VNN - Nếu ai đó vì bức xúc những vấn nạn của nền giáo dục rồi lên phê phán ước mơ “học để làm quan” của người khác thì rất vô lý.
1. Trước hết, xin khẳng định ước mơ đi học để làm quan của ai đó trong xã hội là một suy nghĩ chính đáng cần được tôn trọng. Không có gì sai về phương diện đạo đức lẫn pháp luật. Giả sử tất cả những đứa trẻ khi đủ tuổi để vào trường mẫu giáo mà có chung suy nghĩ ấy thì cũng nên cổ vũ, khuyến khích thay vì phản bác.
Bởi vì, nếu chúng ta đã đồng thuận là trong cuộc sống cần tôn trọng sự khác biệt trong tư duy của mỗi cá nhân thì tại sao lại phê phán ước mơ “học để làm quan” vốn rất chính đáng của người khác? Khác gì anh đang vi phạm vào cái nguyên tắc trong “cuộc chơi” do chính anh đã đặt ra?
Thứ hai, một đất nước phải có người làm quan, điều này là đương nhiên không thể khác. Từ đây, tôi tin là những người dân dù sống ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều có chung một ý nghĩ là luôn mong mỏi những ông quan nước mình thật sự là những người “có học”, thực học chứ không xài bằng giả.
Thứ ba, nếu đã thừa nhận “làm quan” trong xã hội hiện nay cũng là một nghề như bao nhiêu nghề khác trong xã hội thì việc đi học, phải học để chuẩn bị là điều rất cần thiết và không có gì là bất hợp lý.
Hiện nay, nhìn ra những đất nước tiên tiến, chẳng phải ở đó người ta cũng đã mở trường đào tạo, khóa huấn luyện cho những người có ước mơ sau này sẽ “làm quan”, làm lãnh đạo đất nước đó sao?
2. Dĩ nhiên thì nói đi cũng phải nói lại, trước hiện tình đất nước còn nhiều vấn nạn, trong đó đặc biệt nhất là những mặt tồn tại của nền giáo dục thì những ý kiến thể hiện sự quan tâm, trăn trở về vấn đề này đều rất đáng trân trọng.
Song, bình tâm suy xét thì theo tôi phải chăng ở đây đang có sự nhầm lẫn giữa hai vấn đề: Một bên là ước mơ chính đáng “học để làm quan” và một bên là “cơ chế” tuyển người ra làm quan.
Theo quan sát của người viết bài, thì điều đáng sợ và đáng lo nhất ở xã hội ta hiện nay không phải ở chỗ mọi người “đua nhau học để làm quan” mà là ở chỗ có những kẻ “học giả, bằng thật” nhưng vẫn bon chen chốn quan trường.
Đây chính là cái lỗ hổng chết người trong cơ chế tuyển người ra làm quan hiện nay; là một trong những nguyên nhân sâu xa làm cho đất nước và xã hội rơi vào cái vòng luẩn quẩn và trì trệ, trong đó có những vấn đề liên quan đến chính sách giáo dục; vấn đề “chiêu hiền đãi sĩ”, tìm kiếm nhân tài.
3. Nhà bác học Einstenin có nói một ý đại khái là “chúng ta không thể giải quyết một vấn đề sai lầm nào đó bằng chính cái tư duy đã tạo ra nó”.
Cho nên, nếu ai đó vì bức xúc những vấn nạn của nền giáo dục hiện nay rồi lên án, phê phán suy nghĩ và ước mơ “đi học để làm quan” của người khác thì rất vô lý, chẳng khác gì đang giải quyết cái sai này bằng một cái sai khác.
Làm quan là làm cái gì và làm như thế nào là chuyện “hạ hồi phân giải” nhưng chắc chắn một điều là bất kỳ ai đó nếu muốn được làm quan thì trước tiên phải đi học. Thậm chí phải “đua nhau để học” vì “nhân bất học bất tri lý”. Đây là lẽ đương nhiên, một quy luật tất yếu và rất bình thường ở bất kỳ xã hội nào.
Hãy thể hiện sự quan tâm của mình về thực trạng xã hội có nhiều ông quan ông nghè nhưng lại chẳng làm nên trò trống gì chứ không nên lo chuyện có nhiều người học không chăm lo học làm nghề, giỏi nghề mà chỉ mong muốn được làm quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét