Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Lãnh đạo và văn hoá từ chức

Nguyễn Văn Tuấn

VNN - Những người lãnh đạo thành công, được người dân mến mộ và có lòng tự trọng luôn tự quyết định số phận chính trị của họ.

Từ một tuyên bố chấn động

Hôm qua, ngày 27/4, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won bất ngờ tuyên bố đệ đơn xin từ chức vì vụ chìm phà Sewol khiến cho gần 300 người tử vong hoặc mất tích. Tuyên bố của ông Chung làm cho nhiều người ngạc nhiên và kính phục.

“Tôi xin lỗi vì đã không thể ngăn vụ tai nạn này và đã không thể xử lý vụ việc được tốt sau khi nó xảy ra. Tôi cho rằng tôi, với tư cách là Thủ tướng, rõ ràng là phải chịu trách nhiệm và phải từ chức”, truyền thông dẫn lời ông Chung phát biểu.

Tuyên bố này gây ngạc nhiên, vì có thể nói rằng sự việc chìm phà không nằm trong tầm kiểm soát của ông, nhưng ông tự nhận đó là trách nhiệm của mình. Và thán phục vì ông sẵn sàng hi sinh sự nghiệp chính trị để chứng tỏ một điểm: Chính phủ Hàn Quốc là một chính phủ có trách nhiệm về sự an sinh của người dân.

Tuyên bố của ông Chung Hong-won không khỏi làm nhiều người ở những xứ sở chưa có văn hóa từ chức phải suy nghĩ. Nhất là theo như phản ánh của truyền thông xứ ta, hầu như ngày nào cũng xảy ra sự cố ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nào tai nạn giao thông, tai biến y khoa bất thường, tai nạn lao động… Vậy nhưng, hình như chẳng ai đứng ra chịu trách nhiệm hay giải trình trước công chúng. Tất cả đều rơi vào sự im lặng đáng sợ. Có người lí giải rằng những tai nạn đó, những cái chết đó đã làm cho cảm xúc của người Việt bị chai lì hay xã hội đang trong hội chứng mệt mỏi cảm xúc (emotional fatigue).

Dù giả thuyết nào đúng thì ở xứ ta, chuyện văn hoá từ chức mới chỉ được nói đến trên bàn nghị sự. Dù có người đem ra chất vấn thẳng ở Quốc hội. Có những cơ quan chức năng đang được giao soạn thảo Nghị định về bổ nhiệm cán bộ (trong đó có xem xét quy trình từ chức)… Nhưng, thực tế là có những người không hoàn thành trách nhiệm, hay làm không tốt trách nhiệm được giao mà vẫn tại vị, nặng là khiển trách, như vị Cục trưởng Cục đường sắt ở Bộ giao thông mới đây.

Có lẽ nhiều người ở vai trò lãnh đạo nhưng họ không am hiểu khái niệm “lãnh đạo” là gì, và không cảm thấy có trách nhiệm đến sự an sinh của người dân. Dù sao đi nữa thì vẫn có một khoảng cách về hành xử giữa người làm quản lý ở xứ ta và lãnh đạo nước ngoài.

Rút lui để duy trì chuẩn mực cao nhất

Ở các nước tiên tiến, an toàn và tính mạng người dân được xem là ưu tiên số 1, và trách nhiệm cao nhất và đầu tiên là người lãnh đạo. Trong các phòng thí nghiệm và bệnh viện, yêu cầu về an toàn cực kì nghiêm ngặt. Bất cứ cuộc họp hàng tuần nào, trước khi thảo luận chương trình nghị sự, thì điều đầu tiên cần báo cáo là về sự an toàn, kiểm tra tất cả các nơi và khía cạnh an toàn. Nếu trong viện có người bị tai nạn thì viện trưởng là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Do đó, bản thân tôi không ngạc nhiên khi ông Chung Hong-won nhận lãnh trách nhiệm về tai nạn chìm phà.

Thật ra, ở các nước dân chủ, việc từ chức của các quan chức và chính khách gần như là một nét văn hoá: văn hoá từ chức. Một khi họ cảm thấy không còn đóng góp gì cho xã hội, hay lương tâm họ tự cảm thấy cắn rứt trước những cái chết oan uổng của người dân , họ tự nguyện xin từ chức.

Chẳng hạn, mới tuần qua, tại Úc, nơi tôi đang sống, ông Barry O’Farrell, thủ hiến bang New South Wales đã tuyên bố tự trừng phạt mình bằng cách từ chức chỉ vì một lời khai thiếu chính xác trước Uỷ ban phòng chống tham nhũng (ICAC). Câu chuyện của ông thu hút giới báo chí và dư luận vì vấn đề nhỏ mà dẫn đến hệ quả lớn.

Sự việc bắt đầu cách đây khoảng 2 năm khi ông Barry O’Farrell đắc cử thủ hiến, một doanh nhân gửi tặng ông một chai rượu vang (bây giờ trị giá khoảng 3.000 đôla) để chúc mừng. Sự việc qua đi đến khi công ty của doanh nhân kia bị điều tra vì cáo buộc hối lộ, và qua lời khai, ông nói có tặng ngài thủ hiến chai rượu không liên quan gì đến cáo buộc hối lộ. Khi được uỷ ban ICAC phỏng vấn về chai rượu, ông Barry O’Farrell khẳng định rằng ông không nhận quà. Một ngày sau đó, ICAC trưng bày chứng cứ cho thấy quả thật ông có nhận chai rượu!

Lập tức, ngài thủ hiến tuyên bố từ chức. Ông từ chức mặc dù chưa ai bắt buộc ông từ chức và cũng chẳng ai tố cáo ông tham nhũng. Ông được đánh giá là một chính khách chính trực, nói là làm, và rất nghiêm khắc với các lãnh đạo dưới quyền. Ông từ chức vì ông cho rằng qua quyết định, ông muốn gửi đến người dân một thông điệp rằng lãnh đạo Chính phủ bang New South Wales chịu trách nhiệm trước người dân một cách nghiêm chỉnh.

Lãnh đạo được định hình bởi việc làm của họ. Họ là những người được dân cử, vì họ không chỉ thuyết phục người dân, mà còn phải chứng minh bằng hành động. Là nhà lãnh đạo cộng đồng, trách nhiệm đầu tiên và trước hết phải là trước cộng đồng, trước người dân, và trách nhiệm trước sự uỷ thác của dân. Một khi họ không làm tròn trách nhiệm thì họ tự nguyện rút lui. Như trường hợp Thủ tướng Hàn Quốc, cho dù sự việc chìm phà chẳng phải là nhiệm vụ trực tiếp ông, nhưng ông vẫn tự trừng phạt mình, bởi vì ông phải trước hết chịu trách nhiệm trước sứ mệnh của mình.

Lãnh đạo có thể hiểu như là một qui trình tạo ảnh hưởng xã hội bằng cách huy động các nỗ lực của người khác nhằm đạt mục tiêu cho cộng đồng. Chú ý rằng trong khái niệm này, lãnh đạo không phải là uy quyền, không phải là bằng cấp, chức vụ, mà là uy tín. Một khi người lãnh đạo đánh mất niềm tin và uy tín của người dân thì cũng là lúc lãnh đạo không còn hiệu quả và không thể tạo ảnh hưởng xã hội.

Một trong những thách thức mà nhà lãnh đạo phải đối mặt là biết lúc nào nên rút lui và lúc nào nên tiếp tục. Đối với những người thất bại, hay những người không có tự trọng, họ thường bị bắt buộc từ chức hay cho cơ hội để rút lui. Nhưng đối với những người thành công, được người dân mến mộ và có lòng tự trọng, họ cũng chính là những người tự quyết định số phận chính trị của họ. Ông Chung Hong-won và thủ hiến Barry O’Farrell là những người thuộc nhóm 2, họ biết rút lui trong danh dự và sự rút lui của họ là một cách duy trì một chuẩn mực cao nhất của những người hoạt động vì cộng đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét