Đất Việt - Việc Châu Phi cáo buộc Trung Quốc chỉ tập trung vào việc khai thác nguyên liệu là có cơ sở bởi nước này rất cần năng lượng, nhiên liệu...
PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại đã phân tích tình hình trước thông tin Châu Phi cáo buộc Trung Quốc theo đuổi chủ nghĩa thực dân, trong đó xuất hiện tương tự ở Việt Nam.
PV: - Thưa ông, mới đây Trung Quốc đã bị Châu Phi cáo buộc chỉ tập trung vào việc khai thác tài nguyên chứ không giúp tạo công ăn việc làm và thị trường tại các nước này. Đồng thời nhiều dự án được đưa vào đây cũng là nhằm phục vụ ý đồ của Trung Quốc khai thác nhân công giá rẻ, đối xử bất công với người dân địa phương. Thêm nữa, hàng tiêu dùng, đồ may mặc… Trung Quốc đã tràn ngập các thị trường châu Phi. Phương Tây cáo buộc dây là chính sách "thực dân kiểu mới". Ông đồng tình ở mức độ nào về cáo buộc của các nước châu Phi và nhận định của phương Tây? Cá nhân ông kiến giải như thế nào về hiện tượng này?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Thực ra điều này cũng không quá khó hiểu khi Trung Quốc đang thực hiện công nghiệp hóa theo kiểu cũ, tức là làm sắt thép, xi măng... những sản phẩm cơ khí nên họ rất cần năng lượng, nguyên liệu.
Họ cần than, xăng dầu, khoáng sản, các loại mỏ... Những nhu cầu này tương đương với nhu cầu của các nước đế quốc xưa, khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa cũng thiếu năng lượng, nhiên liệu.
Trong khi đó Trung Quốc là nước có 1,3 tỉ dân nên họ lại thừa lao động, khác với các nước đế quốc trước kia là thiếu lao động. Chính vì như thế Trung Quốc phải đi tìm năng lượng, nhiên liệu ở các nước khác. Trước kia là Châu Á và bây giờ là Châu Phi.
Có một thời họ đã thực hiện việc mua bán tài nguyên ở Australia nhưng tại đây việc mua bán tài nguyên không dễ dàng gì nên họ phải tìm đến nước khác có sẵn nhưng chưa khai thác được bao nhiêu đó là các nước Châu Phi.
Có thể nói việc tìm kiếm tài nguyên là nhu cầu có thật của Trung Quốc. Đó là chuyện khách quan.
Còn về chủ quan họ dùng phương thức gì, cách thức làm như thế nào thì trước từ trước tới nay vốn đã bị thế giới mà cụ thể là ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng lên án cách làm của Trung Quốc vẫn là kiểu của thực dân.
Nếu theo phương thức, trình độ thương mại toàn cầu hóa hiện nay là phải có trao đổi, có đầu tư, thỏa thuận nhưng Trung Quốc thì biết các chế độ độc tài ở Châu Phi nên có thể dùng các thủ đoạn mua chuộc quan chức để chiếm đoạt những vùng tài nguyên lớn. Khi đã làm được bước này rồi thì lại đưa lao động thừa ở trong nước sang làm việc.
PV: - Hiện tượng tương tự cũng đang diễn ra tại Việt Nam: các dự án FDI khủng, lao động phổ thông người Trung Quốc tràn lan không kiểm soát, hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, nguồn nguyên liệu cho các ngành sản xuất ở Việt Nam đều nhập từ Trung Quốc. Liệu có sự khác nhau giữa hiện trạng xảy ra ở Việt Nam và các nước châu Phi kể trên hay không và cụ thể là như thế nào? Theo ông đánh giá, mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế Trung Quốc đã tới đâu?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam:- Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở Việt Nam. Dù rằng Việt Nam không có nhiều tài nguyên nhưng các dự án đầu tư cũng được Trung Quốc quan tâm và đưa các công nghệ lạc hậu vào.
Họ nhận thầu với giá rẻ rồi lại đưa lao động phổ thông sang dưới dạng khách du lịch, rồi nhập trăm thứ dạng "chổi cùn giẻ rách" vào Việt Nam nhưng lại bán được tiền mang về nước.
Nếu để đo đếm sự phụ thuộc kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế của Trung Quốc thì chưa có số liệu cụ thể nhưng chỉ nhìn vào việc các dự án được nhà thầu Trung Quốc nhận thì thấy giá rất rẻ. Nhưng sau đó kéo dài để đội giá, hoặc bỏ thầu lại cho nhà thầu Việt Nam để ăn chênh lệch.
Dù rằng chủ trương của Nhà nước khá nhất quán và rõ ràng nhưng hiện không ít doanh nghiệp Việt Nam 'bắt tay' với các mánh lới làm ăn của doanh nghiệp Trung Quốc nên đôi khi làm khó chính thị trường trong nước.
PV:- Hiện các nước Châu Phi đã nghi ngại về sự đầu tư của Trung Quốc trên đất nước họ và đã bày tỏ quan điểm chính thức. Theo ông, sự giật mình tỉnh giấc sau hơn nửa thế kỷ nhận nguồn đầu tư của Trung Quốc là sớm hay muộn? Việc lựa chọn đối sách với họ có quá khó khăn không, khi mà cả châu Âu và Mỹ đều đang "trở lại với châu Phi"?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam:- Thực ra sự giật mình cảnh giác của Châu Phi cũng chỉ là mấy năm gần đây và xuất hiện ở một số nước. Có những nơi dân phản đối, rộ lên đánh đuổi doanh nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên cái quan trọng là những người lãnh đạo một số nước vẫn đứng ra ký kết cho nên số "giật mình" chỉ là rất ít. Tức là cũng có lợi ích nhóm nên không phải tất cả các nước Châu Phi đều đồng lòng bài trừ Trung Quốc.
Còn ở Việt Nam cũng đã được các nhà nghiên cứu, chuyên gia cảnh báo từ lâu nhưng cũng là do lợi ích nhóm của một số người (chủ đầu tư của Việt Nam) đã sẵn sàng chấp nhận doanh nghiệp, nhà thầu Trung Quốc vì có lại quả lớn, chia chác nhiều.
Tức là do sự quản lý, giám sát yếu kém của Việt Nam nên đã dẫn đến tình trạng này.
PV: - Đối với trường hợp của Việt Nam thái độ của chúng ta với nguồn đầu tư và sự phụ thuộc nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang thế nào? Và nếu tiếp tục duy trì sự lệ thuộc này thì điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế của chúng ta? Muốn tránh được hậu quả đó chúng ta phải làm gì, dựa trên những lợi thế hay cơ sở nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam:- Thái độ của Việt Nam thì rõ ràng là phải cự tuyệt nhưng điều này phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo có thẩm quyền.
Còn nếu tiếp tục đi theo con đường này thì kinh tế Việt Nam sẽ yếu kém mãi và có thể dẫn đến suy sụp. Thậm chí có thể có những nguy hại lớn hơn nếu chúng ta không tỉnh táo.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét