Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Cho tập đoàn Thiên Thanh vay sai quy định, VNCB mất 2.000 tỉ

HOÀNG ĐIỆP

TTO - Không có tiền trả nợ, Phạm Công Danh đã đưa hàng loạt công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh do mình thành lập đứng ra vay vốn tại chính ngân hàng Xây dựng VN mà Danh là chủ tịch HĐQT.

Khoảng cuối năm 2012, sau khi tiếp nhận, tái cơ cấu TrustBank (Ngân hàng Đại Tín), Phạm Công Danh - tổng giám đốc Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh - đảm nhiệm chức chủ tịch HĐQT ngân hàng này, đổi tên ngân hàng thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). 

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao (truy tố Phạm Công Danh và 35 đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng tại VNCB), Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập và duyệt hồ sơ cho 14 công ty (trong đó có 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh) vay hơn 5.000 tỉ đồng.

Mục đích vay tiền là để Phạm Công Danh trả nợ do mua cổ phần Ngân hàng TrustBank của nhóm Phú Mỹ trước đó, trả nợ vay cá nhân và chi tiêu nhiều khoản khác... gây thiệt hại hơn 2.000 tỉ đồng cho VNCB.

Cho hàng loạt công ty "sân sau" vay trái quy định

Hồ sơ thể hiện do cần tiền trả nợ nhưng Phạm Công Danh biết với tư cách chủ tịch HĐQT thì không thể trực tiếp vay tiền của ngân hàng mình nên Danh mới chỉ đạo đưa 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 công ty khác (Công ty Nhà Quốc Cường và Công ty Nhà Hưng Thịnh) để lập 16 bộ hồ sơ vay vốn tại VNCB.

Các hồ sơ vay vốn của nhóm công ty trên đều được lập bằng các hợp đồng mua bán bất động sản, phương án kinh doanh và trả nợ khống, tài sản thế chấp được nâng khống giá trị, một tài sản đảm bảo cho nhiều khoản vay khác nhau...

Cụ thể, có hồ sơ 7 lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng, đất tại đường Trường Chinh (Đà Nẵng) đã được thế chấp để đảm bảo cho khoản vay 5.000 tỉ đồng tại VIDB (chưa được giải chấp) nhưng vẫn được dùng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay thêm khác.

Đồng thời, giá trị tài sản bị nâng khống nhiều lần so với giá thực tế.

Để giải ngân toàn bộ số tiền này, VNCB đã thực hiện trong các giai đoạn khác nhau. Riêng giai đoạn năm 2014, VNCB đã cho 10 công ty của Tập đoàn Thiên Thanh vay 3.750 tỉ đồng với các hợp đồng thế chấp tài sản và lý do vay để kinh doanh.

Tuy nhiên, toàn bộ số tiền mà các công ty con này vay được đều được chuyển lại cho Tập đoàn Thiên Thanh để Phạm Công Danh chi trả các khoản nợ.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ xây dựng Quang Đại đã làm hồ sơ để vay 380 tỉ đồng. Công ty này do ông Phạm Công Danh thành lập - theo lời khai của Nguyễn Hữu Duyên, người đứng tên giám đốc công ty.

Theo cáo trạng, Công ty Quang Đại đã làm hồ sơ vay vốn trên là để thanh toán tiền mua nguyên vật liệu xây dựng, tài sản đảm bảo là một lô đất ở khu vực sân vận động Chi Lăng.

Thực tế, lô đất này đã được thẩm định nâng khống giá trị lên thành 1.167 tỉ đồng (sau này Công ty cổ phần Thông tin thẩm định giá miền Nam xác định giá trị tài sản này chỉ là 368 tỉ đồng). Tháng 1-2014 thì hồ sơ này được chấp nhận cho vay.

Sau khi giải ngân, số tiền 380 tỉ của VNCB cho vay đã chuyển vào tài khoản của Công ty Quang Đại nhưng thực chất tiền này cũng chuyển về cho Tập đoàn Thiên Thanh cùng với hàng chục khoản vay của các công ty khác để Phạm Công Danh trả nợ.

Cho nhân viên rửa xe làm giám đốc để ký vay tiền

Theo hồ sơ, trước khi trở thành giám đốc của Công ty Quang Đại, Duyên là nhân viên rửa xe tại Tập đoàn Thiên Thanh.

Duyên khai rằng khi đang làm nhân viên rửa xe thì được mời làm giám đốc của công ty với mức lương 5 triệu đồng/tháng, sau đó được tăng lên 10 triệu đồng/tháng. Thực tế công ty kể từ khi thành lập đến khi bị khởi tố điều tra không hề có hoạt động kinh doanh gì.

Sở dĩ Duyên nhận đứng tên giám đốc công ty là bởi muốn có thêm thu nhập. Và bản thân Duyên cũng không biết gì về hoạt động của công ty này. Bởi sau khi thành lập xong thì giấy phép và con dấu do người khác quản lý.

Liên quan đến khoản tiền 380 tỉ đồng vay tại VNCB chi nhánh Lam Giang trên, Duyên khai khoảng đầu năm 2014, Nguyễn Thị Quỳnh Trang (thuộc bộ phận tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh) gọi điện thoại cho Duyên đề nghị đến ngân hàng để ký hồ sơ vay tiền.

Duyên đến công ty và thấy hồ sơ đã được Trang chuẩn bị sẵn và hướng dẫn ký vào các loại giấy tờ như đơn đề nghị vay, phương án vay tiền.. Sau đó một tuần Trang gọi điện thoại nói Duyên đến VNCB để ký thêm một số giấy tờ khác.

Sau đó, việc giải ngân và sử dụng tiền thế nào Duyên không rõ.

Tương tự công ty trên, hàng loạt công ty khác do Phạm Công Danh thành lập cũng không có chức năng kinh doanh: Công ty Cường Tín, Công ty Thanh Quang, Công ty Nhất Nhất Vinh, Công ty Phước Đại, Công ty Toàn Tâm….

Giám đốc của các công ty này vốn là nhân viên bảo vệ hoặc tạp vụ hay nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh nhưng được đưa lên làm giám đốc.

Những "giám đốc" này chỉ có chức năng ký hồ sơ để vay tiền và nhận tiền lương được trả từ Thiên Thanh chứ không biết gì về hoạt động của công ty.
***

Liên quan vụ gây thất thoát hơn 9.000 tỉ đồng tại VNCB, cáo trạng của Viện KSND tối cao đã truy tố Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT VNCB - cùng 35 bị cáo về các tội cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Dự kiến ngày 19-7, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét