rọi đến từng phận đời bằng sự phát triển của xã hội thông qua việc luật hóa để bảo vệ các quyền cơ bản của con người.

Việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung không phải là tất cả để ngăn chặn các vụ án oan, nhưng đó là một trong những điều kiện cần và đủ để ngăn chặn án oan. Oan ở người bị tình nghi và oan cho người tiến hành việc điều tra nữa.

Xin cảm ơn ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét