Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Quản lý chặt đầu tư công năm 2017

Văn Nam

(TBKTSG Online) - Trong năm 2017 các địa phương, bộ ngành đặc biệt lưu ý đến việc quản lý chặt chẽ các khâu đầu tư công, nhất là thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn, quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư, không bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư năm 2017 nếu không cân đối đủ vốn cho dự án trong trung hạn.

Trên đây là một số nội dung về công tác quản lý đầu tư công năm 2017 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra tại báo cáo ngày 27-12 về kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2016.

Về tình hình giải ngân vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tổng số vốn kế hoạch năm 2016 là 261.581 tỉ đồng. Đến hết tháng 12-2016 vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đã giải ngân được 201.991 tỉ đồng, đạt 81,6% kế hoạch năm và tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số đó, có 8 bộ ngành trung ương và 21 địa phương giải ngân trên 90% kế hoạch. Tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị có số vốn nhỏ chưa giải ngân hoặc giải ngân dưới 50% kế hoạch.

Kế hoạch giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 là 60.000 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 12-2016 các bộ ngành, địa phương giải ngân được khoảng 26.214 tỉ đồng, đạt 55,2% kế hoạch và đáng chú ý là có đến 2 bộ ngành và 5 địa phương giải ngân dưới 40% kế hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nhìn chung năm 2016 tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước vốn kế hoạch năm đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, hạn chế tối đa việc ứng trước vốn kế hoạch đầu tư công.

Tuy nhiên, việc giải ngân, điều hòa vốn kế hoạch đầu tư công ở một số bộ ngành, địa phương vẫn còn chậm, đặc biệt là kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ mặc dù đã được giao vốn cho các dự án trong nhiều năm nhưng 12 tháng năm 2016 chỉ giải ngân đạt 55,2% kế hoạch.

Một số bộ ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm các quy định về quản lý đầu tư công, còn tình trạng tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư vào các tháng cuối năm dẫn đến chất lượng công tác chuẩn bị dự án còn thấp. Bên cạnh đó còn có việc chuẩn bị dự án chưa tốt, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án không sát thực tế, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, nhà thầu không đủ năng lực thi công...

Một số giải pháp triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2017 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra là tiếp tục triển khai đồng bộ chủ trương, định hướng tài cơ cấu đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua.

Đi đôi với việc ưu tiên bố trí vốn để giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản, các cấp các ngành trong năm 2017 không để phát sinh nợ đọng mới. Ngân sách Nhà nước sẽ không bố trí vốn để thanh toán các khoản nợ phát sinh sau ngày 31-12-2014, hạn chế tối đa việc ứng trước vốn kế hoạch, trường hợp cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ từng dự án và phải đảm bảo có nguồn ứng trước và được cân đối đủ vốn đề hoàn trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Trong phần đánh giá chung về tình hình kinh tế-xã hội cả năm 2016, bên cạnh một số kết quả kinh tế đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nêu một số tồn tại trong năm 2016: thu ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, trong đó thu ngân sách trung ương không đạt kế hoạch đề ra, nợ đọng thuế còn lớn, triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt xấp xỉ 55% kế hoạch, quản lý tài sản, chi tiêu công còn lãng phí, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn.

Như TBKTSG Online đã đưa tin, Việt Nam sẽ cần một lượng vốn lớn lên đến 2 triệu tỉ đồng, tức gần 100 tỉ đô la Mỹ để chi tiêu đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2016-2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét