(TBKTSG) - Ngày 19-1, Công ty cổ phần Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VIISA) (1) đã khai mạc khóa đầu tiên của chương trình tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Kế hoạch của VIISA là sẽ dành mức đầu tư 6 triệu đô la Mỹ để giúp các startup cất cánh và đạt tổng vốn hóa thị trường 100 triệu đô la sau 3-5 năm. TBKTSG đã có cuộc trao đổi ông Adrian Tan, Giám đốc VIISA.
TBKTSG: Với ngân sách đầu tư 6 triệu đô la cho mục tiêu đạt mức vốn hóa thị trường 100 triệu đô la sau 5 năm, điều này liệu có khả thi?
- Ông Adrian Tan: Tỷ lệ thành công của các startup khoảng 10%, tức nếu chúng tôi đầu tư vào 100 startup thì có thể có tới 90 trong số đó thất bại. Nhưng không sao, chúng tôi nhìn vào 10 startup còn lại, mỗi startup đạt giá trị vốn hóa thị trường 10 triệu đô la thì mục tiêu 100 triệu đã đạt được.
Mỗi năm chúng tôi có hai khóa tuyển startup. Khóa đầu tiên đã tuyển được tám startup, trong số này có những startup rất tốt cùng với người sáng lập giỏi về kiến thức, giàu về kinh nghiệm khởi nghiệp. Chúng tôi cũng như các nhà đầu tư khác hoàn toàn tin tưởng họ có khả năng phát triển và được định giá từ 50-100 triệu đô la Mỹ.
Chúng tôi đặt mục tiêu tuyển 10 startup ở khóa thứ hai và 15 startup từ khóa thứ ba trở đi. Như vậy trong năm năm, chúng tôi có hơn 130 startup và tôi kỳ vọng 10% trong số đó sẽ thành công.
Mỗi startup, chúng tôi đầu tư 30.000 đô la Mỹ gồm một nửa tiền mặt và một nửa được tính vào cơ sở hạ tầng, nơi làm việc, hoạt động tư vấn pháp lý...; đổi lại, trong đa số trường hợp, VIISA sẽ giữ 5% cổ phần của startup.
TBKTSG: Giả sử VIISA đạt mục tiêu đặt ra, nhưng 5% của 100 triệu là 5 triệu đô, vẫn thấp hơn ngân sách 6 triệu đô ban đầu...
- Chúng tôi chia đều ngân sách đầu tư làm hai phần: 3 triệu đô dành đầu tư vòng đầu cho các startup được tuyển vào trung tâm, phần còn lại sẽ tiếp tục rót vào các vòng gọi vốn tiếp theo của startup.
Lấy ví dụ thế này, chúng tôi đầu tư vào 10 startup, mỗi startup 15.000 đô. Sau một thời gian, 9 trong số đó thất bại, 1 startup còn lại tiếp tục tăng trưởng và họ cần thêm vốn để mở rộng. Bước tiếp theo, startup thường gọi số vốn vài trăm ngàn đô, giả sử là 250.000 đô và các nhà đầu tư khác chỉ đồng ý rót 150.000 đô, chúng tôi sẽ rót 100.000 đô la phần vốn cần gọi còn lại để đi cùng startup. Việc đầu tư như thế giúp chúng tôi giảm được nhiều rủi ro so với vòng đầu. Lúc này, tỷ lệ cổ phần nắm giữ của chúng tôi đã tăng lên hơn 5%.
TBKTSG: Với 90% startup thất bại, công ty ông sẽ làm gì?
- Có rất nhiều lý do dẫn đến thất bại của một startup. Có thể do thị trường chưa sẵn sàng hoặc sản phẩm không phù hợp... Nhưng cần hiểu startup thất bại không đồng nghĩa với người sáng lập thất bại. Họ vẫn là những tài năng. Qua thất bại, họ có kinh nghiệm, điều này rất quý. Chúng tôi sẽ kết nối họ vào làm cho các startup khác hoặc cho các doanh nghiệp phù hợp tại Việt Nam. Đó có thể là công việc tại phòng nghiên cứu và phát triển, cũng có thể là theo một dự án riêng. Điều này chúng tôi đã trải qua ở Singapore khi tôi còn làm việc tại JFDI (Joyful Frog Digital Innovation).
TBKTSG: Làm sao ông có thể tuyển 20-30 startups mỗi năm?
- Cần hiểu chúng tôi cung cấp một nền tảng tại Việt Nam giúp các startup vươn ra toàn cầu. Do vậy, đối tượng tìm kiếm của chúng tôi là các startup tại nhiều quốc gia khác nhau chứ không chỉ riêng tại Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi có một đối tượng khá thú vị khác là các doanh nghiệp lớn. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày nay, các doanh nghiệp lớn luôn có nhu cầu đổi mới sáng tạo để cạnh tranh. Tôi biết có nhiều doanh nghiệp, để cho ra đời một sản phẩm mới, tổng chi phí họ phải chi ra khoảng 2 triệu đô la Mỹ từ khảo sát thị trường đến nghiên cứu, phát triển sản phẩm, sản xuất và đưa ra thị trường. Thế nhưng sản phẩm mới này không phải lúc nào cũng thành công. Như vậy, VIISA có thể cùng với doanh nghiệp xây dựng một startup để thực hiện dự án của họ. Điều này giúp doanh nghiệp giảm bớt rủi ro, rút ngắn thời gian nghiên cứu và tiết kiệm chi phí khi thực hiện dự án. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ bắt đầu với các doanh nghiệp đa quốc gia, những người vốn quen thuộc với câu chuyện này.
TBKTSG: Ông có thể nói sơ lược công việc trong tuần của chương trình?
- Thứ Hai, chúng tôi sẽ họp cùng tất cả các startup, ở đó, mọi người chia sẻ kinh nghiệm, bài học và tìm kiếm sự giúp đỡ lẫn nhau. Thứ Ba là ngày dành riêng cho hoạt động cố vấn (mentor). Thứ Tư, tôi làm việc riêng với từng startup để trao đổi sâu hơn về các vấn đề của họ. Thứ Năm là ngày dành cho bài tập thuyết trình gọi vốn và giao lưu. Thứ Sáu là ngày tự do, sở dĩ như vậy là vì VIISA có startup từ khắp nơi chứ không riêng gì tại TPHCM nên có thể họ cần về Hà Nội hoặc Singapore hay một quốc gia khác.
Nói ngắn gọn, công việc của chúng tôi là giúp các startup giải quyết các vấn đề họ gặp phải, kết nối họ với chuyên gia, nhà đầu tư và giúp họ phát triển.
(1) VIISA được sáng lập bởi ba đơn vị chính là quỹ đầu tư Dragon Capital, quỹ đầu tư mạo hiểm FPT và tập đoàn đầu tư Hàn Quốc Hanwha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét