Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Hàng trăm tỷ trong sổ tiết kiệm bốc hơi: Nhà giàu chết lặng

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

VNN - Gửi tiết kiệm ngân hàng được xem là khá an toàn. Song gần đây, nhiều khách hàng có tiền gửi trong sổ tiết kiệm bị "bốc hơi". Nguyên nhân thường do sai lầm từ người gửi hoặc do cán bộ ngân hàng câu kết lừa đảo khách hàng.

17 sổ tiết kiệm hơn 400 tỷ "bốc hơi' sau 5 năm

Dư luận đang xôn xao việc hơn 400 tỷ "bốc hơi' sau 5 năm gửi tại Oceanbank.

Sự việc bắt nguồn từ năm 2012, 17 khách hàng đến OceanBank Hải Phòng để gửi tiết kiệm, được nhân viên hướng dẫn mọi thủ tục và được trao sổ tiết kiệm. Nhưng khoảng đầu 9/2017, họ đi tất toán thì được thông báo sổ không hợp lệ, hơn 400 tỷ đồng không có trong hệ thống.

Liên quan đến vụ việc, đã có ba cán bộ của Ngân hàng Đại Dương chi nhánh Hải Phòng bị khởi tố. Cả ba người này đã câu kết lừa đảo 17 khách hàng trên.

Đây không phải lần đầu khách hàng bị mất tiền gửi trong ngân hàng. Trước đó, không ít khách hàng cũng gặp tình trạng tương tự, vì nhiều lý do.

Khách tố gần 9 tỷ tiền gửi "không cánh mà bay"

Trong đơn khiếu nại, bà Nguyễn Bạch Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết bà gửi 8,7 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) từ năm 2012. Ban đầu, bà gửi theo hình thức tiết kiệm nhưng sau khi được bà Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng giao dịch (PGD) số 14 - tư vấn chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang bảo lãnh ngân hàng sẽ được hưởng lãi suất cao lên tới 12%/năm (tại thời điểm năm 2014), bà Mai đồng ý.


Sự việc nảy sinh khi giữa năm 2016, bà Mai cần tiền nên đã liên lạc với bà Hà để tất toán số tiền đã gửi, nhưng bà này viện nhiều lý do để thoái thác không trả tiền. Đầu tháng 1/2017, bà Mai đến trực tiếp PGD số 14 để rút tiền thì nhân viên giao dịch tại đây thông báo số tiền trong tài khoản của bà đã được rút hết, trong khi bà Mai khẳng định từ khi gửi tiền tại ngân hàng chưa hề thực hiện bất kỳ giao dịch chuyển, rút tiền nào trong tài khoản.

Qua kiểm tra, ngân hàng cho rằng bà Hà đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình ký, đóng dấu trên các tờ bảng kê tiền gửi. Giấy này do bà Hà tự lập ra, không thuộc mẫu biểu, chứng chỉ do ngân hàng cung cấp, không tuân thủ theo mẫu quy định của ngân hàng. Bà Hà đã nghỉ việc tại NCB từ tháng 9/2016 vì lý do cá nhân.

32 tỷ trong sổ tiết kiệm bất ngờ "bốc hơi"

Năm 2016, vụ việc bà Ngô Phương Anh (Đà Lạt) gửi đơn tố cáo ông Phạm Thế Long - nguyên Giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh Tây Hồ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của bà cũng khiến dư luận xôn xao.

Sổ tiết kiệm 32 tỷ đồng này có liên quan tới giao dịch mua bán nhà giữa bà với bà Bùi Thị Anh Thư. Ngày 20/4/2016, hai bên chính thức tiến hành thủ tục chuyển nhượng sổ tiết kiệm tại phòng giao dịch của BIDV ở Giảng Võ.

Theo bà Phương Anh, ông Phạm Thế Long - nguyên Giám đốc phòng giao dịch - là người trực tiếp thực hiện việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm này. Trước lúc chuyển nhượng, ông Long đưa cho bà một tờ giấy trắng và yêu cầu ký với lý do để xác nhận chữ ký có giống với mẫu từng đăng ký tại ngân hàng không.

Hơn hai tháng sau, bà nhờ người nhà kiểm tra trên hệ thống BIDV mới biết toàn bộ 32 tỷ trong sổ tiết kiệm đã được rút từ ngày 22/4/2016 - ngày bà ký vào nhiều giấy tờ khống để làm thủ tục sang tên sổ tiết kiệm.

43 tỷ trong 5 cuốn sổ tiết kiệm bỗng dưng biến mất

Giữa năm 2016, anh Lê Đình Trung (SN 1980, phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã làm đơn khởi kiện Giám đốc Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang và Giám đốc Ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ.

Từ ngày 1-2/6/2016, vợ chồng anh nhận được điện thoại của ông Lê Hữu Phước (bố đẻ anh Trung) nói anh lên Ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ để ký giấy dự thưởng. Anh Trung và vợ lên ngân hàng đưa CMND và được nhân viên tên Lan Anh đưa rất nhiều tờ giấy trắng (giấy A4) cho vợ chồng anh ký.

Đến ngày 4/7/2016, anh Trung phát hiện 5 cuốn sổ tiết kiệm để ở nhà biến mất nên nghi ngờ những giấy tờ anh chị đã ký trước đó. Hôm sau, vợ chồng anh lên ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ để hỏi thì được nhân viên cho biết, những giấy anh chị ký hôm trước là giấy chuyển nhượng. 5 cuốn sổ tiết kiệm trị giá hơn 43,5 tỷ đồng của vợ chồng anh đã chuyển sang tên ông Phước và bà Hồng (là bố mẹ anh Trung).
***

5 sai lầm có thể khiến sổ tiết kiệm ‘bốc hơi’

Khách hàng khi gửi tiền ngân hàng nên tránh những sai lầm dưới đây để cuốn sổ tiết kiệm không bị “bốc hơi” đáng tiếc:

1. Ký sẵn chứng từ

2. Không mở sổ tiết kiệm tại quầy

3. Gửi tiền trước, nhận sổ hoặc chứng từ sau

4. Không làm đúng thủ tục, quy trình tất toán sổ

5. Thay đổi chữ ký liên tục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét