Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

“Tập trung vào thách thức, đừng bàn cơ hội từ TPP nữa”

T.Thu

(TBKTSG Online) - “Chúng ta đã nghe nhiều về cơ hội và lợi ích của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng đây là thời gian thích hợp để thay đổi... chúng ta cần trao đổi về thách thức để cùng nhau giải quyết nhằm tận dụng cơ hội”, ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VTFA), cho biết trong một hội nghị về TPP hôm qua 8-4.

Tại hội nghị “TPP: Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Công ty cổ phần truyền thông Nhân sự (HR Media) tổ chức tại TP.HCM, ông Nestor Scherbey cho rằng TPP là một hiệp định thương mại tự do phức tạp nhất trong lịch sử, với những cam kết dài đến 5.544 trang.

Trong đó, TPP tổng hợp tất cả những quy tắc mang tính kỹ thuật và phức tạp của Hệ thống kết hợp mã phân loại hàng hóa của thuế hải quan và những quy tắc phức tạp về Trị giá hải quan của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) 1994. Ngoài ra, TPP cũng có rất nhiều ngoại lệ riêng. Chính điều này tạo ra những thách thức to lớn cho cả doanh nghiệp và các cán bộ Chính phủ để có thể thấu hiểu và áp dụng chính xác các tiêu chuẩn cho những trường hợp cụ thể.

Để chứng minh cho sự phức tạp của TPP, ông Nestor Scherbey đưa ra một số ví dụ về quy tắc xuất xứ trong TPP mà người nghe không thể hiểu nổi nếu không phải là doanh nghiệp trong ngành.

Chẳng hạn như, về bình đun nước sôi, có mã HS thuộc chương 84 trong biểu thuế, để đáp ứng quy tắc về xuất xứ trong TPP, mã số HS cấp độ 6 số cho bình đun nước sôi 84.02.11 phải được chuyển đổi từ phân nhóm này sang phân nhóm khác trong cấp độ 4 số, hay phải phân loại hàm lượng khu vực như 35% theo cách tính trực tiếp, hoặc 45% theo cách tính gián tiếp, hoặc 55% theo cách tính giá trị tập trung, chỉ tính tới nguyên phụ liệu không có xuất xứ của nhóm 84.02.

Hay ngoài ra, tham gia TPP, doanh nghiệp Việt Nam có thể tự chứng nhận xuất xứ, nhưng TPP cũng quy định doanh nghiệp phải lưu trữ hồ sơ trong 5 năm để phục vụ cho việc hậu kiểm. Nếu hải quan kiểm tra và phát hiện có sai phạm trong việc tự chứng nhận xuất xứ thì doanh nghiệp có thể bị chế tài rất nặng, do đó doanh nghiệp cần dành thời gian và nguồn lực để áp dụng các quy định này một cách chính xác.

Do đó, chuyên gia này cho rằng trên thực tế, thương mại tự do không hẳn là tự do. 

Cũng theo ông Nestor Scherbey, TPP có hiệu lực vào năm 2017 hay 2018 không phải là điều quan trọng, vì dù 2017 hay 2018 thì thời gian còn lại cũng quá ngắn, do đó doanh nghiệp cần chuẩn bị cho TPP, và phải tìm hiểu ngay từ bây giờ các thách thức của TPP, về các quy tắc xuất xứ, các quy định về hài hoà hoá hải quan, định giá hải quan,…

“Chúng ta phải đặt câu hỏi là hiện chúng ta có bao nhiêu sản phẩm, và có biết chính xác mã HS cũng như xuất xứ cho tất cả các nguyên phụ liệu của sản phẩm đó hay không. Hãy tập trung vào thách thức đi, đừng bàn về cơ hội nữa. Thách thức là điều chúng ta phải giải quyết để tận dụng cơ hội này”, vị này nói. 

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, phần lớn nguyên phụ liệu của ngành may mặc nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó 60% nhập từ Trung Quốc. Do đó, từ đây đến năm 2018 (khi TPP dự kiến có hiệu lực), thực sự có nhiều doanh nghiệp may mặc rất lo vì thời gian còn quá ngắn, làm sao để chuẩn bị có nguyên liệu trong TPP nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” đối với hàng dệt may.

Cũng tại hội nghị, một số chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội từ TPP bằng cách hợp tác với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Theo bà Virginia Foote, Chủ tịch và là Giám đốc điều hành tại Bay Global Strategies (Mỹ) và là Đồng Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF), một trong những điều quan trọng nhất trong TPP là hợp tác, doanh nghiệp nước ngoài cũng cần hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, và doanh nghiệp Việt Nam cũng cần hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, bà Virginia Foote cho biết bà không thấy có sự hợp tác thực sự tại Việt Nam, vì các doanh nghiệp FDI thường đầu tư 100% vốn tại các cơ sở tại Việt Nam hơn là hợp tác kinh doanh. “Phải làm sao kết hợp được FDI và trong nước”, bà Virginia Foote nói.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, hiện đã có không ít doanh nghiệp FDI đang và chuẩn bị đầu tư dệt nhuộm tại Việt Nam, nhưng trong đó có những doanh nghiệp đầu tư khép kín từ kéo sợi đến cắt – may. Ông Hồng cho rằng, doanh nghiệp FDI không nên đầu tư khép kín như hiện nay mà nên liên kết với doanh nghiệp Việt Nam vì may mặc là thế mạnh của Việt Nam.

Tại Việt Nam, ưu thế của doanh nghiệp FDI ngày càng rõ, với việc chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng điều khác biệt ở Việt Nam so với Trung Quốc hay một số nước ASEAN khác là sự tách biệt giữa doanh nghiệp FDI và trong nước, không có liên kết giữa hai bên được dẫn dắt bởi ngành công nghiệp phụ trợ, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.

“Liệu có động lực để Việt Nam tăng trưởng mà không dựa vào lao động giá rẻ, doanh nghiệp FDI, mà dựa vào sự phát triển trỗi dậy của các ngành kinh tế trong nước liên kết được với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Thành đặt vấn đề.
***

Theo bà Virginia Foote, trong mùa hè năm nay, Quốc hội Mỹ bắt đầu tiến trình phê chuẩn hiệp định TPP. Mỗi nước TPP có quy trình phê chuẩn khác nhau. Các nước TPP được kỳ vọng triển khai các quy định cần thiết để hiệp định này có thể thực thi vào năm 2018.

Bà Virginia Foote cho rằng Việt Nam có nhiều quy định pháp luật cần phải điều chỉnh so với các nước khác trong TPP, nên bà hy vọng Việt Nam làm nhanh hơn để đáp ứng yêu cầu của TPP, cũng như hoàn tất các công việc liên quan đến pháp lý vào cuối năm 2017.

Trong vòng hai năm sau khi các nước ký kết TPP, hiệp định này sẽ có hiệu lực vào thời điểm 60 ngày sau khi tất cả các nước thành viên phê chuẩn và sẵn sàng để thực thi. Nếu trong hai năm mà hiệp định này không được đầy đủ 12 nước thành viên phê chuẩn, TPP vẫn sẽ có hiệu lực sau 60 ngày sau khi được 85% số thành viên TPP phê chuẩn. Các nước thành viên còn lại có thể tham gia TPP sau khi đã phê chuẩn và thực thi các cam kết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét