Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

Đà Nẵng thời mới: Đại gia kín tiếng, thương vụ ngàn tỷ

Vũ Trung

VNN - Hàng loạt dự án đất vàng tại trung tâm TP. Đà Nẵng và dự án nghỉ dưỡng ven biển - vốn bị bỏ hoang hóa cả chục năm nay, vừa được các đại gia sang tay, chuyển nhượng. Chi tiền 'khủng' cho các dự án vị trí vàng, chỉ những người trong cuộc mới rõ.

Một thời vàng son

Hơn 10 năm trước, những dự án đất vàng tại trung tâm và vùng ven biển Đà Nẵng đều do các đại gia Sài Gòn làm chủ. Với những dự án “khủng” này, lãnh đạo TP. Đà Nẵng từng kỳ vọng khi các dự án hoàn thành sẽ biến Đà Nẵng thành một Hồng Kông hoặc Singapor thứ hai tại Việt Nam.

Cùng với đó là những cái tên Hyatt Regency, Montgomerie Links, One Poera Danang, Danang Golf Club, Indochina Riverside,... một thời gây sóng gió bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven biển, khiến nhà đầu từ từ Nam ra Bắc gom tiền đổ về Đà Nẵng mua bán.

Những lễ khởi công hoành tráng của dự án “khủng” với số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, từng diễn ra rầm rộ tại những khu đất vàng trung tâm thành phố như dự án Toà tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers, hay dự án Tổ hợp thương mại tại sân vận động Chi Lăng của tập đoàn Thiên Thanh.

Dự án Toà tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers số vốn đầu tư 200 triệu USD khởi công năm 2008, song, đến nay mới xây được phần móng.

Còn dự án Tổ hợp thương mại tại sân vận động Chi Lăng do Tập đoàn Thiên Thanh đầu tư hơn 4.000 tỷ, trên diện tích khoảng 60.000 m2, gồm toàn bộ sân vận động Chi Lăng và khu vực lân cận tiếp giáp với 4 mặt đường chính là Lê Duẩn - Ngô Gia Tự - Hùng Vương - Chi Lăng. Thế nhưng, khi ông chủ tập đoàn này dính vòng lao lý thì dự án “khủng” với bao hứa hẹn bất động nhiều năm nay.

Kỳ vọng bao nhiêu thì không lâu sau lại thất vọng bấy nhiêu, đó là khi thị trường bất động sản đóng băng do khủng hoảng kinh tế kéo dài, hàng loạt dự án bất động sản tại những khu đất vàng, đất kim cương trở thành những dự án treo, dự án bỏ hoang, gây bức xúc.

Nhộn nhịp mua - bán dự án “khủng”

Nhiều dự án “khủng”, sau hàng chục năm bị treo, bắt đầu hồi sinh vào những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Hàng loạt đại gia từ Hà Nội ào ạt đổ bộ vào Đà Nẵng, rót hàng nghìn tỷ đồng mua lại dự án treo của các đại gia Sài Gòn và kể cả đại gia nước ngoài.

Thương vụ mua bán “khủng” đầu tiên là dự án Hyatt Regency với quy mô 400 biệt thự, phòng khách sạn và căn hộ được Tập đoàn Indochina Land bán cho Gaw Capital.

Còn sân golf 10 lỗ tiêu chuẩn Montgomerie Links cùng 66 khu biệt thự cao cấp cũng được Tập đoàn Indochina Land bán cho tập đoàn TBC với giá 25,5 triệu USD.

Một thương vụ đình đám khác được nhắc đến là vụ mua lại khách sạn 5 sao mặt phố quy mô hơn 200 phòng tiêu chuẩn One Poera Danang được một đại gia mua lại từ Hoàng Anh Gia Lai cũng vừa bán cho nhà đầu tư Success Dragon với giá 31,4 triệu USD.

Hay, một loạt các thương vụ mua bán dọc tuyến đường ven biển Võ Nguyên Giáp, như: Dự án Tổ hợp Ánh Dương tọa lạc tại khu đất có vị trí đắc địa bên bờ biển Đà Nẵng cũng vừa được chuyển chủ mới diễn ra vào cuối tháng 2/2016 vừa qua.

Trong số những thương vụ giá “khủng” nhất Đà Nẵng phải nhắc đến vụ chuyển nhượng khu phức hợp World Trade Centre Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư tại thời điểm công bố lên đến 325 triệu USD trên diện tích 90.000m2 tại bờ đông sông Hàn giờ được phân ra “bán lẻ”, sau gần 10 năm án binh bất động.

Hàng loạt thương vụ khủng giao dịch thành công giữa các đại gia đến từ Hà Nội theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Tuy nhiên, vẫn còn một số thương vụ “khủng” mua bán bất thành.

Một trong số đó là vụ mua lại Toà tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers. Do xảy ra tranh chấp trong chuyển nhượng giữa các cổ đông Công ty CP địa ốc Viễn Đông Việt Nam (chủ đầu tư) nên đến nay vẫn còn treo lơ lửng, không biết đến bao giờ mới khởi động lại.

Còn Tổ hợp thương mại tại sân vận động Chi Lăng, khi dự án bắt đầu triển khai, ông chủ Tập đoàn Thiên Thanh đã chi 1.500 tỷ đồng chuyển quyền sử dụng đất và được TP. Đà Nẵng cấp phép đầu tư vào năm 2010.

Ngay sau khi nhận giấy phép, tập đoàn này đã xé lẻ khu đất, đem thế chấp các ngân hàng lấy hơn 4.000 tỷ đồng và “treo” dự án từ đó đến nay.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, những thương vụ chuyển nhượng được công bố công khai thực chất chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, phần thoả thuận chuyển nhượng “ngầm” giữa các đại gia mới thực sự là những thương vụ bán mua có giá “khủng” nhất.

Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh miền Trung Trần Ngọc Thành nhận định: Vì nhiều lý do, các đại gia từ Hà Nội vào Đà Nẵng mua bán các dự án thường kín tiếng, không muốn tiết lộ danh tính. Một trong những lý do là bản thân họ cũng chưa có chiến lược cụ thể đối với dự án mà mình sở hữu, hoặc hai bên muốn giữ kín thông tin về các thương vụ.

“Những thương vụ ‘khủng’ này là chỉ dấu chấm dứt những dự án treo hàng chục năm nay ở những khu đất vàng Đà Nẵng. Hiện có khoảng 70% dự án sau khi mua bán, sát nhập đã khởi động và thay đổi theo chiều hướng tốt hơn” - ông Thành nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét