LĐO - Hội đồng tái thẩm - Tòa án Nhân dân Tối cao quyết định hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên án tù chung thân với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người. Vụ án lại quay về vạch xuất phát của quá trình tố tụng. Thẩm quyền điều tra, truy tố và xét xử lại thuộc các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang. Dư luận lại “căng mình” lo cho ông Chấn.
Trách nhiệm... dồn xuống dưới
Kháng nghị tái thẩm vụ án “Nguyễn Thanh Chấn giết người” của Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã được Hội đồng tái thẩm - TAND Tối cao chấp thuận.
Như vậy, hung thủ Lý Nguyễn Chung tự thú nhận đã giết người là tình tiết mới - do chưa qua quá trình tố tụng - nên tạm gọi là thủ phạm. Ông Nguyễn Thanh Chấn cũng mới chỉ “thoát” không phải ngồi tù. Oan hay không lại phải chờ các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang phán xét sau quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
Với quyết định tái thẩm của Hội đồng thẩm phán - TAND Tối cao, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang “lãnh đủ” trách nhiệm trong vụ án này, nếu ông Chấn được chứng minh là vô tội. “Kịch bản” của quá trình tố tụng diễn biến như sau:
Công an tỉnh Bắc Giang hẳn khó có kết luận rằng ông Chấn phạm tội giết người, bởi những dấu vết lưu lại tại hiện trường sẽ không thể khớp với dấu vân tay, vết chân của ông Chấn, đặc biệt là dấu tay có vết máu trên cửa, thanh sắt cài cửa, côngtắc ổ điện, trên chiếc gối đậy mặt chị Hoa - đã được cơ quan điều tra bỏ qua.
Trên phương tiện thông tin, ông Vũ Đức Khiển đã phân tích các tình huống mà cơ quan tố tụng ở tỉnh Bắc Giang sẽ có thể là:
Tình huống thứ nhất: Nếu Cơ quan điều tra - Công an tỉnh ra quyết đình chỉ điều tra đối với ông Chấn không phạm tội. Vậy, việc bồi thường cho ông Chấn sẽ thuộc Công an Bắc Giang.
Tình huống thứ hai: Cơ quan điều tra - Công an Bắc Giang vẫn có kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND tỉnh làm cáo trạng truy tố ông Chấn. Trong trường hợp Viện KSND tỉnh không ra cáo trạng truy tố, mà có quyết định đình chỉ điều tra thì Công an Bắc Giang phải bồi thường.
Nếu Viện KSND tỉnh vẫn ra cáo trạng truy tố, nhưng khi xét xử, TAND tỉnh tuyên bố ông Chấn không phạm tội, thì Viện KSND tỉnh phải bồi thường.
Với “vòng quay” tố tụng này, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Viện KSND Tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm của TAND Tối cao đã không còn “dính” đến việc bồi thường với ông Chấn. Dù rằng, bản án phúc thẩm “chốt hạ” mức án tù chung thân với ông Chấn.
Quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng Viện KSND Tối cao và chấp nhận quyết định đó của Hội đồng tái thẩm - TAND Tối cao đã ra tay “cứu” chính bàn thua “trông thấy” trong việc thực hiện bồi thường cho ông Chấn.
Dư luận hẳn cũng đã “tỏ tường” vì sao lại là quyết định tái thẩm chứ không kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này.
Vật vã tìm công lý
Ông Nguyễn Thanh Chấn cũng lại phải đối mặt với vòng quay của quá trình tố tụng từ giai đoạn đầu.
Dư luận không khỏi lo lắng khi xuất hiện tình tiết mới. Đó là việc các điều tra viên tham gia thụ lý, điều tra vụ án đã đồng loạt phủ nhận việc ông Chấn đã cáo buộc họ đã ép cung, dùng nhục hình để ông phải nhận tội, như lời ông kêu khi thụ án và ngay cả tại hai phiên tòa xét xử ở cấp sơ và phúc thẩm.
Các điều tra viên sẽ “tung” câu hỏi: Bằng chứng đâu? Lại một “kịch bản” được dư luận đặt ra :
- Ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ không có bằng chứng, ngoài những dòng chữ viết “rút” từ tim gửi cho mẹ, nói bị hàm oan, bị đánh đập, bị ép cung để nhận tội, những lá đơn đã viết khi thụ án, những lời tố cáo công khai tại hai phiên tòa.
- Ông Chấn liệu có bị khép vào tội vu khống cán bộ điều tra ép cung, dùng nhục hình với ông?
- Khi Lý Nguyễn Chung đầu thú nhận đã giết người, ông Chấn không bị ép cung, bị dùng nhục hình nhưng đã nhận tội. Một là, ông Chấn sẽ rơi vào diện bị “tâm thần hoang tưởng”, khai báo linh tinh để Công an Bắc Giang có kết luận điều tra không chính xác. Nhưng chứng cứ trong bản kết luận điều tra lại chặt chẽ, hoàn hảo đến mức Viện KSND tỉnh, Hội đồng xét xử không thể “vạch lá” tìm ra những vi phạm tố tụng, từ lời khai của một người có "vấn đề về tâm thần", không giết người mà lại khai và tự viết đơn nhận tội như thật, khi dựng lại hiện trường cũng diễn... chuẩn.
Trong tình huống mà ông Chấn minh mẫn, việc tố cáo các điều tra viên ép cung, dùng nhục hình - đã được cả 6 điều tra viên phủ nhận bằng văn bản - ông Chấn liệu sẽ bị khép vào điểm c,e khoản 2, Điều 122 Bộ luật Hình sự: Tội vu khống?
Và “kịch bản” cuối cùng mà dư luận chờ đợi, cũng là để “chốt” lại ông Chấn vu oan hay các cán bộ điều tra có ép cung, dùng nhục hình, thì 6 cán bộ điều tra đã thụ lý vụ án - nay dù đang giữ những vị trí trọng trách của Công an tỉnh Bắc Giang - liệu có dám làm đơn yêu cầu làm rõ việc ông Chấn có phạm phải tội danh này không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét