(TBKTSG Online) - Nếu kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử trùng khớp với kết quả sơ bộ theo đó đảng đối lập NLD giành được thắng lợi áp đảo, Myanmar có thể sẽ bước vào một giai đoạn “không chắc chắn” về chính trị, trong đó ai sẽ là tổng thống nhà nước là câu hỏi lớn.
Cho dù đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của lãnh tụ Aung San Suu Kyi, tự thân nó hoặc thông qua liên minh với các đảng nhỏ khác, giành được đa số ghế tại Quốc hội và các hội đồng địa phương và có quyền đứng ra thành lập chính phủ mới của Myanmar thì một câu hỏi lớn vẫn chưa có lời đáp: Ai sẽ là tổng thống mới của nước này?
Thông thường, khi một đảng chính trị lên nắm chính quyền qua bầu cử thì lãnh tự của đảng mặc nhiên trở thành người lãnh đạo đất nước, tổng thống hay thủ tướng tùy theo nước. Nhưng ở Myanmar lãnh tụ Aung San Suu Kyi của đảng NLD, người được giải Nobel Hòa bình, sẽ không thể đảm nhiệm chức vụ tổng thống kế tục ông Thein Sein đương nhiệm bởi vì hiến pháp nước này quy định người lãnh đạo nhà nước không được có vợ/chồng, con cái mang quốc tịch nước ngoài. Trong khi đó, bà Aung San Suu Kyi có chồng và hai con đều mang quốc tịch Anh.
Cho dù bà Aung San Suu Kyi cho rằng, đây là một quy định “ngu xuẩn” song chừng nào hiến pháp Myanmar – do quân đội cầm quyền lập năm 2008 – vẫn chưa được cải cách thì điều khoản đó vẫn còn có giá trị thực thi. Trong khi đó, theo giới phân tích chính trị, trong đảng NLD hầu như không có chính trị gia nào, gương mặt nào khả dĩ sánh với bà Aung San Suu Kyi, cả về uy tín quốc tế lẫn sự ủng hộ của dân chúng trong nước, để đứng ra lãnh đạo nhà nước Myanmar trong những năm tháng sắp tới.
Bà Aung San Suu Kyi nói rằng, dù không làm tổng thống thì bà vẫn là một lực lượng đứng đằng sau vị tổng thống mới để điều hành đất nước; nhưng chưa rõ chức vụ bà là gì bởi vì cho đến nay hiến pháp Myanmar chưa hình dung đến tình huống này và chưa thiết kế một vị trí như vậy trong guồng máy hành pháp.
Cũng cần lưu ý rằng, dù thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử và cam kết công nhận kết quả bầu cử, tôn trọng sự chọn lựa của người dân Myanmar nhưng giới quân sự cầm quyền ở nước này vẫn giữ một ảnh hưởng vô cùng lớn đối với sự điều hành đất nước, cho dù người ngồi vào ghế tổng thống sẽ là ai.
Quốc hội Myanmar có 2 viện; Hạ viện 440 ghế đại biểu và Thượng viện 224 ghế; nhưng cử tri chỉ đi bầu ba phần tư số đại biểu, một phần tư còn lại (tương đương 166 đại biểu) là người do quân đội bổ nhiệm không qua bầu cử. Quân đội cũng giữ quyền bổ nhiệm 3 bộ trưởng nắm giữ các bộ quan trọng nhất là quốc phòng, an ninh và vấn đề biên giới. Ngoài ra, quân đội Myanmar cũng có tác động rất lớn tới nền kinh tế thông qua hàng chục tập đoàn, tổng công ty do quân đội kiểm soát hoạt động trong mọi lĩnh vực kinh tế.
Giới quân sự cầm quyền Myanmar có thể thất bại trong tổng tuyển cử - thể hiện qua thất bại của đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), cánh chính trị của giới quân sự - nhưng trong thực tế, họ vẫn là lực lượng chi phối, thậm chí là quyết định những vấn đề lớn của đất nước, trong một thời gian dài nữa.
Từ đó có thể đoán rằng, cuộc thương lượng về phân chia quyền lực ở Myanmar giữa giới quân sự bị thua trong bầu cử nhưng vẫn còn vai trò lớn với một lực lượng chính trị mới, được người dân ủng hộ nhưng lần đầu tiên chuyển đổi vai trò từ đối lập sang chấp chính, sẽ diễn ra rất gay go và quyết liệt.
Theo ý nghĩa đó, cuộc bầu cử dân chủ-tự do đầu tiên trong 25 năm qua mà người dân Myanmar tiến hành ngày hôm qua 8-11 là bước kết thúc “Lộ trình 7 bước” xây dựng đất nước được triển khai từ đầu năm 2003, nhưng là bước khởi đầu khởi đầu của một chặng đường dài và khó khăn ở phía trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét