Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

Con khóc là mẹ cho bú?

Nguyễn Hữu Long

(TBKTSG) - Con khóc thì mẹ cho bú! Câu dân gian muốn nói, em bé khát sữa, phải khóc thật to thì mới được bú; nếu ai cần gì, phải kêu to thì người khác mới giúp. Và người có khả năng, cũng sẽ chỉ chú ý giúp những người biết kêu gào.

Doanh nghiệp cần tiền thì sao? Lập tức kêu gào để gọi vốn? Và cứ có vốn rót vào thật nhiều là sướng, không quan trọng vốn từ đâu, vốn bao nhiêu? Thực tế, có nhiều doanh nghiệp khát vốn, được ai đó ngỏ ý đầu tư là mừng như bắt được vàng. Các thủ tục cấp và lấy vốn diễn ra nhanh chóng, như cái cách mà các bà mẹ dí “ti” vào em bé đang khát sữa, bé cứ thế mút lấy, mút để...

Nếu một em bé khát sữa gào khóc theo bản năng, thì doanh nghiệp khát tiền cần kêu gào một cách khôn ngoan và có tính toán. Và nếu một em bé khát sữa, khi được dí ti vào mồm là mút lấy mút để, thì một doanh nghiệp khát tiền chớ nên thấy ai nhá tiền ra là chộp lấy để rồi lợi đâu không thấy, chỉ thấy nợ nần chồng chất, cơ thể doanh nghiệp ngày càng ốm yếu.

Tiền với doanh nghiệp như máu. Máu cần lắm, nhưng không phải cứ bơm nhiều máu vào cơ thể là tốt. Máu cần bao nhiêu, dùng vào khi nào, có phù hợp với thể trạng không mới là quan trọng. Chưa kể, người cho máu còn đòi hỏi những điều kiện khắt khe mà người nhận máu khó lòng đáp ứng nổi.

Thực tế, có không ít doanh nghiệp, tiền bơm vào chỉ như “gió vào nhà trống”. Không hẳn là vì doanh nghiệp quá khó, thiếu tiền nhiều quá, nên bao nhiêu vẫn không đủ (như “tiền vào nhà khó”...). Ngược lại, tiền nhiều, nhưng dùng không đúng cách, bao nhiêu cũng hết mà không đem lại hiệu quả.

Không đúng cách có thể vì nhiều lý do:

1. Không có chiến lược, bạ đâu làm đó, làm gì cũng nửa vời, và không hiệu quả. Có tập đoàn đa ngành có rất nhiều dự án trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Dự án nào cũng dở dang, tiền vay từ ngân hàng rót vào rất nhiều, nhưng không hiệu quả. Dự án sau được lập để dùng tiền trả nợ cho dự án trước. Đến khi khoản vay của dự án sau đáo hạn, không có tiền trả nợ, tập đoàn lại lập dự án mới để vay tiền trả nợ cho nó. Và cứ thế, tiền vào tập đoàn như gió vào nhà trống, không biết bao nhiêu là đủ. Dự án mới lần lượt ra đời, và nợ nần cứ thế chồng chất, tập đoàn ngày càng rơi vào cảnh nợ gánh oằn vai.

2. Chiến lược sai do thiếu phân tích, hoặc phân tích dựa trên những thông tin sai lệch. Việc lựa chọn sai chiến lược cũng giống như chọn sai đường đi, càng đi nhanh, càng xa rời đích đến. Có công ty đang ăn nên làm ra ở một lĩnh vực. Thấy lĩnh vực khác có vẻ “ngon ăn”, công ty lập tức nhảy vào chỉ bằng vài con số tính toán sơ sài của ông chủ. Tham gia vào ngành mới là một lựa chọn mang tầm chiến lược. Và một khi lựa chọn sai (do không phù hợp với năng lực, do đánh giá sai thị trường, đối thủ...), công ty đổ tiền vào ngành mới và đắm chìm trong thua lỗ. Tiền bạc thiếu hụt, công ty kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư, vay từ ngân hàng... Nhưng càng vay, càng có tiền, công ty càng lao vào những nơi tiền “uống như hũ chìm”, bao nhiêu cũng hết.

3. Chiến lược đúng, thực thi sai. Chọn đúng đường, nhưng chọn sai phương pháp, công cụ, nhân lực. Nhiều công ty tăng trưởng rất nhanh trong một lĩnh vực sở trường. Giai đoạn đầu thuận lợi nên đánh đâu, thắng đấy. Rồi khi công ty phình to ra, những bất cập trong quản lý, kinh doanh bắt đầu xuất hiện. Nhân sự thiếu năng lực, hệ thống quản lý yếu kém, phương pháp và công cụ quản lý lạc hậu. Công ty không chịu nâng cấp, xây dựng mới. Vẫn người cũ, tư duy cũ, phương pháp cũ. Đặc biệt, người đứng đầu do chút thành công trở thành kiêu ngạo, bảo thủ. Công ty bắt đầu thua lỗ, khách hàng bắt đầu rời xa... Tiền bơm vào những công ty không biết quản lý cũng như giao cho đứa con ngờ nghệch, không biết dùng tiền. Bao nhiêu cũng hết, và bao nhiêu cũng không thể cứu vãn.

4. Nhà đầu tư có mục tiêu khác với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tiền. Nhà đầu tư tham gia, mua cổ phần lớn. Tiền được rót vào, nhưng hai bên có những mục tiêu khác nhau. Quỹ đầu tư vì mục tiêu tài chính, ngắn hạn, muốn nhanh chóng “chốt lời”. Doanh nghiệp thì đặt ra mục tiêu kinh doanh dài hạn. Hai bên mâu thuẫn mục tiêu, mâu thuẫn cách làm, dẫn đến xung đột lợi ích. Nhà đầu tư trở thành vật cản, doanh nghiệp khó khăn khi bị vật cản này cản đường. Giằng co tranh chấp xảy ra, nhà đầu tư không tiếp tục rót vốn theo lộ trình. Doanh nghiệp rơi vào cảnh dở khóc, dở cười, tiến không được, thoái không xong.

5. Doanh nghiệp dùng tiền để... phình bụng ếch. Doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, huy động vốn, mời gọi nhà đầu tư chỉ để phình to cho hoành tráng, và nhằm mục đích giải quyết khâu oai hơn là cần tiền thực sự để kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp vội vã lên sàn. Hỏi để làm gì, chủ doanh nghiệp trả lời là để cho nó mau lớn. Mục đích chỉ là để cho doanh nghiệp phình to như bụng ếch, không phải vì có đường hướng kinh doanh rõ ràng mà cần huy động thêm tiền. Có doanh nghiệp phát hành cổ phiếu giá tốt, thặng dư vốn kha khá và để đó... ngắm chơi, chẳng biết làm gì. Trong khi đó thì quyền sở hữu, quyền quyết định bị chi phối do có thêm cổ đông mới. Xung đột về mục tiêu, quyền lợi, phương pháp quản lý lại xảy ra khi doanh nghiệp có thêm người bỏ tiền vào. Tiền chẳng mấy chốc không cánh mà bay...
* * *

Như trên đã nói, tiền đối với doanh nghiệp như máu đối với cơ thể người. Tiếp máu nhiều chưa hẳn là tốt! Và máu không cùng nhóm thì nguy hại chết người. Tiền được bơm vào mà không biết sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, sai phương pháp, thì càng bơm doanh nghiệp càng dễ phá sản. Ở một góc độ khác, các nhà đầu tư, các ngân hàng cũng đừng cứ thấy doanh nghiệp khóc là tìm cách cho bú!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét