Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Mạng xã hội và thông tin đa chiều

Khánh Sơn

Khi tra cứu trên mạng internet, tôi bắt gặp những hình ảnh hàng trăm người dân Văn Giang ở đủ mọi lứa tuổi, đang tham quan tại dự án Khu đô thị Thương mại & Du lịch Văn Giang (Ecopark).

Điều này, làm cho tôi không khỏi trăn trở, bởi trước đó, trên các trang facebook, blog của một số cá nhân đã có rất nhiều những hình ảnh băng rôn, khẩu hiệu khiếu kiện các cơ quan nhà nước, từ Trung ương, đến địa phương Hưng Yên, xoay quanh các vấn đề liên quan đến dự án Khu đô thị tầm cỡ này.

Đây không phải là những bức ảnh giả mạo, và đây cũng không phải là những bức ảnh thể hiện sự thiểu số.

Một câu hỏi khá đơn giản được đặt ra cho chúng ta trước những hình ảnh đó, thế thì đâu mới là “nhân dân” thực sự?

Sao ai cũng có thể nhân danh “nhân dân” được? Và việc chuyển tải những thông tin trên mạng xã hội về các sự kiện đang diễn ra hàng ngày hàng giờ xung quanh chúng ta, mức độ khách quan đang được đong đếm như thế nào?

Phải chăng văn hóa tiếp cận mạng xã hội đang có vấn đề?

Quả thực, ai cũng hiểu, đất đai luôn là một vấn đề phức tạp, nóng bỏng và dễ nảy sinh khiếu kiện nhất, ở Việt Nam, tỷ lệ khiếu kiện xoay quanh các lĩnh vực đền bù, giải tỏa mặt bằng luôn chiếm tỷ lệ cao khủng khiếp, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.

Điều này lại càng chính xác hơn với các dự án BĐS có quy mô, tầm cỡ, và nhất là mang yếu tố giáp ranh với địa bàn hành chính của thủ đô, như Ecopark là một ví dụ điển hình.

Khi thực tế các cấp chính quyền ở Việt Nam đang khá lúng túng với việc tiếp dân theo quy mô lớn, chưa thực sự đáp ứng được tính chuyên nghiệp cần thiết của nó.

Khi phản xạ của truyền thông chính thống chưa bắt kịp với nhu cầu thông tin của người dân và dư luận quan tâm, thì có thể xem mạng xã hội như là một công cụ hữu hiệu trước mắt để người dân có thể nhanh chóng thể hiện quan điểm, chia sẻ suy nghĩ của mình, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của dư luận.

Với ưu điểm của mạng xã hội và những hiệu ứng hỗ trợ của cộng đồng mạng, nếu được tiến hành đúng hướng, ắt hẳn sự tích cực, hiệu quả được mang lại cho người dân là không nhỏ.

Tuy nhiên, vấn đề nào cũng luôn tồn tại hai mặt, phải thừa nhận rằng văn hóa tiếp cận mạng xã hội của chúng ta đang “có vấn đề”.

Không ít thông tin đã được đưa một cách vội vã, chưa được kiểm chứng và gây hiểu nhầm, thậm chí gây hoang mang trong dư luận.

Có không ít người quan tâm tới các sự kiện chính trị - xã hội và họ cũng muốn lan tỏa các vấn đề đó đến với dư luận rộng rãi hơn, nhưng thật tiếc, những thông tin họ đưa chỉ thuần túy một chiều, hoặc là họ không có thông tin đa chiều, hoặc là họ chỉ chọn phương án lan tỏa đúng với “chiều sở thích” của họ, bất biết rằng hậu quả cho những sự thiên lệch đó là như thế nào!

Chính thống, lá cải và rối nhiễu?

Tôi đặt câu hỏi vai trò của báo chí chính thống đang như thế nào?

Đại đa số các tờ báo chí chính thống của Việt Nam, trên thực tế đang càng ngày càng đánh mất ưu thế trước các công cụ mạng xã hội.

Mức độ “lá cải” của họ ngày càng tăng. Không quá khó khăn để “thư giãn” với các chủ đề cướp, giết, hiếp và hàng trăm thứ tào lao trên báo của họ, hãy thử vào một trong số những tờ báo điện tử được mệnh danh là nhiều người đọc nhắt Việt Nam thử xem, tràn ngập những bài báo vô thưởng vô phạt với dững tiêu đề ngô nghê, hài hước.

Những người thạo tin, muốn quan tâm thực sự tới hiện tình của đất nước, xã hội, không còn cách nào khác là chấp nhận gửi gắm niềm tin vào các trang mạng xã hội, một hình thức đặt cược niềm tin theo lối năm ăn năm thua khá may rủi!

Cách đây hơn một năm (04/2012), ngay trong đợt chính quyền tỉnh Hưng Yên tiến hành cưỡng chế, hỗ trợ thi công bàn giao một phần mặt bằng dự án Ecopark cho Nhà đầu tư là công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng, trên một số trang mạng cá nhân đã phát đi thông tin cho rằng, bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Chủ tịch HĐQT của nhà đầu tư này.

Đây là một thông tin hoàn toàn không chính xác, xuất phát từ sự hiểu nhầm cơ bản về hai công ty có cùng tên là Việt Hưng (một ở TP HCM, và một ở Hưng Yên).

Mặc dù đã được đính chính, nhưng mức độ lan tỏa của thông tin này là khủng khiếp, đã gây không ít sóng gió trong dư luận.

Và chính Chủ đầu tư của Ecopark cũng đã phải có văn bản khẳng định không có bất cứ sự liên quan pháp lý nào của bà Nguyễn Thanh Phượng trong dự án Ecopark.

Một việc bất đắc dĩ phải làm mà ngẫm ra, khá thú vị và buồn cười trong thời buổi thông tin hiện đại!

Rõ ràng, đây cũng là một ví dụ điển hình về sự mập mờ thông tin trong bối cảnh không gian mở của mạng internet, mà những người quan tâm tới các dữ kiện, biến động trong đời sống chính trị - xã hội Việt Nam cần phải khách quan và nghiêm túc hơn khi tiếp cận nó!

Thiết nghĩ, tiếp cận mạng xã hội một cách bộp chộp, thiếu sự thận trọng và bình tĩnh cần thiết, đang là một đặc điểm rất đặc trưng trong xã hội thông tin hiện đại của Việt Nam.

Một người bạn của tôi đã từng ví von khá hóm hỉnh, hài hước, rằng phong cách “chơi mạng” của dân mình, chả khác gì một gã trọc phú làng, sáng mai bất ngờ thức dậy với một chiếc vest sặc sỡ, cầu kỳ, và họ tự tin ra đường với thiên hạ để chứng minh đẳng cấp của mình.

Nhưng cũng vì bộp chộp quá mà họ đã quên khuấy mất một điều rằng, trên đôi chân vòng kiềng của họ, vẫn đang là quần đùi, không hơn không kém!

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, người đang sinh sống ở Việt Nam.

Nguồn: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét