NĐT - Còn rất nhiều câu hỏi được nêu ra trong phiên toà xử đại án Oceanbank dù ngày tuyên án đã sắp cận kề. Một câu hỏi mà rất nhiều người đang thắc mắc và có lẽ chúng ta phải thẳng thắn với nhau là Oceanbank có giá trị bao nhiêu cho tới thời điểm Hà Văn Thắm bị bắt?
Những câu chuyện "rất thật" và quá nhiều câu hỏi
Sắc sảo và thông minh, Hà Văn Thắm làm đa số người theo dõi phiên toà xử đại án Oceanbank đều thán phục vì khả năng hùng biện và dẫn dắt của bị cáo từ những câu hỏi tới những câu chuyện được cho thực tế đời thường.
Là phần tự bào chữa diễn ra dài nhất trong số 51 bị cáo tại toà, Hà Văn Thắm lường trước được sự sốt ruột của HĐXX nên đã dạm trước vì là người bị quy kết nhiều tội danh nhất, cũng là người giữ vị trí cao nhất trong 51 bị cáo với vai trò Chủ tịch HĐQT nên phần tự bào chữa sẽ khá dài.
Sau đó là phần nội dung chính, bị cáo bắt đầu bằng một câu chuyện, có thể nó là có thực hoặc không, nhưng nó là sợi dây kết nối các vấn đề bị cáo muốn đưa ra. Trước tiên, Hà Văn Thắm nói: Bị cáo đã tự truy vấn mình xem mình có tội tới đâu, vì thế đã nhờ anh bạn cùng phòng đọc cáo trạng và đưa các câu hỏi cho Thắm. Theo Thắm thì “anh này khá thông minh nhưng không hiểu gì về luật pháp, không hiểu gì về tài chính ngân hàng”.
Theo đó, anh bạn cùng phòng này đã đặt cho bị cáo Thắm hàng loạt câu hỏi: “Tại sao anh lại làm chủ mưu vi phạm quy định cho vay, làm mất tiền OceanBank do anh làm chủ? Tại sao anh lại cố ý làm trái quy định của nhà nước để gây thiệt hại cho chính NH của anh làm chủ? Anh khôn như thế anh cố tình làm trái để làm lợi cho Oceanbank rất nhiều phải không?"
Tại sao anh lại giúp sức cho nhân viên cấp dưới của mình chiếm đoạt tài sản của ngân hàng anh làm chủ, chính anh? Tại sao anh đi giúp sức cho cấp dưới đi tham ô tài sản của đối tác chiến lược của mình?
Có phải lúc đó anh có vấn đề gì không khi tự phá NH của mình? Nếu có vấn đề về thần kinh thì anh nên trình bày với HĐXX để được xem xét...”.
Đó là câu chuyện đầu tiên để dẫn vào những câu hỏi mà theo Thắm là thắc mắc của đa số công chúng khi theo dõi vụ án và cũng là câu hỏi đặt ra cho HĐXX. Tiếp đó là câu chuyện thứ 2, câu chuyện về một vị khách hàng muốn gửi tiết kiệm ở ngân hàng Oceanbank, nhưng lại băn khoăn vì cái biển chưng lãi suất 14%. Vị này nói với Thắm: Tôi đang định để dành tiền để sang năm mua cái ô tô tặng cậu con rể sắp cưới. Vì thế tôi muốn gửi tiền ở ngân hàng Oceanbank, nhưng hiện nay lạm phát đang 16-18%, nếu gửi với lãi suất 14% của ngân hàng thì liệu sang năm tôi có mua được ô tô không? Nhỡ năm nay thì mua được 4 bánh nhưng sang năm chỉ mua được 3 bánh thì sao?” (theo lời kể của Thắm).
Theo Hà Văn Thắm thì đó là nguyên nhân để Oceanbank phải chi ngoài, làm trái quy định trong thông tư 02 về vượt trần lãi suất, nếu không sẽ chẳng có ai gửi tiền vào ngân hàng và nếu bây giờ HĐXX có bắt Oceanbank thu lại số tiền chi lãi ngoài thì có lẽ vị khách hàng kia sẽ phải tháo một chiếc bánh ô tô để mang tới ngân hàng trả lại, hoặc giả là các nhân viên ngân hàng phải bỏ tiền túi ra để trả lại.
Sau những câu chuyện, những giả thiết, Hà Văn Thắm tiếp tục trở lại với những con số, những “uẩn khúc” trong câu chuyện về ngân hàng 0 đồng Oceanbank.
Thực tế Oceanbank có giá trị bao nhiêu khi Hà Văn Thắm bị bắt?
Theo dõi vụ án, nhiều người đặt một câu hỏi chung, vậy thực sự Oceanbank có giá trị bao nhiêu cho tới thời điểm Hà Văn Thắm bị bắt. Có quá nhiều quan điểm xung quanh câu chuyện này và sau đây chúng tôi chỉ xin lược lại những quan điểm đó qua những lời khai của các bị cáo và kết luận của thanh tra, giám sát NHNN.
Trong phần đối chất tại phiên toà, khi trả lời câu hỏi của luật sự, bị cáo Nguyễn Thị Nga, nguyên Giám đốc khối Tài chính – Kế hoạch Oceanbank cho biết, báo cáo lợi nhuận hơn 1 năm sau khi Oceanbank bị NHNN mua lại 0 đồng cũng do đích thân bà Nga lập và ký, lợi nhuận ngay lập tức sau khi ngân hàng bị mua 0 đồng là hơn 1.000 tỷ đồng vào cuối năm đó (2015). Đến bây giờ con số thu hồi nợ có thể đã hơn 5.000 tỷ đồng.
Tại phiên toà, ông Trần Đình Hùng - đại diện theo ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Kết luận thanh tra cuối cùng vào đầu năm 2014, NHNN có gồm: Đến 31/3/2014, OceanBank có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, phát hành 400 triệu cổ phần, 1.137 cổ đồng, 16 cổ đông pháp nhân, 1.120 cổ đông cá nhân trong nước. Tổng tài sản 129.040 tỷ đồng, LNST lỗ 10.188 tỷ đồng, trích dự phòng rủi ro tín dụng 8.200 tỷ đồng”.
Theo kết quả thanh tra, nợ xấu tính đến 31/3/2014 là 14.923 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ, trong đó có bao gồm hồ sơ ủy thác đầu tư chuyển sang nợ xấu.
Trên cơ sở kiểm tra đánh giá mức độ vi phạm, nguy cơ rủi ro, NHNN yêu cầu OceanBank trích lập bổ sung dự phòng rủi ro 10.300 tỷ đồng, nhưng kết quả sau thanh tra, lợi nhuận trước thuế của OceanBank âm 10.233 tỷ đồng. Sau khi có kết luận thanh tra cuối cùng, ngày 6/5/2015, NHNN đã quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng.
Tuy nhiên, khi Hà Văn Thắm trình bày tại toà thì lại là một thực tế khác về Oceanbank. Cụ thể, Thắm nói:
Hơn 1 năm sau khi Oceanbank bị NHNN mua lại 0 đồng, bị cáo mới được biết về vụ việc trên và hoàn toàn “ngã ngửa” với thông tin trên. Bởi, theo cáo trạng, ngày 31/3, Oceanbank đang lỗ khoảng 10.000 tỷ, nhưng thực ra đó là số tiền để trích lập dự phòng vì thế chỉ có thể coi là dự kiến lỗ chứ không thể coi là lỗ.
Cùng với đó, đến thời điểm tháng 10/2014, Hà Văn Thắm xác nhận ngân hàng đã thu được về 8.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có nhiều khoản tiền là do bị cáo bán tài sản của mình đi để nộp vào. Đến thời điểm hiện tại thì công nợ có thể coi là thu được đa số và ngân hàng đã lãi ở thời điểm hiện tại.
Theo đó, bị cáo cho biết mỗi lần thu hồi được công nợ đều có báo cáo lại với cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng với mong muốn được ghi nhận vào trong cáo trạng. Tuy nhiên cơ quan thanh tra, giám sát đều với một thái độ nhất nhất rằng họ có thể ghi nhận hoặc không ghi nhận đó là quyền của họ. Bởi một lý do đơn giản là số liệu trong cáo trạng tới ngày 31/3/2014 và nó không sai.
Thừa nhận cơ quan thanh tra giám sát NHNN không sai, nhưng bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng việc để con số lỗ 10.000 tỷ, âm vốn chủ sở hữu và nợ xấu lên tới 14.000 tỷ trong cáo trạng sẽ làm xấu hình ảnh Oceanbank trong mắt công chúng và các nhà chức trách.
Quả thực, con số tại một thời điểm rất khó để nói lên hết tình trạng thực tế của một doanh nghiệp, đặc biệt là một ngân hàng. Đôi khi, chúng ta hoan hỉ khi thấy con số dư nợ tín dụng của một ngân hàng lên tới hơn 20%, kỳ vọng con số đó sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Nhưng ngân hàng là ngành nghề kinh doanh luôn phải đối mặt với những rủi ro, nợ xấu nên mới cần phải trích lập dự phòng rủi ro và dự kiến lỗ.
Theo chia sẻ của một số nguyên giám đốc chi nhánh ngân hàng Oceanbank, cũng là cổ đông tại ngân hàng này thì: Sau khi bị mua 0 đồng, kết quả kinh doanh cuối năm của OceanBank lãi hơn 1.000 tỷ đồng nhờ hoàn trích lập dự phòng rủi ro từ việc thu nợ các khoản Nợ quá hạn nhưng ngân hàng phải "giấu lãi” và cũng không dám thực hiện thưởng tết cho nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao vì e ngại về việc mới mua 0 đồng mà đã được nhận thưởng do hoạt động có lợi nhuận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét