Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Ai hưởng lợi ở những trường phi lợi nhuận?

PHẠM THỊ LY

TTCT - Một bài báo đăng trên New York Times hôm 19-8-2015 đã hé mở những thông tin về số tiền trong quỹ hiến tặng của các trường ĐH phi lợi nhuận ở Mỹ đã được sử dụng như thế nào.

Từ lâu, giáo dục ĐH đã được xem là hàng hóa công, phục vụ sự phát triển xã hội, sự giàu mạnh của quốc gia. Kinh tế tri thức đòi hỏi người lao động ngày càng cần được đào tạo nhiều hơn mới có thể tham gia thị trường lao động. Điều này khiến việc theo đuổi ĐH về cơ bản trở thành đầu tư cho tương lai của mỗi cá nhân. Dù vậy, ý tưởng về việc giáo dục ĐH phải được xem chủ yếu là lợi ích của xã hội và do đó cần được bao cấp vẫn là một ý tưởng chủ đạo.

Việc bao cấp cho các trường ĐH dưới nhiều hình thức khác nhau càng được củng cố mạnh mẽ hơn bằng lý tưởng “cơ hội thay đổi cuộc đời” cho tất cả mọi người. Vì vậy, “kinh doanh giáo dục” là một ý niệm có vẻ như khó chấp nhận. Ở Mỹ, mặc dù trường ĐH tư đã ra đời từ lâu, hầu hết vẫn là các trường phi lợi nhuận (PLN), còn các trường vì lợi nhuận (VLN) thường phải hứng chịu cái nhìn thiếu thiện cảm của công chúng. Đối với công chúng Việt Nam, lý tưởng PLN gắn với ý niệm “miễn phí”. Và đó là một định kiến sai lầm.

Ai chi trả cho trường PLN?

Trường PLN ở Mỹ thường được hình thành từ nguồn quỹ hiến tặng của tư nhân, của các tổ chức xã hội hay tôn giáo. Trong quá trình hoạt động, trường tiếp tục dựa vào các nguồn hiến tặng và học phí.

Với những trường danh tiếng, quỹ hiến tặng (từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cựu sinh viên, các quỹ thiện nguyện) có thể lên tới vài chục tỉ USD (Harvard có 32,3 tỉ, Yale có 20,7 tỉ, tháng 6-2013). Nhưng dù quỹ hiến tặng này chủ yếu từ các nguồn tư nhân, nó không phải là một thứ cho không mà vẫn liên đới với nguồn lực công.

Sở dĩ truyền thống hiến tặng đặc biệt phát triển ở Hoa Kỳ do nhà nước có chính sách miễn thuế cho các khoản hiến tặng nhằm khích lệ đóng góp của tư nhân cho lợi ích công, để hỗ trợ các trường ĐH. Không ai phủ nhận tinh thần hiến tặng cao quý của những người để lại tài sản của mình cho nhà trường như một cách đóng góp và trả ơn những gì tốt đẹp mà mình đã nhận được, nhưng nếu không có chính sách miễn thuế này, hẳn là người đóng góp sẽ ngần ngại hơn nhiều.

Luật Mỹ đánh thuế thừa kế rất nặng (theo biểu thuế bậc thang, từ 18-40% tùy giá trị tài sản), thêm vào đó là thuế di sản (có thể lên đến 35% đối với di sản trên 25 triệu USD) để làm nản lòng những người muốn “hi sinh đời bố củng cố đời con”. Vì vậy, có thể nói khoản hiến tặng mà các trường ĐH Mỹ được hưởng thực chất là hỗ trợ của nhà nước thông qua giảm thuế.

Chẳng những thế, sinh viên các trường PLN dĩ nhiên vẫn phải đóng học phí với mức không hề thấp: bình quân 46.000 USD/năm, tính cả ăn ở thì khoảng 63.250 USD (trường hợp ĐH Yale), cao hơn nhiều so với mức trung bình của các ĐH công.

Ở Mỹ, từ năm 2000 đến nay học phí đã tăng gần 150%, tức gấp năm lần so với mức lạm phát (khoảng 32%). Ở Việt Nam, chi phí cho giáo dục tăng suốt trong nhiều năm nay, ở mức gần gấp đôi giá tiêu dùng nói chung. Từ năm 2009 đến nay, giá dịch vụ giáo dục tăng gấp 128% (bình quân 15%/năm, tính chung cả công - tư và các cấp học), còn giá hàng hóa nói chung chỉ tăng 59% (bình quân 8%/năm).

Có thể kể trường hợp của ĐH Hoa Sen, năm 2006 mức học phí 8-9 triệu đồng thì năm 2007 đã tăng đến 12-15 triệu đồng/năm, từ đó đến nay tiếp tục tăng. Năm 2014 mức học phí là 43-57 triệu đồng, gấp bốn lần so với bảy năm trước đó, bình quân tăng 60%/năm trong lúc chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 8%/năm.

Ai hưởng lợi?

Về nguyên tắc, nguồn quỹ này được đem đi đầu tư để sinh lợi và khoản lợi được bù đắp cho hoạt động của nhà trường. Thế nhưng trong thực tế, câu trả lời cho câu hỏi “ai được hưởng lợi?” từ những nguồn này sẽ làm chúng ta phải suy nghĩ lại.

Năm ngoái, ĐH Yale đã trả 480 triệu USD cho các nhà quản lý quỹ đầu tư chứng khoán - thù lao cho việc quản lý 8 tỉ USD, tức một phần ba quỹ hiến tặng hiện nay của Yale. Tình hình cũng tương tự ở các trường ĐH Harvard, The University of Texas, Stanford và Princeton.

Trong 1 tỉ USD chi cho hoạt động của Yale, chỉ vỏn vẹn 170 triệu USD (tức 17%) được dùng cho việc hỗ trợ học phí, tài trợ nghiên cứu và giải thưởng các loại. Năm 2012, Harvard tiêu 242 triệu USD cho hỗ trợ học phí và gần 1 tỉ USD cho chi phí quản lý các quỹ đầu tư. Năm 2014, Harvard chi cho học bổng không đến 3% của tổng chi.

Quỹ hiến tặng của Yale hiện nay khoảng 24 tỉ USD, tăng 50% so với năm 2009. Kenneth C. Griffin, nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm, đã cho Harvard 150 triệu USD trong năm 2014. Stephen A. Schwarzman - chủ tịch sáng lập Quỹ đầu tư chứng khoán Blackstone, một người khổng lồ trong giới tài chính - cho Yale 150 triệu USD. John A. Paulson, một nhà quản lý quỹ đầu tư chứng khoán khác, đã cho Harvard 400 triệu USD vào tháng 6 năm nay.

Có thể thấy rõ mối liên quan nổi bật giữa quỹ hiến tặng của các trường PLN với giới quản lý quỹ đầu tư và chứng khoán. Các nhà quản lý quỹ này thường được trả thù lao theo công thức 2% tổng giá trị quỹ (phí quản lý thường niên) cộng với 20% khoản lãi mà việc đầu tư nguồn quỹ này tạo ra. Nhà trường được miễn thuế và khoản chi cho các nhà quản lý đầu tư cũng được hưởng mức thuế thu nhập thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp thông thường.

Thay vì giảm học phí, Yale thu học phí ở mức rất cao (tổng thu học phí năm nay là 291 triệu USD) và Yale không phải là trường hợp cá biệt. Vấn đề là các trường PLN đã không dùng nguồn hiến tặng để giảm học phí. Học phí ngày càng đắt đỏ và không có vẻ gì sẽ ngừng tăng. Lý do là hào quang của các trường này đủ thu hút tầng lớp tinh hoa nhất của xã hội, sinh viên có thể vay học phí dễ dàng từ các nguồn của chính phủ.

Kết quả của tất cả con số này là gì? Tổng nợ vay học phí của sinh viên Mỹ lên tới 1,16 ngàn tỉ USD, bằng 10% tổng nợ tiêu dùng của dân Mỹ và tỉ lệ này ngày càng tăng. 11% nợ tiền vay để đi học đang là nợ xấu, tỉ lệ này cũng đang gia tăng cùng với hiện tượng cử nhân thất nghiệp.

Ngộ nhận của người học và lỗ hổng của chính sách

Xã hội Việt Nam nói chung và người học nói riêng thường ngộ nhận “PLN” với “miễn phí”, hay ít ra tưởng rằng bao nhiêu tiền mình bỏ ra đều được dùng cho việc học tập mà không có ai khác được hưởng lợi cá nhân từ đó. Việt Nam chưa có trường PLN và cũng chưa có văn hóa minh bạch nên khó đánh giá cụ thể, nhưng có thể nhìn vào các trường PLN ở Mỹ: học phí ở các trường này có thể gấp 2-4 lần so với các trường khác.

Một nghiên cứu cho biết do học phí quá cao, sinh viên thuộc tầng lớp thu nhập thấp có ít cơ hội vào các trường này: chỉ 16% sinh viên trong các trường ĐH PLN hàng đầu thuộc dạng được hưởng hỗ trợ tài chính của Chính phủ Mỹ dành cho sinh viên nghèo. Con số này ở Harvard là 11%, ở Yale là 14%, Princeton 12% và Stanford là 17%.

Thật là ngược đời, vì Robert Reich (vốn là giáo sư UC Berkeley, bộ trưởng lao động dưới thời Clinton, là một trong mười nhân vật chính phủ có ảnh hưởng mạnh nhất trong thế kỷ 20) đã chỉ ra rằng một phần ba tiền hiến tặng thực chất là tiền miễn thuế. Dưới hình thức miễn thuế, nhà nước đã tài trợ cho mỗi sinh viên trong các trường này 50.000 USD/năm, trong lúc con số đó ở các trường công thông thường là 4.000 USD.

Ai được hưởng khoản tài trợ gấp mười lần ấy? Câu trả lời là sinh viên nhà giàu và giới quản lý của các trường này.

Ở Việt Nam, vấn đề VLN - PLN đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Nghị định 141/CP-NĐ năm 2012 và điều lệ trường ĐH 2014 lần đầu tiên đã đặt ra một định nghĩa cũng như xây dựng hành lang pháp lý cho việc quản trị và vận hành trường ĐH PLN, đó là một bước tiến lớn.

Nhưng có một số mâu thuẫn về mặt chính sách đối với ĐH tư cần được coi lại. Điều 6 nghị định 141 nói trên nêu ra ba điều kiện để một trường tư được công nhận là không VLN thì có hai điều thuộc về tài chính: (a) chủ sở hữu nguồn vốn không nhận lợi tức, hoặc nhận lợi tức không vượt quá lãi suất trái phiếu; và (b) chênh lệch thu chi của trường là tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia.

Hai điều này mâu thuẫn với nhau: nếu tất cả chênh lệch thu chi đều là tài sản không phân chia thì lấy đâu để chi trả lợi tức cho người góp vốn? Và đã có chia lời, dẫu ít hay nhiều, thì không thể coi là không VLN. Hơn thế, điều lệ 2014 cho phép người góp vốn định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng để thừa kế, hiến tặng, tức vẫn là sở hữu tư nhân. Điều này trái với khái niệm không VLN trên thế giới.

Vấn đề thứ hai quan trọng hơn nhiều là cơ chế quản trị và trách nhiệm giải trình của các trường ĐH tư không VLN. Trước đây, đại hội cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất ở cấp trường, hội đồng quản trị được bầu ra qua đại hội cổ đông theo nguyên tắc bầu dồn phiếu, nghĩa là người góp tiền nhiều hơn thì có tiếng nói mạnh hơn; thì nay thành viên góp vốn chỉ chiếm không quá 20% tổng số thành viên hội đồng quản trị.

Trường không VLN không có đại hội cổ đông, thay vào đó là đại hội toàn trường. Nhưng khác với đại hội cổ đông, đại hội toàn trường không phải là cơ quan có quyền quyết định cao nhất về mọi vấn đề của nhà trường và có vai trò rất yếu trong việc ra quyết định.

Cơ cấu quản trị này đã để lại một lỗ hổng lớn về trách nhiệm giải trình của hội đồng quản trị. Khung pháp lý hiện nay đã trao cho họ quyền quyết định tuyệt đối trong những vấn đề ở cấp trường mà không bị giám sát. Điều lệ liệt kê thành phần tham gia đại hội toàn trường nhưng không hề có người học và phụ huynh.

Vì vậy, nó không đủ sức bảo vệ lợi ích của người học và của xã hội bởi chỉ là tiếng nói của cán bộ, giảng viên, nhân viên trong trường, hoàn toàn thiếu vắng tiếng nói của nhân vật quan trọng nhất: người học - tức chính là người đã trả tiền cho toàn bộ hoạt động của nhà trường.

Vì vậy, vấn đề không phải là các trường đã thu bao nhiêu tiền, mà là các trường đã sử dụng đồng tiền như thế nào và mang lại một kết quả ra sao cho người học và cho xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét